Chăn nuôi vịt an toàn sinh học

Với tổng đàn vịt nuôi lớn, người chăn nuôi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ giúp giảm dịch bệnh, bảo đảm thu nhập.

Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: TRỌNG TRUNG

Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: TRỌNG TRUNG

Với tổng đàn vịt nuôi lớn, người chăn nuôi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ giúp giảm dịch bệnh, bảo đảm thu nhập.

ĐBSCL là khu vực nuôi vịt lớn nhất cả nước, ước đạt hơn 25 triệu con. Phó Trưởng Văn phòng thường trực tại Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) Nguyễn Văn Bắc cho biết, chăn nuôi thủy cầm là nghề truyền thống và là nguồn thu nhập quan trọng của hàng nghìn hộ nuôi vịt ở vùng ĐBSCL. Mặc dù hiện nay nhiều nơi đã hình thành các mô hình chăn nuôi công nghiệp, nhưng chăn nuôi theo phương thức vịt chạy đồng vẫn phổ biến. Bởi theo phương thức này, người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trên đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất (thức ăn chiếm 70 đến 80% quá trình nuôi).

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp) Võ Bé Hiền cho biết, với lợi thế về tự nhiên, nguồn thức ăn và tập quán, chăn nuôi vịt lấy trứng là một trong năm ngành hàng chủ lực của tỉnh nhằm cơ cấu lại nông nghiệp. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6,8 triệu con vịt, sản lượng trứng đạt 273 triệu quả. Kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh chăn nuôi khoảng 7,5 triệu con với sản lượng 291 triệu quả trứng. Vịt được nuôi nhiều tại các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Hồng Ngự.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong chăn nuôi vịt ở các tỉnh ĐBSCL hiện nay là phải kiểm soát đàn nuôi, tránh lây nhiễm từ nguồn bệnh khác, tránh nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng chất lượng thịt và trứng. Đồng thời, cần tiêm vắc-xin đầy đủ bảo đảm đàn vịt phát triển tốt, không dịch bệnh, mang lại hiệu quả cho người dân. Tại Đồng Tháp, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi vịt không có đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi an toàn sinh học và theo chuẩn VietGAP; các hộ chăn nuôi phần lớn mua con giống tại những lò ấp chất lượng hạn chế; chưa tiếp cận nhiều được nguồn con giống chất lượng cao tại các công ty có uy tín, thương hiệu trên thị trường; lợi thế của vịt chạy đồng ngày càng mất dần do nguồn thức ăn trên đồng ruộng, kênh rạch giảm. Từ đầu năm 2019, giá trứng vịt sụt giảm sâu, có lúc còn từ 1.000 đến 1.200 đồng/quả khiến người chăn nuôi vịt nhốt tại chuồng thua lỗ. Do đó, nhiều hộ dân tiếp tục đưa vịt chạy đồng, dẫn đến chất lượng trứng giảm.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, Việt Nam có nguy cơ lây lan, bùng phát dịch cúm gia cầm rất lớn. Bởi mầm bệnh ở nhiều nơi, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết cực đoan, tập quán buôn bán, giết mổ lạc hậu. Trước thực trạng này, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là bài toán hiệu quả nhất để phát triển bền vững. Tuy nhiên, chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học cần lưu tâm đến chất lượng con giống (nhất là con giống bố, mẹ). Bên cạnh đó, quy trình chăn nuôi cần bảo đảm từ lò ấp nở đến nguồn thức ăn, nước uống như vậy sẽ nâng cao sản lượng trứng đẻ, kích cỡ trứng. Đồng thời, liên kết đưa trứng vịt tham gia vào chuỗi khép kín từ nơi sản xuất đến bàn ăn, góp phần bảo đảm tiêu thụ ổn định; tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới về chăn nuôi vịt cho người dân…

HẢI HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/43672502-chan-nuoi-vit-an-toan-sinh-hoc.html