Chăn nuôi bằng... thuốc nam

Sử dụng các vị thuốc nam pha trộn với cám, ngô... tạo thức ăn cho vật nuôi, nông dân Hải Dương đã sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, dần khẳng định vị thế trên thị trường.

Các vị thuốc nam được anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) trồng để phối trộn làm thức ăn chăn nuôi

Các vị thuốc nam được anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) trồng để phối trộn làm thức ăn chăn nuôi

Sản phẩm đạt chất lượng cao

Vài năm gần đây, với mục tiêu hướng đến sản phẩm chất lượng cao, một số nông dân trong tỉnh đã tìm kiếm, đưa các vị thuốc nam vào khẩu phần ăn của lợn, gà, lươn, chim bồ câu... góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chăn nuôi từ lâu nhưng đầu năm nay anh Nguyễn Đình Luyện ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh) đã quyết định chuyển hướng cho lợn, gà ăn thức ăn thảo dược. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Luyện nuôi 2 lứa gà, lợn, mỗi lứa khoảng 200 con lợn thịt và 2.000 con gà. "Tôi thấy việc chăn nuôi bằng cách phối trộn thảo dược khá tiện lợi, vì cám được phối trộn theo tỷ lệ thích hợp nên chỉ việc cho lợn, gà ăn theo từng lứa tuổi mà không phải vất vả gì ", anh Luyện cho biết.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt bằng thảo dược của anh Nguyễn Đình Luyện ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh)

Mô hình chăn nuôi lợn thịt bằng thảo dược của anh Nguyễn Đình Luyện ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh)

Là người chăn nuôi và cung cấp cám thảo dược cho nhiều hộ chăn nuôi khác trong phường, theo anh Bùi Văn Lĩnh ở khu dân cư Cầu Dòng, chăn nuôi bằng thảo dược mang lại nhiều lợi ích. Tuy thời gian nuôi dài hơn từ 20-30 ngày/lứa gà, lợn nhưng giá thức ăn rẻ hơn 30.000 đồng/bao, trong khi giá bán cao hơn khoảng 5% nên hiệu quả kinh tế tương đương nhau. Tuy nhiên, lợi lớn nhất khi chăn nuôi bằng thảo dược là tăng sức đề kháng của vật nuôi, hạn chế phải dùng kháng sinh, hóa chất vệ sinh chuồng trại nên giảm được chi phí. Chất thải từ vật nuôi không hôi. Đặc biệt, thịt gà, lợn nuôi bằng thảo dược được nhiều người tiêu dùng đánh giá ngon, thơm hơn.

Việc sản xuất thức ăn thảo dược khá đơn giản. Trên thị trường có các loại hạt ngô, mạch, khô đậu, các thảo dược như quế, hồi, yến chi... được anh Lĩnh mua về và phối trộn theo tỷ lệ thích hợp cho từng loại vật nuôi và từng độ tuổi. Cám đóng theo bao có hướng dẫn sử dụng nên người chăn nuôi thuận tiện trong sử dụng.

Cùng với nuôi chim bồ câu, gần đây, anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) đã mở rộng nuôi lươn bằng thức ăn thảo dược. Do lươn sống ở dưới nước nên anh Bình dùng thảo dược để xử lý nước nuôi thật trong, sạch, không lẫn tạp chất giúp lươn không bị bệnh. Anh thả thêm bèo, rau muống... ở bể nuôi lươn bố mẹ để tạo chỗ trú ngụ và sinh sản cho lươn. Thức ăn cho lươn ngoài cám thông thường, anh còn phối trộn hơn 10 loại thảo dược khác như xạ đen, đinh lăng, bìm bịp, hòn ngọc, ké... theo tỷ lệ thích hợp. "Hiện nay, tôi nuôi 5.000 con lươn bố mẹ và 2 vạn lươn thịt. Sau 10 tháng, lươn đạt trọng lượng từ 200 - 250 gram/con lươn thịt, giá bán từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, cao hơn từ 50.000 - 70.000 đồng/kg so với lươn nuôi theo phương pháp thông thường. Đặc biệt, thịt lươn dai, thơm, không có mùi tanh", anh Bình khẳng định.

Lươn được nuôi trong bể và cho ăn thức ăn thảo dược

Lươn được nuôi trong bể và cho ăn thức ăn thảo dược

Định hướng thị trường

Mặc dù đã đưa các hình thức chăn nuôi mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, nhưng khó khăn với một số nông dân, nhất là những người nuôi gà, lợn theo phương pháp thảo dược hiện nay là thị trường tiêu thụ.

Năm nay là năm thứ 2 gia đình anh Phạm Đức Tâm ở thôn Quý Khê, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) nuôi gà theo cách phối trộn thảo dược làm thức ăn với quy mô 750 con/lứa. Dù thịt gà thơm, ngon nhưng khi bán trên thị trường thì giá lại không chênh so với gà nuôi theo hình thức thông thường. "So với trước đây, thời gian chăn nuôi bằng thảo dược dài hơn 20 ngày/lứa nhưng giá trị cũng chỉ tương đương nhau nên nhiều nông dân chưa thật mặn mà. Chúng tôi mong có sự quan tâm từ các cấp chính quyền trong việc quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng", anh Tâm nói.

Một số hộ nuôi gà thảo dược ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ

Một số hộ nuôi gà thảo dược ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ

Một số người nuôi lợn, gà bằng phương pháp thảo dược ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) cũng đang gặp khó khăn về đầu ra khi sản phẩm vẫn bán trên thị trường tự do mà chưa tìm được hệ thống nhà hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể, hoặc trường học để có thể cung cấp ổn định, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Theo anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát, để đứng vững trên thị trường thực phẩm đa dạng, phong phú như hiện nay thì người chăn nuôi thảo dược phải khẳng định được sự khác biệt về chất lượng sản phẩm; đồng thời cần chủ động kết nối để đưa sản phẩm vào nhà hàng, siêu thị... thì mới có thể sản xuất trên quy mô lớn.

Chăn nuôi bằng việc phối trộn thảo dược vào khẩu phần ăn của vật nuôi mang lại nhiều lợi ích. Ngoài việc mua nguyên liệu có sẵn thì người dân có thể trồng hoặc tìm kiếm dễ dàng, góp phần tiết giảm chi phí trong chăn nuôi. Tuy nhiên, để mô hình lớn mạnh và được nhân rộng cần có sự quan tâm vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chan-nuoi-bang-thuoc-nam-358870.html