Chặn rút BHXH một lần, phát triển bền vững đối tượng tham gia

Ngành bảo hiểm xã hội đang nỗ lực để đạt được mục tiêu về phát triển người tham gia trong năm nay, nhất là khi số người tham gia BHXH bắt buộc đang tăng chậm lại. Tuy vậy, để phát triển bền vững, việc tìm ra giải pháp hạn chế số người rút bảo hiểm xã hội một lần là rất quan trọng.

Ước đến hết tháng 9/2022, toàn quốc có trên 17,24 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đạt 89,91% so với kế hoạch của Ngành, tăng gần 2,7 triệu người (18,55%) so với cùng kỳ năm 2021, tăng hơn 697.200 người (4,21%) so với hết năm 2021.

Tăng tốc để về đích

Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), trong tháng 9, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp, toàn ngành tiếp tục khởi sắc, các chỉ số đều tăng. BHXH các địa phương cơ bản đã tham mưu để UBND tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến các quận, huyện. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2022 vẫn còn một khoảng cách lớn.

Nghiên cứu giải pháp về số tiền hưởng để hạn chế nhận BHXH một lần.

Nghiên cứu giải pháp về số tiền hưởng để hạn chế nhận BHXH một lần.

Vì vậy, ông Hào yêu cầu, 3 tháng cuối năm, trong phát triển BHXH, BHXH các địa phương cần bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể của BHXH Việt Nam; đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đã và đang mang lại hiệu quả tốt thời gian qua.

Trong khi đó, lãnh đạo BHXH TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết về một số khó khăn trên địa bàn về tăng độ bao phủ người tham gia. Số người tham gia BHXH bắt buộc đang tăng chậm lại, còn cần phát triển hơn 200.000 người để hoàn thành chỉ tiêu; BHYT mới tăng thêm được 80.000 người so với hết năm 2021.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế cũng đánh giá, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm của toàn Ngành vẫn còn rất nặng nề, không ít khó khăn. Vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là có thêm các chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia trên địa bàn.

Về các chỉ tiêu quan trọng, toàn Ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Giải pháp nào hạn chế rút BHXH một lần?

Bên cạnh giải pháp phát triển đối tượng tham gia, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới là tìm ra cách hạn chế việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Theo báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH, năm 2021 số người được giải quyết trợ cấp một lần là hơn 1,06 triệu người, tăng hơn 77.000 người so với năm 2020. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỷ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới. Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, dưới 40, trong đó phần lớn 20-30, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước.

Liên quan tới vấn đề rút BHXH một lần, mới đây tại cuộc họp của Ủy ban Xã hội Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐ-TB&XH, cho hay sắp tới khi sửa Luật BHXH sẽ tính kỹ phương án nhận trợ cấp một lần. Ở nhiều nước vẫn cho rút BHXH một lần nhưng áp dụng từng trường hợp cụ thể, ví dụ người tham gia định cư nước ngoài, bệnh nặng...

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng có thể tính phương án lao động chỉ rút phần mình đóng vào quỹ BHXH, tức 8% (so với lương); còn phần của người sử dụng lao động đóng, chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia.

Trước đó, tại một số cuộc giám sát của Ủy ban Xã hội Quốc hội, cơ quan BHXH một số địa phương cũng đề xuất điều chỉnh quy định mức hưởng trợ cấp một lần bằng đúng số tiền người lao động đóng vào quỹ. Phần của người sử dụng lao động sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu. Việc này nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.

Nêu quan điểm về đề xuất trên, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội, cho rằng giữ lại phần đóng góp của chủ sử dụng lao động vào quỹ BHXH là có lợi cho người lao động và là định hướng khi sửa luật bảo hiểm. Phương án này tốt cho người lao động chứ không phải tốt cho quỹ. Hiện với mỗi năm tham gia BHXH, người lao động và doanh nghiệp đóng 2,64 tháng lương nhưng khi rút một lần người nhận chỉ hưởng được hai tháng.

Ông Lợi cho rằng nếu để lại khoản tiền đó vẫn còn và sẽ được cộng vào quá trình nếu họ quay lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp người lao động không quay lại thị trường và khi họ đến tuổi hưu sẽ được trả ngay trợ cấp hưu trí tầng một, tức trợ cấp xã hội (hiện nay 360.000 đồng mỗi tháng) mà không phải chờ đến 80 tuổi. Hoặc nếu người lao động chờ đến 80 tuổi, toàn bộ số tiền sẽ được trả một lần cùng với lãi đầu tư...

"Tuy nhiên đó là định hướng khi sửa luật còn hiện tại rút BHXH một lần vẫn là quyền của người tham gia", ông Lợi bày tỏ băn khoăn và cho rằng quan trọng vẫn phải là tuyên truyền để người lao động không rút một đồng nào và chờ hưởng lương hưu để đảm bảo tuổi già không phụ thuộc con cháu, gánh nặng cho xã hội.

Hoàng Minh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/chan-rut-bhxh-mot-lan-phat-trien-ben-vung-doi-tuong-tham-gia-1088379.html