Chấn thương kinh tế

Ngày 28/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel đang ở giai đoạn hai của cuộc chiến tại Dải Gaza.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Ông Netanyahu nhận định cuộc chiến sẽ “khó khăn, kéo dài và chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó”.

Dù vậy, cuộc xung đột đã tác động bất ngờ lên nền kinh tế Israel khiến nó phải trải qua những thử thách khác biệt hoàn toàn so với trước đây. Nền kinh tế gần như không có sự chuẩn bị và tương lai phía trước của Israel cũng rất khó đoán định.

Từ khi xung đột với lực lượng Hamas nổ ra, Israel đã triệu tập hơn 300 nghìn quân dự bị nhằm mở chiến dịch quy mô lớn tại Dải Gaza. Lực lượng dự bị là giáo viên, doanh nhân khởi nghiệp, nông dân, luật sư, bác sĩ, y tá, nhân viên du lịch, nhân viên CNTT, nhân viên nhà máy...

Vì nhân lực ở hầu hết mọi ngành nghề đều phải gia nhập lực lượng dự bị nên gần như các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Chưa dừng lại ở đó, chiếm đông đảo trong lực lượng lao động Israel là người nước ngoài. Khi xung đột nổ ra, nhiều người hồi hương, dẫn đến hoạt động sản xuất phải tạm ngưng, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Đơn cử, trong gần 3 tuần qua, gần 80% các dự án đang được xây dựng ở Israel gần như đóng băng. Đầu tuần này, hoạt động xây dựng được mở lại theo từng bước nhưng quãng thời gian ngưng trệ vừa qua đã gây thiệt hại 37 triệu USD cho nền kinh tế đất nước.

Nhìn chung về kinh tế, chỉ số chứng khoán chính của Israel đã giảm 6%. Ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase dự đoán nền kinh tế Israel có thể giảm 11% tính theo năm trong ba tháng cuối năm khi xung đột giữa nước này và lực lượng Hamas leo thang.

Ngân hàng Trung ương Israel (BCI) mới đây điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Israel xuống 2,3% cho năm 2023 và dự đoán thâm hụt ngân sách sẽ nâng lên 2,3%.

Hiện nay, kinh tế Israel tăng trưởng chậm lại, chưa có dấu hiệu trượt dốc nhưng các chuyên gia đang cẩn thận quan sát bởi xung đột đã bước sang giai đoạn 2. Nền kinh tế đất nước có thể trụ vững trong một thời gian ngắn nhưng khi xung đột kéo dài, lớp bảo vệ sẽ bị phá hủy và sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, mọi biến đổi của nền kinh tế có thể tác động đến khu vực và thế giới. Từ góc độ toàn cầu, năng lượng là vấn đề quan trọng nhất trong ngắn hạn. Xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas gây gián đoạn nguồn cung năng lượng, đẩy giá xăng dầu thị trường lên cao, gây thiệt hại kinh tế ở các nước nhập khẩu năng lượng và toàn cầu. Nó còn làm tăng chi phí cho các sản phẩm tiêu dùng phụ thuộc vào năng lượng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự đoán giá dầu tăng 10% có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,15% và tăng lạm phát trên toàn cầu thêm 0,4%.

Còn trong khu vực, nền kinh tế Israel vốn có khởi đầu vững mạnh. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của nước này mới chỉ chậm lại nhưng ở nhiều quốc gia khác sở hữu nền kinh tế yếu, mầm mống của khủng hoảng đã xuất hiện.

Ví dụ, từ năm 2018, Lebanon đã sa lầy trong cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng với tăng trưởng GDP giảm 50%. Xung đột trong khu vực có thể gây tổn hại đến ổn định kinh tế trong nước và du lịch, nguồn thu ngoại tệ. Tương tự, kinh tế Ai Cập phụ thuộc vào du lịch nên nước này đang đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm.

Giữa khói lửa đạn bom, nhiều chuyên gia vẫn giữ quan điểm tích cực về nền kinh tế trong dài hạn. Như Thống đốc Ngân hàng Israel, ông Amir Yaron, phát biểu: “Chúng tôi luôn biết cách phục hồi và phát triển. Nền kinh tế Israel rất kiên cường, ổn định và có nền tảng vững chắc. Nó đã phục hồi thành công sau những thời kỳ khó khăn trong quá khứ”.

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chan-thuong-kinh-te-post659415.html