Chân trời của K Pă Tý

Họa sĩ K Pă Tý vẽ tại Nhà sáng tác Đà Lạt - Ảnh: YÊN LAN

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn miền núi, cậu bé Ê Đê ước mơ chạm đến chân trời rực rỡ sắc màu. Vẽ bằng bút chì, bút sáp. Vẽ tất cả những gì mình thích… Đến một ngày, những tác phẩm hội họa cất lên tiếng nói. Cậu bé đam mê vẽ ngày nào trở thành họa sĩ.

Đó là K Pă Tý - họa sĩ người dân tộc thiểu số đầu tiên và duy nhất ở Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên.

Mới gặp lần đầu, ít ai nghĩ K Pă Tý là họa sĩ, bởi “chất” nông dân rất đậm trên gương mặt, dáng đi, trong cách nói, tiếng cười. Ừ thì Tý là con nhà nông, lớn lên nhờ ruộng rẫy. Vợ chồng Tý cũng có đám rẫy trồng sắn và lúa nước. Ðôi vợ chồng trẻ trông vào đám rẫy đó mà nuôi hai đứa con ăn học - nông dân thứ thiệt chứ còn gì! Nhưng K Pă Tý không chỉ quen cầm cuốc mà còn cầm cọ, nhuần nhuyễn.

“Từ hồi nhỏ mình đã thích vẽ, cứ lấy bút chì vẽ trên giấy, sau đó thì vẽ bằng bút sáp, bằng màu nước. Thích gì vẽ nấy”, KPă Tý kể. Nhà có 4 anh em, Tý là con đầu. Học xong cấp 2, Tý rời thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) xuống TP Tuy Hòa học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Lại say sưa vẽ sau giờ học; vẽ bằng năng khiếu và đam mê chứ chẳng “luyện” ở đâu. Vậy mà thi đậu vào Trường đại học Nghệ thuật Huế.

Sau 4 năm được đào tạo chuyên ngành Hội họa, năm 2015, K Pă Tý tốt nghiệp, trở về phố núi Hai Riêng. Chưa xin được việc làm, lại cầm cuốc, cầm rựa lên rẫy. Nhưng bàn tay chai sần vì công việc nhà nông đã nhuần nhuyễn nét cọ. Những bức tranh sơn dầu, acrylic ra đời, như Neo đơn, Âm vang Tây Nguyên, Mùa đông… Chàng trai Ê Ðê chạm đến chân trời mơ ước.

Năm 2019, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tổ chức Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Ở chuyên ngành Mỹ thuật, giải nhất được trao cho một cây cọ mới toanh - tác giả bức tranh sơn dầu Mừng tuổi trưởng thành. Bức tranh “kể” với người xem về một nghi lễ truyền thống của người Ê Ðê. K Pă Tý vẽ bức tranh này trong một tháng và gửi dự thi, hoàn toàn không nghĩ sẽ đoạt giải cao. Ai ngờ giải nhất gọi tên K Pă Tý.

T ranh sơn dầu Mừng tuổi trưởng thành của họa sĩ K Pă Tý - Ảnh: CTV

Ðó là giải thưởng đầu tiên của cây cọ sinh năm 1984. Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, nhận xét: “Tác phẩm Mừng tuổi trưởng thành được Ban Giám khảo đánh giá cao. Họa sĩ sống ở miền núi, là người dân tộc thiểu số, có một bức tranh mới mẻ và ấm áp, toát lên tình cảm của đồng bào miền núi”.

Ở Hai Riêng, vợ chồng KPă Tý trồng sắn, trồng lúa nước nuôi hai đứa con ăn học. Nghề nông sớm khuya vất vả, nỗi vất vả đó hiện rõ trên gương mặt Tý. Nhưng ngoài công việc nhà nông, K Pă Tý đắm trong thế giới bát ngát sắc màu. Tý thích vẽ tranh về phong tục tập quán của người Ê Ðê và tranh phong cảnh. Thông qua màu sắc, đường nét, K Pă Tý muốn “kể” với người xem những câu chuyện dung dị về đời sống của đồng bào mình.

Tâm hồn mộc mạc, họa sĩ người Ê Ðê đi theo tiếng gọi của đam mê, chưa tính toán thiệt hơn.

K Pă Tý là hội viên người dân tộc thiểu số đầu tiên và duy nhất ở Chi hội Mỹ thuật, tính đến thời điểm này. Cậu ấy được đào tạo bài bản tại Trường đại học Mỹ thuật Huế, rất đam mê và chịu khó sáng tác, dù hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn. K Pă Tý có những tác phẩm tốt, đoạt giải thưởng cao tại Phú Yên, được Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên.

Họa sĩ Võ Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên

NAM PHƯƠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252279/chan-troi-cua-k-pa-ty.html