Chăn nuôi thủy sản, heo, gà cùng rơi vào thế bí
Trong khi giá xuất khẩu tôm, cá giảm thì chi phí nuôi tôm, cá của Việt Nam lại tăng cao khiến năng lực cạnh tranh thủy sản nuôi bị giảm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dẫn thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy trong tháng đầu năm, giá tôm nhập khẩu của Mỹ còn 8,5 USD/kg, giảm 10%; giá cá tra phi-lê đông lạnh còn 3,14 USD/kg giảm 9,2% so với cùng kỳ 2022.
Trong tháng 1, Việt Nam xuất khẩu 3.899 tấn tôm sang Mỹ, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đối thủ Ecuador xuất khẩu sang Mỹ tăng đến 26% nhờ giá nguyên liệu thấp hơn 30%. Thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ trong tháng 1 bị thu hẹp từ 8% xuống 6%.
Giá bán giảm, sản lượng xuất khẩu giảm ở thị trường số 1 là Mỹ khiến cho kết quả xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm không mấy khả quan, chỉ đạt gần 1,1 tỉ USD, giảm 29% so với cùng kỳ 2022.
Theo VESEP, hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao.
Thủy sản nuôi ngày càng tăng trong khi nguồn thủy sản khai thác giảm dần. Năm 2022, trong 11 tỉ USD thủy sản xuất khẩu, có đến 62% đến từ thủy sản nuôi.
Do đó, mới đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương (đậu nành) từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Ông Hòe cho biết thêm với việc chi phí nuôi tôm, cá đang tăng do các chi phí đầu vào tăng, trong đó có nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khiến khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam giảm. Việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương, một trong những nguồn thức ăn chính cho tôm, cá, giúp cho thủy sản Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất thủy sản lớn trên thế giới.
Ngoài thủy sản, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng vô cùng khó khăn khi giá bán ra thấp hơn giá thành.
Ghi nhận của phóng viên tại mới đây tại vùng nuôi Đông Nam Bộ, nhiều trại nuôi gà thịt đang phải tạm ngưng, giãn nuôi để chờ giá lên nhằm tránh thua lỗ.
Để hỗ trợ khó khăn cho ngành chăn nuôi, từ tháng 1 đến nay, các hiệp hội và các nhóm doanh nghiệp liên tục có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam.
Hiện nay, hầu hết các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho heo, gà, tôm, cá như: lúa mì, bắp, đậu nành,… Việt Nam đều phải nhập khẩu do trong nước không có vùng nguyên liệu lớn, chi phí sản xuất cao.
Đặc biệt, khô đậu nành là nguyên liệu chính cung cấp nguồn đạm cho vật nuôi, trong đó, khẩu phần ăn của thủy sản cần protein (đạm) còn nhiều hơn các loài súc sản.