Chặn tiêu cực trong các dự án giao thông

Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu Bộ GTVT tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các dự án chậm tiến độ; chấn chỉnh công tác lựa chọn tư vấn; quản lý chặt chẽ hợp đồng tư vấn, xử lý nghiêm các hành vi chuyển nhượng thầu,...

Công trường dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Lam Thanh

Công trường dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Lam Thanh

Điều này được kỳ vọng sẽ khơi thông tiến độ cho nhiều dự án giao thông trọng điểm đang hẹn ngày về đích.

Trên đã thông, dưới phải tường

Trong thời gian qua, công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn bộc lộ một số bất cập, đặc biệt trong khảo sát, thiết kế, số liệu, thông tin khảo sát chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu chính xác…

Một dự án trọng điểm quốc gia, mang tính chất biểu tượng cho hạ tầng giao thông của cả nước thì không những phải đảm bảo tiến độ, chất lượng mà tiêu chí về chất lượng công trình còn phải cao hơn các dự án giao thông khác một bậc.
Chuyên gia kinh tế,
PGS.TS Ngô Trí Long

Những bất cập này ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án. Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều biện pháp khắc phục, kịp thời chấn chỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Trên thực tế, nhiều dự án giao thông, trong đó có cả những dự án giao thông trọng điểm phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự toán cũng như thời gian thực hiện như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ...

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về trình tự, thủ tục, quản lý chất lượng, tiến độ, quản lý chi phí; thanh tra, kiểm tra đối với các dự án chậm tiến độ, chấn chỉnh công tác lựa chọn tư vấn, quản lý chặt chẽ hợp đồng tư vấn.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn, quản lý thầu phụ; xử lý nghiêm các hành vi chuyển nhượng thầu, bán thầu trái quy định của pháp luật; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Đặc biệt, Bộ GTVT phải thực hiện nghiêm yêu cầu về tính độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và các nhà thầu tư vấn lập thiết kế xây dựng. Đồng thời có cơ chế xử phạt, xử lý nghiêm nhà thầu khi vi phạm hợp đồng, không giám sát chặt chẽ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm.

Giới chuyên môn nhìn nhận, việc Chính phủ siết tiến độ và chất lượng các dự án giao thông, nhất là các dự án trọng điểm là việc làm rất cần thiết để khắc phục những bất cập đang xảy ra khi thời gian qua nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự toán… gây ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nhận định, Đảng, Nhà nước quan tâm đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là định hướng đúng đắn. Bởi, từ xưa đến nay, giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế, đường đi đến đâu là kinh tế phát triển đến đó. “Muốn phát triển kinh tế vĩ mô, phát triển toàn diện kinh tế của một quốc gia, không thể không nói đến vai trò của hạ tầng; trong đó có hạ tầng giao thông” – PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Chủng phân tích thêm, những dự án giao thông trọng điểm đã, đang và sắp triển khai như đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường Vành đài 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành và hàng loạt dự án trọng điểm khác sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối phát triển kinh tế các vùng, liên vùng và vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là những vùng kinh tế cần thúc đẩy, nâng đỡ phát triển, kể cả vùng sâu, vùng xa.

Làm tốt ngay từ đầu

Từ tháng 4/2021, Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động với một trong những trọng tâm là “tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại”, theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Từ đó đến nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác tới khắp công trường từ Bắc vào Nam…, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là một nội dung nổi bật, nằm ở hàng đầu trong cuốn "sổ tay điều hành" của Chính phủ.

Một trong những cơ quan mà Thủ tướng làm việc đầu tiên chính là Bộ GTVT. Trong buổi làm việc này, Thủ tướng đã quán triệt với Bộ GTVT về nguyên tắc "ba không". Đó là, không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm.

Thủ tướng cũng không quên nhấn mạnh, chức năng, nhiệm vụ và công việc của ngành là rất nặng nề, khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, lãnh đạo cần quán triệt tinh thần "nghĩ phải chín, phải kỹ; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, hiệu quả; làm có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào thì dứt điểm việc đó".

Trong 3 năm qua, Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng đã luôn sốt sắng, sát sao với những diễn biến dù là nhỏ nhất của ngành GTVT, đặc biệt là công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Hàng loạt những chuyến đi thị sát trên công trường các dự án giao thông trọng điểm, nhiều buổi làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư, nhà thầu, các địa phương vùng dự án; những buổi trò chuyện, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân nơi dự án đi qua… Nhờ đó, những vướng mắc, bất cập tại các dự án đã từng bước được tháo gỡ. Đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến vấn đề vốn, cơ chế, chính sách.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, sự xuất hiện của các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam sẽ mang tới một phiên bản nâng cấp cho các tuyến đường hiện hữu như quốc lộ, vừa khắc phục được những yếu điểm mà hạ tầng giao thông hiện hữu đang mắc phải, vừa góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông lên một bước mới. Chính vì đây là công trình giao thông chất lượng cao nên với những dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, yêu cầu về chất lượng và tiến độ phải được đặt lên hàng đầu. Đây là điều đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong các cuộc họp, các sự kiện liên quan đến dự án.

PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh, các công trình giao thông trọng điểm sắp tới; trong đó có đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được triển khai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải quan tâm đặc biệt tới chất lượng công trình. Bởi nếu công trình về đích đảm bảo chất lượng sẽ giúp phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án ngay.

Theo chuyên gia này, với các dự án đang triển khai, mục tiêu tiến độ các dự án cần được coi là pháp lệnh, song chất lượng công trình có vai trò quan trọng không kém, không thể vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng. Do đó, tiến độ và chất lượng luôn phải song hành. Để đảm bảo tiến độ công trình thì cần coi trọng nguyên tắc “làm tốt ngay từ đầu”.

Trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2026), Nhà nước bố trí 400.000 tỷ đồng cho phát triển giao thông, lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư công. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải hồi tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: "Nhà nước đã bố trí vốn, có các cơ chế, chính sách, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Như vậy, vấn đề thúc đẩy các công trình, dự án nằm ở khâu tổ chức thực hiện".

Để công trình, dự án giao thông đạt chất lượng, tiến độ tốt ngay từ đầu, cần coi trọng tuyển chọn các nhà thầu có năng lực chuyên môn và chuyên nghiệp. Đồng thời kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào và coi trọng giám sát các công đoạn hình thành sản phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chan-tieu-cuc-trong-cac-du-an-giao-thong.html