Chăn nuôi lợn đen bản địa, xây dựng niềm tin thoát nghèo

18 hộ nghèo, cận nghèo thuộc xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vừa được hỗ trợ 144 con lợn giống và cám hỗn hợp để thực hiện mô hình sinh kế chăn nuôi lợn đen bản địa.

Để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện các dự án cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Dịch vụ và Nông nghiệp huyện Yên Sơn phối hợp UBND xã Công Đa (huyện Yên Sơn) triển khai mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa.

Tổng cộng có 18 hộ nghèo, cận nghèo thuộc xã Công Đa tham gia thực hiện mô hình. Đây là các hộ nằm trong danh sách thoát nghèo năm 2024 và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tháng 6, 144 con lợn giống và một phần cám hỗn hợp đã được trao cho các hộ. Tổng kinh phí mô hình là gần 1,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là gần 360 triệu, số còn lại là vốn đối ứng của người dân.

Mỗi hộ gia đình đã nhận được 8 con lợn giống, tổng cân nặng trên 100kg. Lợn đen bản địa là giống có chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon, giá bán bình quân trên thị trường từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg.

Chị Hoàng Thị Rỉnh, thôn Khuôn Trò, xã Công Đa, một trong 18 hộ tham gia mô hình, chia sẻ niềm vui khi được Nhà nước hỗ trợ đàn lợn. Người phụ nữ này cho biết gia đình sẽ cố gắng chăm sóc để cho đàn lợn được phát triển tốt, thêm niềm tin tăng thu nhập, tạo động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện dự án này, xã Công Đa kỳ vọng mô hình góp phần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân trong phát triển chăn nuôi lợn, tăng hiệu quả các nguồn lực, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Đó là bởi khi tham gia dự án, gia đình chị Rình và 17 hộ nghèo trong xã ngoài việc được thụ hưởng con giống lợn đảm bảo, còn được tập huấn kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn về chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh.

Trong quá trình đàn lợn được nuôi, 18 hộ chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Dự án được thực hiện trong 12 tháng, sau khi kết thúc, các hộ có trách nhiệm quay vòng bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện dự án với tỷ lệ quay vòng là 10% vốn hỗ trợ.

Mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa gắn với quy hoạch phát triển chăn nuôi của xã Công Đa và huyện Yên Sơn được cho là sẽ tạo sự chuyển dịch trong chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Với chất lượng thịt tốt, giá bán ổn định, dự án khi thực hiện sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy tiến trình giảm nghèo đa chiều, bền vững cho xã Công Đa. Bà Trần Thị Hoài Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Công Đa, cho biết xã sẽ phân công các thành viên trong Ban giảm nghèo thường xuyên theo dõi các hộ gia đình chăn nuôi, mục tiêu đưa con giống đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đa chiều thông qua chương trình giảm nghèo.

Người dân đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đa chiều thông qua chương trình giảm nghèo.

Để tạo sinh kế cho người dân nghèo ở Yên Sơn và thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, giữa tháng 5, Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện Yên Sơn và một công ty tiếp tục triển khai Chương trình nhân rộng mô hình "Hỗ trợ sinh kế - Trao tặng đàn dê sinh sản".

Đàn dê sinh sản gồm 100 con trị giá trên 300 triệu đồng đã được trao tặng cho 10 hộ gia đình dân tộc Mông và dân tộc Dao có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Vàng On và thôn Khuôn Nà, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn.

Đây là mô hình hỗ trợ giảm nghèo cho người dân tại thôn Vàng On và thôn Khuôn Nà đã được triển khai từ năm 2023 đến nay, khởi đầu với 3 hộ gia đình được tặng 30 con dê giống. Sau một năm triển khai, đến nay đàn dê của 3 hộ gia đình đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng cộng đàn dê đã sinh sản được thêm 25 con, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các hộ gia đình trực tiếp tham gia.

Như vậy, cùng với số dê giống được trao tặng lần này, mô hình hỗ trợ sinh kế trên địa bàn hai thôn được mở rộng lên 13 hộ gia đình với tổng đàn dê gồm 155 con.

Đơn vị cung ứng con giống đã phối hợp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh đối với đàn vật nuôi cho các hộ gia đình được trao tặng đàn dê. Các hộ được nhận dê sẽ được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh, giúp yên tâm phát triển sản xuất.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chan-nuoi-lon-den-ban-dia-xay-dung-niem-tin-thoat-ngheo-2322181.html