Chấn thương mắt ở trẻ em
Khác với người lớn, trẻ em có nguy cơ cao hơn chấn thương tại mắt do chưa ý thức được nguy cơ từ các vật dụng ngay trong gia đình hay tại trường học như đùa nhau bằng bút, compa, ném sách vở, cặp sách vào mặt nhau.
Chấn thương ở mắt có thể dẫn đến các tổn thương như: rách giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù vĩnh viễn... trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân do đâu?
Tương tự như các chấn thương mắt nói chung, chấn thương mắt ở trẻ em bao gồm: chấn thương đụng giập do các vật tù như quả bóng, tay cầm xe máy, xe đạp, vết thương xuyên nhãn cầu do các vật sắc nhọn như bút, kéo, compa, bỏng mắt do các loại keo dán, hóa chất...
Tuy nhiên, khác với người lớn, trẻ em có nguy cơ cao hơn chấn thương tại mắt do chưa ý thức được nguy cơ từ các vật dụng ngay trong gia đình hay tại trường học như đùa nhau bằng bút, compa, ném sách vở, cặp sách vào mặt nhau, chọc que, đốt các vật liệu không rõ nguồn gốc khi chơi đùa, hoặc trẻ nhỏ có thói quen vừa chạy vừa cầm theo các vật dụng như bút, thước, đũa...
Triệu chứng
Tùy theo mức độ chấn thương, trẻ có thể có biểu hiện như dụi mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt, mi mắt sưng nề, không mở mắt, quấy khóc hoặc các trường hợp nặng có thể thấy rách mi, giác mạc (lòng đen) mất liên tục, có tổ chức trong nội nhãn đẩy ra ngoài hoặc lòng đen đục trắng trong các trường hợp bỏng nặng...
Các triệu chứng có thể gặp tùy theo vị trí tổn thương, khi khám có thể thấy: rách mi, tụ máu mi, kết mạc, dị vật kết - giác mạc, trợt giác mạc, rách giác mạc - củng mạc, đục vỡ thể thủy tinh, xuất huyết nội nhãn, bong võng mạc...
Một số trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, do đó bất kỳ trường hợp nào nghi ngờ có chấn thương, gia đình cần đưa trẻ đi khám ngay.
Xử trí tại gia đình
Đối với các trường hợp bỏng (trừ do vôi), cần rửa mắt ngay với thật nhiều nước sạch, riêng với trường hợp do vôi cần gắp loại bỏ hết vôi trước khi rửa mắt để tránh tình trạng tôi vôi ngay trong mắt gây ra bỏng nặng hơn.
Đối với các trường hợp chấn thương có thể băng che mắt và đưa bệnh nhân đến cơ sở chuyên khoa gần nhất. Tuyệt đối không tự băng ép chặt hay rút dị vật ra khỏi mắt, cần giữ cho trẻ không day dụi mắt vì có thể làm cho tổn thương mắt nặng hơn.
Điều trị chấn thương mắt rất phức tạp, tốn kém, lâu dài, trên đối tượng trẻ em còn gây ra hậu quả nặng nề về chức năng thị giác vì vậy việc nâng cao hiểu biết, giúp gia đình và trẻ có thể nhận thức rõ các mối nguy hiểm tiềm tàng đến từ các vật dụng thông thường trong sinh hoạt sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ gây ra các chấn thương tại mắt. Gia đình cần lưu ý tránh để các vật dụng sắc nhọn trong tầm với của trẻ, tuyệt đối không cho trẻ vì đi vừa cầm theo các vật dụng có khả năng đâm xuyên như bút, đũa... tăng cường giáo dục trẻ ở lứa tuổi đến trường.
Hiện nay, kinh tế - xã hội đang trên đà phát triển, nhưng chấn thương mắt vẫn không giảm, còn chiếm tỷ lệ khá cao trong các bệnh về mắt. Đặc biệt tai nạn trong lao động sản xuất là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương mắt chiếm tỷ lệ: 51,7%, còn lại là các tai nạn trong giao thông: 10,7%, tai nạn trong sinh hoạt chiếm tỷ lệ: 34,6 %, thể thao chiếm tỷ lệ: 3%. Đa số các chấn thương mắt có thể được phòng ngừa nếu tuân thủ các nguyên tắc an toàn: Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tránh các đồ chơi có vật nhọn như trò bắn cung tên, ném phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm như súng bắn đạn giả. Theo dõi sát khi trẻ chơi các trò chơi hay đồ chơi có thể gây nguy hiểm. Hướng dẫn trẻ học cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo… Dùng cửa chắn an toàn ở chân cầu thang hay nơi tiếp giáp cầu thang của mỗi tầng, tránh để trẻ ngã cầu thang gây chấn thương mắt. Che chắn các góc nhọn của bàn, tủ. Khóa chặt mọi ngăn kéo và cửa tủ mà trẻ có thể với tới. Giữ các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm với của trẻ nhỏ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chan-thuong-mat-o-tre-em-n184350.html