'Chăn nuôi hướng hàng hóa' - Động lực bản nghèo biên giới vươn lên
Mấy năm trở lại đây, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, nhân dân bản Pa Mu, xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) đã tích cực, chủ động thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng hàng hóa thị trường để nâng cao thu nhập, đời sống. Nhờ đó, đã đưa bản nghèo vì ma túy trở thành điển hình trong phát triển kinh tế với diện mạo nông thôn tươi mới, đầy sức sống nơi vùng biên.
Về xã Hua Bum trong những ngày đầu tháng 7, chúng tôi được lãnh đạo xã kể về câu chuyện vươn lên thoát nghèo của bà con người dân tộc Mông ở bản Pa Mu. Điều đáng tự hào ở đây là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức làm kinh tế của các hộ dân, cùng đoàn kết đưa điểm nóng, khét tiếng về ma túy trở thành điểm sáng về ý thức vượt khó làm giàu.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2017 đến năm 2020, bản Pa Mu nổi lên là tụ điểm ma túy phức tạp. Có thời điểm, cả bản có hơn 40 người nghiện, dần dần Pa Mu xuất hiện các điểm bán lẻ ma túy; đây là cơ hội để những “ông trùm” ma túy lợi dụng càn quét tàn phá bản làng bình yên bằng những cái “chết trắng”. Để giành lại sự bình yên cho bản vùng cao, tháng 4 năm 2021, Tỉnh ủy Lai Châu chỉ đạo Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch nhằm triệt xóa tụ điểm ma túy khét tiếng này. Sau 10 tháng đầy nỗ lực triển khai của các cấp, các ngành, Pa Mu đã hồi sinh trở lại, với những tiếng cười rộn ràng của trẻ thơ, niềm hạnh phúc sum vầy của mọi nhà. Đặc biệt, người dân có ý thức vươn lên làm kinh tế.
Nhằm tạo động lực cho nhân dân trong bản phát triển kinh tế, vượt khó thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền xã tích cực vận động các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đặc biệt khai thác lợi thế, tiềm năng tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng hàng hóa thị trường. Cùng với đó, tận dụng chính sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND, ngày 22 tháng 3 năm 2021 của HĐND tỉnh Quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 07), xã hỗ trợ các hộ dân bản Pa Mu làm chuồng trại, trồng cỏ. Khuyến khích bà con sử dụng nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc.
Theo chân cán bộ xã Hua Bum, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình anh Thào A Sơn ở bản Pa Mu. Từ hộ nghèo đói năm nào, nay gia đình anh Sơn đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2023. Được biết, năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ 120 triệu đồng từ Nghị quyết 07 để làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò. Có chuồng trại ổn định, không phải chăn thả như xưa, gia đình anh có điều kiện tập trung chăm sóc, phòng dịch bệnh, phòng chống rét cho đàn vật nuôi theo khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, anh Sơn trồng thêm cỏ voi, ngô, sắn; hàng năm tích trữ rơm rạ đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò sinh trưởng và phát triển tốt. Năm vừa rồi, gia đình anh bán 20 con trâu, bò, thu về 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh còn 65 con bò, 11 con trâu, 3 ao cá có diện tích hơn 2.000m2.
Được biết, bản Pa Mu có 93 hộ dân, gần 500 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ năm 2021 đến nay, nhờ Nghị quyết 07, trong bản đã có 10 hộ dân được hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi đại gia súc, trồng cỏ voi với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Vì vậy, nhân dân có thêm động lực mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Điển hình như gia đình anh Thào A Sính, cũng nhờ nguồn hỗ trợ Nghị quyết 07 năm 2023 là 50 triệu đồng, anh có nguồn vốn đầu tư xây dựng chuồng trại rộng hơn 100m2 để nuôi trâu, bò. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 30 con bò, 10 con trâu. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, gia đình anh mới mua được xe tải để kinh doanh buôn bán.
Để nhân dân bản Pa Mu tích cực chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ấm no như hiện nay, những người cán bộ bản nơi đây luôn đầu tàu, gương mẫu. Trong đó, trưởng bản Lò A Cấu là tấm gương sáng cho bà con học tập và noi theo. Hiện nay, với mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, trồng trọt mang lại nguồn thu nhập mỗi năm cho gia đình anh Cấu hơn 300 triệu đồng.
Có thể thấy, chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa thị trường đã và đang là hướng đi đúng đắn ở bản Pa Mu. Hiện nay, toàn bản có tổng đàn gia súc gần 700 con, tổng đàn gia cầm trên 1.400 con; hơn 10 trang trại chăn nuôi trâu bò với quy mô từ 20 con trở lên. Theo chia sẻ của anh Cấu và các hộ dân, nhờ chăn nuôi mà các hộ nghèo trong bản ngày càng giảm, hộ khá và giàu ngày càng tăng. Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo; trẻ em được đến trường học hành.