Liêu xiêu làng nghề di sản...

Về Hội An (Quảng Nam), hỏi làng làm nhà bằng tre, bằng dừa vang tiếng người ta sẽ chỉ về phía rừng dừa Bảy Mẫu ngát xanh ở xã Cẩm Thanh. Rừng dừa nay đã lan ra cả trăm mẫu bạt ngàn, nhưng những hộ làm nghề thủ công truyền thống ấy chỉ còn lác đác. Bao người thợ cứng tay trong làng bỏ ngang chạy theo con sóng du lịch.

Tìm không ra thợ

Đường vào xã Cẩm Thanh đi qua rừng dừa nước nhộn nhịp du khách, xe cộ giữa ngày hè bỏng rát. Những tàu dừa to dài, chắc nịch vút lên trên mặt nước cùng với tre là nguyên liệu chính để bà con gầy dựng nên làng nghề thương hiệu. Thế mà giờ tìm ra hộ còn cưa cắt, thắt buộc những ống tre tàu dừa cũng phải nhờ người ta chỉ, vì ít quá.

Ngôi nhà bằng tre, dừa mùa hè mát, mùa đông ấm áp. Ảnh: T.H

Ngôi nhà bằng tre, dừa mùa hè mát, mùa đông ấm áp. Ảnh: T.H

Nhà anh Võ Tất Thắng (thôn Thanh Tam) nằm trong con đường nhỏ, chỉ có anh và hai người thợ đang cặm cụi làm mấy mái tre cho khách. Anh Thắng biết đến nghề này thuở nhỏ, học từ cha ông và bà con trong làng. Lớn lên chắc tay nghề, anh nhận làm công trình nhà cửa, hàng quán, trang trí ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên... Có năm nhận tới hàng chục ngôi nhà, đội thợ đuề huề trên dưới 15 người. Anh bảo, dựng một ngôi nhà từ nguyên liệu thiên nhiên không hề đơn giản, phải có một đội chuyên đi chặt tàu dừa, tre, ngâm nước, phơi phóng thật khô chắc. Đội khác lo phần cắt, mài, đan, buộc. Những người có tay nghề hơn thì lo phần dựng, lợp, rồi trang trí. “Thời hoàng kim đơn đặt hàng ào ào, nhận sướng cả tay, việc làm không xuể. Cả làng lấy nguồn thu chính từ nghề làm nhà và sản phẩm từ tre, dừa mà. Chừng 7-8 năm trở lại đây thì ít nhà theo nghề dần, giờ chỉ còn lác đác vài hộ”, anh Thắng trầm ngâm. Anh nói thêm, bây giờ kiếm tay thợ lành nghề trong làng rất hiếm, vì người ta chạy theo du lịch rừng dừa cả rồi. Người có tiền mở dịch vụ cho thuê thuyền thúng, dịch vụ ăn uống, người khó hơn thì đi ngoáy thúng phục vụ du khách, hoặc làm nhân viên cho các hàng quán.

Kế bên nhà anh Thắng là không gian trưng bày nhà và đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, dừa của anh Võ Tấn Tân, lóc cóc vang lên tiếng đục gõ từ xưởng nhỏ. Anh Tân nhớ như in, bố anh là nghệ nhân, hồi đó ông toàn làm nhà tre, dừa cho bà con trong làng và các vùng lân cận. Đến thời anh, anh vẫn nối nghiệp bố, còn làm thêm cả quán cà phê, bungalow, điểm check-in, trang trí trong các khách sạn. Đưa tôi xem những ngôi nhà tre óng vàng dưới ánh đèn, mái dừa mát rượi bên hồ nước, anh Tân chiêm nghiệm từ Bắc chí Nam không thiếu làng nghề làm nhà từ dừa, tre, có điều mỗi nơi một ngón nghề đặc trưng, chẳng nơi nào giống nơi nào cả. Nhiều hộ trong làng từng tuyển thợ từ nơi khác đến song họ không làm được, trong khi thợ ở làng thì mai một, chẳng mấy thiết tha với nghề. “Tôi trả họ 500.000 đồng một ngày công vẫn không có thợ, trong khi đi ngoáy thúng chỉ được một vài trăm ngàn mỗi ngày, bữa đực bữa cái chứ không phải dễ kiếm như hồi du lịch rừng dừa mới rộ”, anh Tân cho biết.

Đầu năm 2024, Bộ VHTT&DL công nhận nghề thủ công truyền thống làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ông Trần Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho hay, trước đây cả làng nhộn nhịp với truyền thống này nhưng nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay số hộ chuyên sản xuất sản phẩm từ tre, dừa. Phần lớn thợ lành nghề đã nhảy sang làm du lịch, chủ yếu là đi chèo thuyền thúng.

Việc tìm thợ làm ra các sản phẩm từ tre, dừa rất khó khăn do phần lớn đã chuyển sang làm du lịch. Ảnh: T.H

Việc tìm thợ làm ra các sản phẩm từ tre, dừa rất khó khăn do phần lớn đã chuyển sang làm du lịch. Ảnh: T.H

Bươn cùng sóng lớn

Hôm chúng tôi đến, người dân liên tục gõ cửa xe chào mời đi tham quan rừng dừa, thanh niên có, phụ nữ có, người lớn tuổi cũng có. Trên con thúng bơi điêu luyện giữa rừng dừa nước, ông N.T (54 tuổi) kể trước đây là thợ làm nhà tre, dừa, ai gọi đâu làm đó, có khi đi cùng anh em trong làng ra các tỉnh khác dựng nhà. Bỗng nhiên rừng dừa nước “hot” trên mạng, du khách khắp nơi kéo về ầm ầm, thấy “ngon ăn” quá nên ông bỏ ngang nghề đi chèo thúng.

“Hồi đó thúng ít khách nhiều, mới lạ nữa nên kiếm tiền sướng lắm, có ngày được cả triệu bạc. Vừa nhiều tiền tâm lý vừa thoải mái vui vẻ, ít bụi bặm nữa thì nghỉ cũng phải thôi. Thợ như tui nghỉ đầy. Nhưng kiếm đâu được thời gian đầu thôi, chứ sau này người ta đổ xô sắm thúng tràn lan, khách đến ít hơn. Như hôm nay từ sáng tới chiều tui đi mới được một chuyến, trả công chưa tới trăm ngàn. Bữa nào “trúng” được hai ba cuốc, thêm tiền bo nữa mới được vài trăm, không thì chịu cứng”, ông T thật thà. Cũng như ông, nhiều người thợ nhảy ngang đi ngoáy thúng khác than thở bây giờ kiếm tiền từ du lịch không dễ như xưa, nhưng được cái nhàn hạ, thoải mái, hơn nữa bỏ cái cưa cái dùi xuống quá lâu năm giờ đã “lụt nghề”, lười cầm lại.

Chính vì tìm không ra nhân công, may mắn tìm được thì trả chi phí quá cao nên những xưởng nghề không dám nhận công trình lớn, đơn hàng cứ nhỏ dần, thưa dần.

Ngày trước, thế hệ cha ông ở Cẩm Thanh mang giống dừa từ miền Nam về trồng và gầy ra được bảy mẫu, thành tên gọi rừng dừa Bảy Mẫu bây giờ. Dân ta dựa trên lợi thế rừng dừa tổ chức nhiều trận đánh chống giặc, làm nơi trú ẩn cho bộ đội. Rừng dừa còn gắn bó với đời sống cư dân, từ thuở lận đận cơ hàn đến hôm nay. Giờ “Bảy Mẫu” đã thành trăm mẫu, với người dân Cẩm Thanh, rừng dừa mang trong mình ý nghĩa văn hóa, lịch sử chứ không đơn thuần là thỏi nam châm cảnh sắc hút khách. Nếu đến rừng dừa chỉ để ngắm nghía, trải nghiệm quay cuồng trên chiếc thúng rồi về, thì uổng phí mất bao giá trị thẳm sâu. Trong khi nghề truyền thống làm nhà tre, dừa vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có biết bao câu chuyện hay ho để kể cho du khách, hẳn là phải quan tâm, chú trọng nhiều hơn nữa.

Nhiều thợ làm nhà tre, dừa chuyển sang nghề chèo thúng phục vụ khách tham quan rừng dừa nước. Ảnh: Nguyễn Trọng Tài

Nhiều thợ làm nhà tre, dừa chuyển sang nghề chèo thúng phục vụ khách tham quan rừng dừa nước. Ảnh: Nguyễn Trọng Tài

Trước con sóng du lịch ập đến ngày một mạnh, mà nghề di sản đang liêu xiêu, những hộ còn giữ nghề tìm cách cùng bươn theo sóng lớn. Không làm nhà lục giác, bát giác, cổ lầu, nhà rông, nhà nóc Thái…rầm rộ như xưa thì chuyển hướng sang làm bàn, ghế, tủ, kệ, tấm dừa, tre ốp la phông, phên, quầy bar, đồ trang trí, lưu niệm. Như xưởng thủ công mỹ nghệ của anh Võ Tấn Tân rất được lòng du khách nước ngoài vì những sản phẩm thiên nhiên mộc mạc mà đầy tinh tế. Họ không chỉ chiêm ngưỡng, mua sắm chiếc đèn, gáo nước, con cú, con bọ ngựa “cực phẩm” từ tre, từ dừa mà còn bái phục bởi những chiếc xe đạp, đèn lồng khổng lồ… Giá cả của những mặt hàng này đâu phải bọt bèo, từ vài trăm, vài triệu, vài chục triệu có cả. Ở đấy, du khách còn được trải nghiệm cưa cắt, mài gọt từng ống tre tàu dừa, nghe câu chuyện nghề cha truyền con nối, ký ức rừng dừa.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, việc công nhận nghề làm tre, dừa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vừa là sự tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng cư dân về quá trình gìn giữ, phát triển nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố bảo vệ và phát huy tốt hơn nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh nói riêng, nghề truyền thống ở Hội An nói chung.

Thanh Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lieu-xieu-lang-nghe-di-san-post1651540.tpo