Chăn nuôi an toàn sinh học, hướng đi bền vững

Người chăn nuôi ở huyện Tuy An cố gắng thực hiện các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế rủi ro. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Chăn nuôi an toàn sinh học là định hướng phát triển hiện nay của ngành Chăn nuôi. Áp dụng tốt biện pháp an toàn sinh học sẽ giúp người chăn nuôi kiểm soát được các vấn đề về dịch bệnh, môi trường, chi phí đầu tư…, góp phần hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất.

Áp dụng vào chăn nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, an toàn sinh học đối với các cơ sở chăn nuôi là thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại của cơ sở chăn nuôi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hầu hết trang trại chăn nuôi có quy mô lớn đều áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Tại trang trại chăn nuôi heo giống BaF Phú Yên (huyện Sông Hinh), khâu kiểm soát dịch bệnh vô cùng quan trọng và được đặc biệt quan tâm thực hiện trong suốt thời gian qua. Theo bà Bùi Hương Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam, trang trại này chuyên sản xuất và cung cấp con giống cho các trại chuyên nuôi theo thịt của công ty với đàn giống hơn 5.000 con nái cấp ông bà. Vì vậy, công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là nguồn bệnh từ ngoài vào là việc vô cùng quan trọng, quyết định đến thành bại của quá trình sản xuất. Trại áp dụng tuyệt đối biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học với việc kiểm soát chặt từ khâu cung cấp thức ăn, không gian bên ngoài trang trại, đến từng chuồng nuôi giúp giảm thiểu tối đa rủi ro dịch bệnh ở vật nuôi. Riêng chi phí mua thuốc sát trùng để khử khuẩn mỗi năm của trại khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại được vận hành dựa vào công nghệ tự động và hệ thống hiện đại. Toàn bộ các khâu từ cho ăn đến nước uống, vệ sinh đều được tự động hóa theo khẩu phần tiêu chuẩn đối với từng giai đoạn sinh sản, tạo môi trường sinh trưởng, phát triển lý tưởng cho đàn heo. Đặc biệt các khu chuồng nuôi đều là trại kín, nuôi trong nhà lạnh với hệ thống làm mát hiện đại, bảo đảm nhiệt độ phù hợp để bảo vệ sức khỏe vật nuôi tránh các bệnh liên quan đến tiêu hóa và viêm phổi.

Không quy mô và bài bản như các trang trại chăn nuôi lớn, hiện nay, ở các trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình, người chăn nuôi cũng từng bước áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Trần Văn Tính ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, gia đình tôi đang thực hiện các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học. Con giống được mua từ các trại giống có uy tín, thức ăn, nước uống được kiểm soát, người ra vào trại đều phải qua hố vôi khử trùng. Đàn heo của trại được tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Ngoài ra, định kỳ hàng tuần tôi đều phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi để khử khuẩn môi trường.

Trại chăn nuôi của ông Lương Công Luân, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: THỦY TIÊN

Trại chăn nuôi của ông Lương Công Luân, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: THỦY TIÊN

Hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu giúp các cơ sở chăn nuôi kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế rủi ro. Nhờ áp dụng biện pháp này nên nhiều trang trại chăn nuôi đã kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh.

Theo ông Lương Công Luân ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), trại nuôi bò nhà ông lúc nào cũng duy trì khoảng 100 con. Lượng bò nhập vào, xuất ra ở trại mỗi ngày không dưới 10 con nên nguy cơ dịch bệnh từ ngoài nhiễm vào trại là rất lớn. Để kiểm soát được việc này, toàn bộ số bò trước khi nhập vào trại đều được kiểm tra sức khỏe kỹ càng, những con không có dấu hiệu lâm sàng của các loại dịch bệnh điển hình mới được cho nhập vào khu nuôi nhốt cách ly. Trong thời gian 15 ngày nhốt cách ly, bò sẽ được theo dõi tình trạng mỗi ngày, được tiêm phòng các loại vắc xin quy định. Sau thời gian này, gia súc hoàn toàn khỏe mạnh mới cho nhập đàn. Ngoài ra, nhờ trang trại ở khu bãi bồi sông Ba, cách xa khu dân cư, ít người qua lại và cách xa những trại chăn nuôi khác nên rất thuận lợi cho việc phòng chống dịch. “Nhờ áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên nhiều năm nay tại trại chưa xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm trên bò, bảo đảm lợi nhuận chăn nuôi. Bình quân, mỗi năm từ nuôi bò gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 1 tỉ đồng”, ông Luân cho biết.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thực tế cho thấy, toàn bộ các trại chăn nuôi khi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đều kiểm soát gần như tuyệt đối dịch bệnh ở vật nuôi.

Trong giai đoạn ngành Chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, người chăn nuôi càng cần phải nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học để có thể hạn chế rủi ro từ dịch bệnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm chăn nuôi, góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/299838/chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-huong-di-ben-vung.html