Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở thành phố Hưng Yên
Những năm gần đây, thành phố Hưng Yên đã và đang hình thành những vùng chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không ồ ạt phát triển theo số lượng, người chăn nuôi chọn cách đi bền vững: Đầu tư giống bò lai máu ngoại, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, áp dụng kỹ thuật vỗ béo hiện đại gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, sản phẩm thịt bò của các hộ chăn nuôi ở thành phố Hưng Yên ngày càng có uy tín trên thị trường, cung không đủ cầu.

Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi bò thịt ở xã Phú Cường
Khác với chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây, các hộ chăn nuôi tại các xã, phường vùng bãi như: Phú Cường, Hùng Cường, Tân Hưng, Hoàng Hanh và Lam Sơn đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, áp dụng mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo. Thành phố đang có 4 hợp tác xã, tổ hợp tác về chăn nuôi bò hoạt động hiệu quả. Đây là mô hình không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn kiểm soát tốt về chất lượng sản phẩm và môi trường chăn nuôi. Tiêu biểu như Hợp tác xã chăn nuôi bò thịt Phú Cường, mỗi thành viên nuôi trung bình từ 15 đến 30 con, có hộ chăn nuôi gần 40 con. Các giống bò chủ yếu là bò lai 3 – 4 máu ngoại, có khả năng tăng trọng nhanh, cho chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng.
Toàn xã Phú Cường hiện nay duy trì chăn nuôi gần 7 nghìn con bò thịt, cơ bản đều nuôi theo hình thức nhốt chuồng. “Nếu có thêm điều kiện để mở rộng chuồng trại, chúng tôi sẽ nuôi nhiều hơn nữa, nhưng nguồn lực còn hạn chế nên phải làm chắc, làm bền trước đã” - ông Lê Văn Trung, một hộ chăn nuôi bò ở xã Phú Cường chia sẻ.
Tại xã Tân Hưng, đàn bò duy trì khoảng 3 nghìn con, phát triển cả theo hướng bò thịt và bò sinh sản. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn và con giống chất lượng, nhiều hộ dân đã đạt hiệu quả chăn nuôi bền vững, ổn định thu nhập qua nhiều năm. Ông Trần Văn Pháp (xã Tân Hưng), hộ chăn nuôi trên 10 con bò, cho biết: "Tận dụng đất bãi để trồng cỏ voi, kết hợp thêm phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân ngô, ngô hạt, đậu tương..., gia đình tôi chủ động được thức ăn cho đàn bò quanh năm, giảm đáng kể chi phí mà bò vẫn lớn nhanh, thịt chắc và ngọt". Cùng với đó, các hộ chăn nuôi còn chú trọng xử lý môi trường. Phân, nước thải từ chuồng bò được thu gom, xử lý bằng chế phẩm sinh học, ủ để bón cho cây trồng, bón cho diện tích trồng cỏ. Chuồng trại được thiết kế thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, quy trình phòng dịch bệnh đầy đủ. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã đầu tư làm đệm lót sinh học, hệ thống làm mát mái che, vừa bảo vệ sức khỏe đàn bò, vừa giảm công chăm sóc.
Tổng đàn bò ở thành phố Hưng Yên hiện nay đạt hơn 13 nghìn con. Sản lượng thịt bò toàn thành phố đạt 690 – 700 tấn mỗi năm. Theo người chăn nuôi, thời gian nuôi bò từ lúc nuôi bê giống đến xuất chuồng khoảng 8 – 10 tháng. Mỗi con bò cho thu lãi 20 – 25 triệu đồng.
Với quy mô hiện tại, nhiều hộ dân đã vươn lên trở thành những điển hình trong chăn nuôi bò. Hầu hết các hộ chăn nuôi bò thịt ở thành phố Hưng Yên tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Những thứ tưởng chừng bỏ đi như thân cây ngô, rơm rạ, bã đậu, thân cây chuối... được người chăn nuôi ủ men sinh học, phối trộn với thức ăn tinh, tạo thành khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng, chi phí rẻ.
Đồng thời con giống chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu khi chăn nuôi. 90% đàn bò thịt ở thành phố Hưng Yên là giống bò lai máu ngoại, cho chất lượng thịt vượt trội so với giống bò địa phương. Kết hợp nguồn thức ăn chăn nuôi phong phú, hữu cơ, nên thịt bò thương phẩm chất lượng ngày càng tốt hơn, thớ thịt có màu đỏ sẫm, sợi thịt nhỏ, thơm, ít mỡ, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thực tế, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, thương lái đặt hàng từ trước vụ xuất bán, không đủ bò để cung cấp, đặc biệt vào các dịp lễ, tết.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng chăn nuôi bò thịt, thành phố Hưng Yên đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhất là tại các xã ven đê có điều kiện đất đai thuận lợi; thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người dân cải tạo giống bò, tuyển chọn bò cái nền đạt tiêu chuẩn, đồng thời hỗ trợ liên kết với các cơ sở chế biến, tiêu thụ, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung có tính liên kết. Ngoài ra, các địa phương, hợp tác xã cũng đang từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt bò, mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng chuỗi giá trị từ chăn nuôi – giết mổ – phân phối – tiêu dùng.