Chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Than Uyên hiện nay có xu hướng phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học. Bởi, đây là giải pháp hữu hiệu vừa phòng ngừa dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định.

Huyện Than Uyên hiện có 47 cơ sở chăn nuôi trâu, bò (quy mô từ 20 con/cơ sở trở lên), 25 cơ sở chăn nuôi lợn (quy mô từ 60 con/cơ sở trở lên) theo hướng đảm bảo an toàn sinh học và mang lại hiệu quả cao. Điển hình như cơ sở chăn nuôi trâu, bò của Hợp tác xã (HTX) Dung Bảo (bản Sen Đông, xã Mường Than), quy mô hơn 100 con. HTX thiết kế khu chăn nuôi rộng hơn 1.000m2 với quy trình khép kín. Để việc chăn nuôi hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường, ngoài chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, việc xử lý rác thải cũng được đặc biệt quan tâm. HTX tận dụng chất thải vừa làm hầm biogas lấy nhiên liệu đun nấu, vừa làm phân bón cho 5ha cỏ voi. Vì thế, toàn bộ diện tích cỏ voi quanh năm xanh tốt, phục vụ nhu cầu chăn nuôi, bán cho các hộ trong vùng. Bên cạnh chăn nuôi trâu, bò, HTX Dung Bảo còn xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn khép kín với quy mô từ 100 - 200 con, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.
Anh Kiều Văn Dung - Giám đốc HTX Dung Bảo chia sẻ: “Từ khi chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi của HTX hầu như không có. Bởi, HTX thực hiện nghiêm công tác phòng bệnh như: xử lý chuồng trại, thức ăn, nước uống và vệ sinh môi trường chăn nuôi. Doanh thu cũng tăng lên đáng kể; tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ, với số tiền công 150 nghìn đồng/người/ngày”.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung theo hướng an toàn sinh học của Hợp tác xã Dung Bảo.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung theo hướng an toàn sinh học của Hợp tác xã Dung Bảo.

Cũng là một trong những hộ chăn nuôi lợn tập trung theo hướng an toàn sinh học, gia đình anh Kiều Thanh Yên (bản Sam Sẩu, xã Phúc Than) đầu tư, phát triển trang trại chăn nuôi lợn, quy mô gần 2.000 con lợn thương phẩm và 260 lợn nái. Từ đầu năm đến nay, dù bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái xuất hiện rải rác ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng đàn lợn của gia đình anh Yên không bị ảnh hưởng, nhờ thực hiện tốt các quy định như: tắm, thay quần - áo, đeo khẩu trang, đi qua phòng khử khuẩn trước khi vào trang trại chăn nuôi. Gia đình anh Yên còn đầu tư xây dựng các dãy chuồng đều có quạt thông gió, dàn mát, camera giám sát… Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Yên xuất ra thị trường hơn 100 tấn lợn hơi; tạo việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Anh Vũ Văn Nội - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết: Thực tế cho thấy thời gian qua, một số dịch, bệnh đang hoành hành trên đàn vật nuôi như: dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò… làm nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng, thì việc chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng an toàn sinh học đang là cách làm kinh tế hiệu quả trên địa bàn. Bởi, chế độ chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi phải đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, có tính chủ động cao. Vì không chỉ ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài lây vào còn đảm bảo vệ sinh môi trường khi các chất thải đều tận dụng làm biogas, phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Việc phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học đã giúp người dân giảm chi phí (nhất là công chăm sóc), giảm giá thành trong chăn nuôi. Cùng với đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi tăng cao làm tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Qua đánh giá, đối với các cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung theo hướng an toàn sinh học, mặc dù thời điểm này giá trâu, bò xuống thấp, nhưng trung bình mang lại lợi nhuận 1,5 triệu đồng/con gia súc/năm. Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn, mỗi lứa lợn khoảng 3,5 - 4 tháng, với giá lợn hơi trung bình từ 60 - 65 nghìn đồng/kg như hiện nay, lợi nhuận sau trừ chi phí trung bình đạt 1 - 1,2 triệu đồng/con.
Từ những lợi ích “kép” khi chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng an toàn sinh học mang lại đã giúp nhiều hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn huyện Than Uyên có thu nhập cao và phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi hiệu quả. Đây là tín hiệu tốt để cơ quan chuyên môn của huyện tập trung tuyên truyền, vận động các chủ trang trại, hộ chăn nuôi mở rộng quy mô để nâng cao thu nhập.

Ánh Hồng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/khoa-h%E1%BB%8Dc-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87/ch%C4%83n-nu%C3%B4i-t%E1%BA%ADp-trung-theo-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-an-to%C3%A0n-sinh-h%E1%BB%8Dc