Chẳng có gì để sợ nếu làm đúng!

Tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, từ Trung ương cho đến địa phương. Đây cũng là lý do làm giảm động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, từ Trung ương cho đến địa phương. Đây cũng là lý do làm giảm động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để có góc nhìn rõ hơn về nội dung này cũng như tìm hiểu các giải pháp liên quan, Kinh tế Việt Nam & Thế giới trích dẫn bài viết của TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Giai đoạn hiện nay, khi đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm thì xuất hiện tâm lý e ngại, không dám làm, sợ trách nhiệm, mong an toàn... Tình trạng này tập trung nhiều ở các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như các dự án đầu tư, đấu thầu, xây dựng đô thị, giao thông cầu đường, đất đai...

Điều này đến hậu quả là không chỉ việc giải ngân vốn đầu tư ì ạch, mà rất nhiều dự án đầu tư, xây dựng, giao thông, cầu đường, kinh doanh thương mại, cũng như các nhiệm vụ khác.... chưa triển khai được, gây ùn tắc, đọng việc.

Hiện vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức và cả địa phương trước khi quyết đáp vấn đề gì đều hỏi ý kiến, xin chủ trương, thỏa thuận, thống nhất cơ quan cấp trên hoặc cơ quan liên quan. Đây là tâm lý “sợ trách nhiệm” để khi nếu có quyết định sai thì các cơ quan, tổ chức đã được hỏi ý kiến cùng chia sẻ trách nhiệm.

Như vậy sẽ dẫn đến công việc bị kéo dài do phải chờ đợi hỏi ý kiến hoặc trong trường hợp chưa thống nhất, công việc bị dừng lại. Điều này là nguyên nhân làm ách tắc, chậm trễ, không kịp thời, nhất là không thể hiện được trách nhiệm của cơ quan hoặc người được giao thẩm quyền.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, gây chậm trễ, ách tắc công việc, đó là do có một bộ phận cán bộ ý thức trách nhiệm kém, kiến thức và năng lực hạn chế, làm gì cũng sợ sai nên không dám làm, không dám quyết.

Tiếp đến là hệ thống pháp quy và cơ chế phối hợp công tác chưa thống nhất và đồng bộ. Từ đó, dẫn đến sự đùn đẩy, né tránh, không dám quyết đáp, khi xảy ra hậu quả khó quy trách nhiệm. Cùng với đó, bên cạnh xử lý các sai phạm, hiện nay chúng ta chưa có quy định để bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

TS Trần Anh Tuấn: "Chỉ người có sai phạm mà chưa bị “lộ” thì mới lo sợ..."

TS Trần Anh Tuấn: "Chỉ người có sai phạm mà chưa bị “lộ” thì mới lo sợ..."

Cuối cùng, người ta vẫn nói: “cán bộ nào, phong trào ấy”. Vì vậy, tình trạng cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám tham mưu, để tồn đọng thì rõ ràng có trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu không khắc phục được thì phải xem xét trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu.

Có thể thấy, “bộ phận cán bộ giữ an toàn, làm thì sợ sai” là những người thiếu trách nhiệm và yếu năng lực mà những người như thế này đôi lúc chúng ta vẫn gặp, chứ không phải đến bây giờ. Còn cán bộ, công chức nếu làm đúng pháp luật, đúng quy định, không có tư lợi cá nhân thì chẳng có gì để sợ cả.

Những người này sẽ luôn được xã hội trân trọng, được bảo vệ, biểu dương và khen thưởng. Chỉ người có sai phạm mà chưa bị “lộ” thì mới lo sợ, không biết khi nào cơ quan bảo vệ pháp luật hỏi đến; hoặc những người hạn chế về nhận thức, yếu kém về năng lực mới lo sợ không dám làm gì.

Có Đại biểu Quốc hội đã từng nói vẫn có trường hợp cán bộ có tâm lý “thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”. Đây là suy nghĩ thiếu sâu sắc. Theo tôi, những người không làm gì để an toàn hoặc những người không dám làm vì sợ sai mà hàng tháng vẫn nhận tiền lương thì không chờ đứng trước Hội đồng kỷ luật hay Hội đồng xét xử. Sẽ đến lúc họ đứng trước Hội đồng của lương tâm, của danh dự nghe phán xét.

Vẫn phải khẳng định một điều là bên cạnh tình trạng không dám làm, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới, sáng tạo thì đa số đội ngũ cán bộ, công chức vẫn tận tụy, trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản chí”, “chùn bước”, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên. Mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm… Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”.

Để khắc phục tình trạng cán bộ công chức né trách nhiệm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Công điện của Thủ tướng là một chỉ đạo rất đúng và cần thiết trong giai đoạn này để khắc phục việc không dám làm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy và né tránh... trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Hiện Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là một giải pháp nếu được thực hiện, thì có tác dụng mạnh mẽ, củng cố niềm tin của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ.

Đây là một giải pháp nếu được thực hiện sẽ có tác dụng mạnh mẽ, củng cố niềm tin của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ. Người ta sẵn sàng sáng tạo, đột phá, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, họ cũng cần có môi trường, điều kiện thuận lợi để làm việc, cống hiến, nhất là được khuyến khích và bảo vệ.

Từ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn hiện nay, việc ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ là rất cần thiết. Qua đó, sẽ tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn tận tâm, nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Từ đó mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Tuy nhiên, để quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đảm bảo giá trị pháp lý cũng như tính khả thi, theo tôi nên báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành một nghị quyết về nội dung này. Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thì Chính phủ mới hướng dẫn hoặc quy định chi tiết./.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chang-co-gi-de-so-neu-lam-dung/291219.html