Chặn tín dụng 'sân sau'
Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng…
Trong Công điện số 1403/CĐ-TTg ngày 22-12-2023 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp “sân sau”… với lãi suất ưu đãi; tuyệt đối không và dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng trong tăng trưởng tín dụng...
Việc cấp tín dụng lãi suất ưu đãi cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp “sân sau”… hậu quả nhẹ thì vốn không đến đúng đối tượng hoặc người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn; còn hậu quả lớn hơn thì ảnh hưởng đến người gửi tiền, đe dọa an toàn của ngân hàng, thậm chí cả hệ thống ngân hàng, như trường hợp xảy ra tại SCB.
Do đó, việc người đứng đầu Chính phủ nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp “sân sau”… với lãi suất ưu đãi là lời cảnh báo, cảnh tỉnh đối với các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý.
Trước hết, các tổ chức tín dụng cần tuân thủ quy định pháp luật, định hướng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, giảm mặt bằng lãi suất, hướng dòng vốn đến những lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng sử dụng hạn mức tín dụng được giao, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; rà soát, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục cho vay, bảo đảm công khai, minh bạch, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Qua việc núp bóng, mượn tên tổ chức, cá nhân để “lách” quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông cá nhân tại ngân hàng, tỷ lệ cho vay tối đa đối với một khách hàng hay việc đoàn thanh tra “tiếp tay” cho hành vi phạm pháp, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài cần có cơ chế tăng cường công khai, minh bạch hoạt động ngân hàng, cơ sở dữ liệu về hệ thống ngân hàng cũng phải được xây dựng rõ ràng, để mọi chủ thể liên quan có thể giám sát trên mọi cấp khác nhau.
Các chuyên gia cũng kiến nghị, cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng phải công khai, minh bạch và được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra xin - cho, lợi ích nhóm, tiêu cực… bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, có trọng tâm, trọng điểm phục vụ nền kinh tế. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chan-tin-dung-san-sau-654248.html