Chặn trục lợi bệnh nhân
Thời gian qua, Quốc hội nhiều lần thảo luận về dự luật Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Một trong những vấn đề được các đại biểu đặt ra gay gắt nhất chính là tình trạng trục lợi bệnh nhân từ những chương trình xã hội hóa y tế ở nhiều bệnh viện.
Vấn đề này đã gây bức xúc đối với người dân trong cả thời gian dài. Cụ thể nhất, lộ liễu nhất chính là vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội). Lợi dụng chủ trương xã hội hóa, giám đốc bệnh viện bắt tay với doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế nâng giá robot phẫu thuật từ 7,4 tỉ đồng lên 39 tỉ đồng. Với giá cao ngất ngưởng này thì dịch vụ phẫu thuật cũng được nâng giá theo và chính người bệnh phải trả tiền cho nhóm người trục lợi này. Nhiều vụ việc tương tự cũng diễn ra ở một số bệnh viện tại các địa phương nhưng đến nay thực trạng này cũng chưa được giải quyết tận gốc.
Một trong những biểu hiện dễ thấy của tình trạng tận thu đối với bệnh nhân chính là loạn xét nghiệm. Nguyên do của nó rất dích-dắc nhưng chủ yếu là xuất phát từ những thiết bị xã hội hóa. Thiết bị y tế của doanh nghiệp tư nhân được định giá cao đưa vào hợp tác với bệnh viện. Họ bắt tay với nhau để nhanh thu hồi vốn và kiếm lãi bằng cách tăng tần suất phục vụ. Trong trường hợp này, người trả tiền chính là bệnh nhân dù có cần thiết hay không. Những mặt trái của xã hội hóa y tế này, ít nhiều đều liên quan đến những người trực tiếp quản lý bệnh viện.
Nhận thấy nguồn lực của xã hội về y tế rất lớn và để cải thiện hệ thống y tế công, từ năm 1997, Chính phủ đã ra nghị quyết về chủ trương xã hội hóa y tế. Chủ trương này phát huy mạnh mẽ nguồn lực tổng hợp để chăm sóc sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, hệ thống các bệnh viện dần lớn mạnh và có đủ nguồn lực để xây dựng hệ thống y tế đa dạng, hiện đại đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của xã hội. Nhưng sự cạnh tranh ngày càng mạnh, nguồn thu lớn, lợi nhuận cao đã làm nảy sinh hàng loạt vấn đề mà bức xúc nhất chính là tình trạng nâng khống giá thiết bị, vật tư và trục lợi từ chương trình xã hội hóa y tế.
Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định với những quy định của pháp luật hiện hành đã quá đủ để ngăn chặn và xử phạt những hành vi trục lợi trong y tế. Quan trọng là việc thực thi để tạo ra những công cụ quản lý thực chất, tạo ra những con người cương trực thực thi chức trách cao cả là chăm sóc người bệnh tận tình để không bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền.
Chúng ta có hệ thống quản lý chuyên môn đối với ngành y tế từ trung ương đến tận địa phương và trách nhiệm được giao cả cho chính quyền sở tại thì không thể nói rằng không biết và không ngăn chặn được sự trục lợi y tế. Tất cả máy móc, thiết bị, vật tư… cung ứng cho bệnh viện đều có nguồn gốc, xuất xứ. Đối chiếu với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng từ nước ngoài thì rõ ràng, bởi họ luôn công khai giá bán. Còn việc lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng kê đơn… thì nó nằm trong chuyên môn hằng ngày của cơ quan y tế, không lý gì không kiểm tra được.
Ngành y tế trải qua thời gian dài trì trệ và gặp nhiều biến động. Bao nhiêu con người tâm huyết đang ngày đêm dồn hết tâm lực cho bệnh nhân đang cần được hỗ trợ để hoàn thành trách nhiệm. Cần phải mạnh tay loại bỏ những kẻ trục lợi để giữ gìn sự tôn quý của những người khoác tấm áo blouse trắng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/chan-truc-loi-benh-nhan-20220915223126332.htm