Chăn nuôi chưa đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP
ĐBP - Phát triển chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang hướng đến nhằm cung ứng sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất, môi trường và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP vào chăn nuôi, người dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình chăn nuôi áp dụng đúng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Vừ Chồng Phùa, bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) gặp khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào chăn nuôi.
Đến hết năm 2020, tổng đàn gia súc (trâu, bò, dê, lợn) toàn tỉnh đạt hơn 598 nghìn con và gần 4,5 triệu con gia cầm. Toàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại; trong đó có những trang trại nuôi lợn với quy mô lớn từ 1.000 - 3.000 con áp dụng hình thức liên kết, chăn nuôi an toàn sinh học… Nhằm khuyến khích, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, những năm qua ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có hộ dân nào áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi; một số trang trại, gia trại bước đầu áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn, nhưng chưa đáp ứng được 100% tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình chăn nuôi lợn, ngan, cá của gia đình anh Vừ Chồng Phùa, bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) bước đầu đã áp dụng một số tiêu chuẩn VietGAP về chuồng trại, thức ăn, con giống, vệ sinh môi trường... Cụ thể, khu chăn nuôi rộng khoảng 2ha (bao gồm cả khu nuôi lợn, ngan và ao thả cá). Gia đình anh có gần 50 con lợn (gồm lợn thịt, lợn giống); chuồng trại được xây dựng với thiết kế khép kín để đảm bảo an toàn dịch bệnh và giúp cho đàn lợn, ngan phát triển khỏe mạnh; thức ăn có nguồn gốc xuất xứ… Tuy nhiên, khi so sánh với các tiêu chí cụ thể của tiêu chuẩn VietGAP thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Đơn cử, việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguồn gốc và thu hồi sản phẩm gia đình anh chưa làm được. Tương tự, tại cổng ra vào khu chăn nuôi chưa bố trí được hố hoặc khu vực khử trùng; trại chăn nuôi chưa có tường hoặc hàng rào bao quanh để kiểm soát người, động vật và phương tiện ra vào.
Anh Vừ Chồng Phùa cho biết: “Với mô hình chăn nuôi hộ gia đình thì việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là rất khó khăn. Nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu rất nhiều điều kiện. Để chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP cần nhiều thời gian, công sức, sự chuyên nghiệp và vốn đầu tư lớn”.
Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi không chỉ khó khăn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mà ngay cả với các doanh nghiệp quy chăn nuôi quy mô lớn. Trại chăn nuôi lợn chất lượng cao Quang Lành của Công ty TNHH Thương mại Quang Lành trên địa bàn xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) đã áp dụng các quy trình liên kết theo hướng VietGAP. Song bước đầu đơn vị mới chỉ đáp ứng một số tiêu chí, như: Trang trại được xây dựng có diện tích khoảng 27.300m2; khu vực chuồng nuôi có vị trí thuận lợi, cách khu dân cư 1km, có nguồn nước; đảm bảo đủ điều kiện xử lý chất thải trong chăn nuôi phù hợp với quy định; sử dụng giống lợn cao sản; lợn giống khi đưa về được nuôi cách ly sau đó chuyển sang chuồng nuôi lợn thịt đến khi lợn xuất chuồng. Trong quản lý dịch bệnh, Công ty trang bị đầy đủ trang thiết bị và thực hiện quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, đảm bảo an toàn sinh học. Người ra, vào trại phải mặc quần áo, giày dép bảo hộ phù hợp; thực hiện đầy đủ các biện pháp khử trùng trong trại... Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu áp dụng các quy trình liên kết theo hướng VietGAP; còn để đáp ứng 100% tiêu chuẩn VietGAP thì Công ty gặp nhiều khó khăn.
Những khó khăn trên cũng là khó khăn chung của nhiều hộ chăn nuôi nếu muốn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi, để đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định, người chăn nuôi phải đáp ứng được các điều kiện, như: Địa điểm; quản lý nhân sự... Ngay cả việc đơn giản như viết nhật ký chăn nuôi, mỗi ngày cho vật nuôi ăn liều lượng bao nhiêu, tiêm phòng vào thời điểm nào, vật nuôi có biểu hiện gì bất thường đã đủ khiến nhiều người chăn nuôi ngại thực hiện. Mặt khác, nhiều hộ chăn nuôi chưa tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Việc đầu tư quy trình VietGAP đòi hỏi vốn lớn để xây dựng chuồng trại khép kín và xử lý chất thải, trong khi chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến giá cả, tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay vẫn được thị trường chấp nhận hay nói cách khác, dù chăn nuôi không theo tiêu chuẩn nào nhưng nông dân vẫn bán được sản phẩm. Còn chăn nuôi theo quy trình VietGAP, người chăn nuôi chịu chi phí đầu tư cao hơn gấp nhiều lần.
Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân áp dụng. Trước mắt, có thể xây dựng thí điểm mô hình để người dân đến tham quan, học tập, áp dụng vào thực tiễn của gia đình. Đồng thời, cần có liên kết với các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Thực hiện tốt quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn; xây dựng các lò giết mổ tập trung; tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu biết cụ thể hơn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, về tiêu chuẩn VietGAP.