Chăn nuôi lợn có dấu hiệu phục hồi

Giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu có xu hướng giảm, kết hợp với giá sản phẩm lợn hơi tăng kể từ tháng 5/2023 là những dấu hiệu báo hiệu sự phục hồi ngành chăn nuôi lợn trong thời gian tới.

Hội nghị Triển khai giải pháp chăn nuôi lợn và giải pháp phát triển bền vững trong tình hình mới. Ảnh: Bích Hông/BNEWS/TTXVN

Hội nghị Triển khai giải pháp chăn nuôi lợn và giải pháp phát triển bền vững trong tình hình mới. Ảnh: Bích Hông/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị Triển khai giải pháp chăn nuôi lợn và giải pháp phát triển bền vững trong tình hình mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi lợn sau nhiều năm có giá bán thấp, có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành rất nhiều, hiện đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Phân tích cụ thể, ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, kể từ tháng 3/2023, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu có xu hướng giảm kéo theo giá thành chăn nuôi lợn giảm so với các tháng đầu năm 2023. Kết hợp với giá sản phẩm lợn hơi tăng kể từ tháng 5/2023 là những dấu hiệu báo hiệu sự phục hồi ngành chăn nuôi lợn trong thời gian tới.

Tháng 7, giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng, có tỉnh đạt ngưỡng 68.000 đồng/kg. Giá trung bình đến ngày dao động 63.000 – 66.000 đồng/kg ở miền Bắc, 60.000 – 62.000 đồng/kg ở miền Trung và 60.000đồng/kg ở miền Nam - đây là mức giá tốt nhất từ đầu năm đến nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022 (riêng quý II/2023 đạt 1,1 triệu tấn giảm 4,9% so với quý I/2023).

Bên cạnh đó, chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.

Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đạt chiếm 60-65%.

Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.

Cần có sự chủ động đảm bảo nguồn cung thực phẩm thịt lợn cuối năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần có sự chủ động đảm bảo nguồn cung thực phẩm thịt lợn cuối năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Phạm Kim Đăng, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết htx, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc); trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó, số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trước xu hướng đó, nhưng ông Phạm Kim Đăng khẳng định rằng, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.

Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã giảm 3 lần nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng đầu vào khác, ngành chăn nuôi chịu nhiều áp lực do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm… vẫn ở mức cao.

Với tình hình trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành chăn nuôi cần có sự chủ động đảm bảo nguồn cung an toàn thực phẩm cuối năm vì chăn nuôi lợn cần thời gian nuôi dài.

Thứ trưởng yêu cầu ngành chăn nuôi đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học, tiếp tục xây dựng và phát triển các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để hướng đến xuất khẩu. Xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong bối cảnh đòi hỏi ngành từng bước phải tự chủ trong sản xuất chăn nuôi, nhất là về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bên cạnh việc tận dụng nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp... để sản xuất thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu như ngô, sắn... tập trung tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết./.

Bích Hồng

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chan-nuoi-lon-co-dau-hieu-phuc-hoi/300836.html