Chặn thực phẩm bẩn

Thực phẩm bẩn gây nhiều mối nguy cho sức khỏe người tiêu dùng, nhũng loạn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến người sản xuất, kinh doanh chân chính. Tuy nhiên vì hám lợi, không ít gian thương vẫn bất chấp quy định của pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để tuồn thực phẩm bẩn ra ngoài thị trường hòng trục lợi.

Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, bắt giữ

Ngày 6/10/2021, qua công tác nghiệp vụ, Công an huyện Lập Thạch đã tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 88C-153.69 do Trương Văn Sơn sinh năm 1977, ở xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương điều khiển lưu thông tại khu vực xã Văn Quán, huyện Lập Thạch.

Lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ xe tải chở hơn 1,2 tấn mỡ, nội tạng trâu bò bốc mùi hôi thối tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường

Lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ xe tải chở hơn 1,2 tấn mỡ, nội tạng trâu bò bốc mùi hôi thối tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường

Quá trình kiểm tra, phát hiện trên xe đang chở gần 900 kg mỡ bò, da bò, da trâu bốc mùi hôi thối, đang có dấu hiệu phân hủy, không đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, Sơn không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến số hàng trên.

Qua đấu tranh khai thác đối tượng khai vận chuyển số sản phẩm động vật nói trên đi bán kiếm lời. Công an huyện Lập Thạch đã tạm giữ phương tiện cùng toàn bộ số hàng nói trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 18/4/2022, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô BKS 88C-214.70 do Nguyễn Văn Xâm, sinh năm 1999, ở xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương điều khiển. Kiểm tra trên xe phát hiện 9 cá thể lợn đã chết, hầu hết đều có màu thâm đen, bề ngoài da có xuất huyết ở vùng bụng, tổng trọng lượng gần 800 kg.

Khai nhận với lực lượng chức năng, Nguyễn Văn Xâm cho biết để kiếm lời, Xâm đã lấy số lợn chết trên ở một trang trại chăn nuôi tại xã Hoàng Lâu mang đi tiêu thụ. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phun khử khuẩn và tiêu hủy toàn bộ số lợn trên. Đồng thời mở rộng điều tra để tiến hành xử lý theo quy định.

Ngoài hai vụ việc trên còn khá nhiều các vụ việc khác cũng bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý như vụ cơ sở sản xuất mỡ bẩn của vợ chồng Lã Thị Trâm Oanh, Nguyễn Văn Hậu; vụ đối tượng Phạm Văn Luận ở xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường thu mua, bán thịt lợn chết cho cơ sở sản xuất thịt sấy, lạp sườn, xúc xích ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường; vụ Vũ Quang Tiến, trú tại huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội chở hơn 3 tấn mỡ và tóp mỡ trâu, bò bốc mùi hôi thối bị phát hiện, bắt giữ tại địa phận xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường …

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo cho thấy, vấn đề thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết nóng và đấu tranh với thực phẩm bẩn bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng là yêu cầu, nhiệm vụ đề ra cả trước mắt và lâu dài vì sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Với chủ đề “tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm trong tình hình mới” tháng cao điểm hành động vì ATTP năm 2022 (15/4-15/5) đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt triển khai với nhiều giải pháp trọng tâm nhằm huy động sự vào cuộc của toàn xã hội với công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về ATTP; quảng bá các mô hình sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dung cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; có thói quen từ chối, tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình, nhất là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm các quy định về ATTP của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển nông sản, thực phẩm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP.

Việc thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nóng được xã hội quan tâm; quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP cho người dân.

Hiện, tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN&PTNT chủ trì tiến hành kiểm tra đồng loạt tại nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực. Cùng với đó, chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương mình để tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Có thể nói, tháng hành động ATTP hằng năm là thời điểm mang nhiều ý nghĩa quan trọng để xốc lại tinh thần, gia tăng hơn nữa hiệu quả hoạt động đảm bảo vệ sinh ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, để việc đảm bảo ATTP, ngăn chặn thực phẩm bẩn được xử tận gốc rất cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, nhất là chính quyền cơ sở và người dân trong việc phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về ATTP.

Các nhiệm vụ, giải pháp phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với tinh thần trách nhiệm cao nhất, trong đó, trách nhiệm đầu tiên, trước nhất là chính quyền cơ sở; phải gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra các hành vi vi phạm ATTP trên địa bàn do mình quản lý.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/76704/chan-thuc-pham-ban.html