Chặng cuối của những hào quang xế bóng
Nơi duy nhất ở Sài Gòn, cũng như trên cả nước nuôi dưỡng những nghệ sĩ sân khấu lúc về già là Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM. Nơi ấy, những con người có một thời tỏa sáng trên sân khấu bằng sắc vóc, bằng giọng ca, nay thu mình lại, sống một cuộc sống bình an, lặng lẽ về già…
Những ngọn đèn le lói
Viện dưỡng lão nghệ sĩ, mà nói chính xác hơn là viện dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu ở đường Âu Dương Lân, quận 8 nằm trên một khu đất rộng rãi và rợp bóng cây. Nơi đó từng có đông đúc nghệ sĩ, tiếng đàn hát, nói cười suốt ngày, giờ đã vắng lặng lắm. Nó vắng, buồn như nỗi cô đơn lúc tuổi già xế bóng của các nghệ sĩ không còn nơi nương tựa nào ngoài nơi đây.
Viện dưỡng lão nghệ sĩ được lập ra vào năm 1997, do đề xuất của nữ NSND Phùng Há. Nơi đây là chốn sinh sống về già của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội của ngành sân khấu: Thiên Kim, Lệ Thẩm, Ngọc Đáng, Diệu Hiền…
Mỗi một nghệ sĩ lão thành vào gửi thân về già chốn này là một mảnh đời, một thân phận riêng. Nhưng hầu hết trong số họ là những nghệ sĩ già không nhà cửa, không chốn dung thân, đau ốm bệnh tật.
NSUT Diệu Hiền kể, bà trốn nhà theo gánh hát từ nhỏ, cả đời gắn với nghiệp diễn, trên sân khấu. Đến lúc về già, bệnh tật, mắt mờ tay run, bà không còn đi hát đoàn kiếm sống được nữa, theo bạn bè đi hát ở chùa. Có người hảo tâm cho bà một chỗ ở. Cách đây nhiều năm, nghệ sĩ Lệ Thẩm, Ngọc Đáng đến thăm chỗ ở, thấy sinh hoạt bất tiện, khó khăn nên khuyên bà về viện dưỡng lão nghệ sĩ.
Bà nộp đơn xin và đủ điều kiện, được chấp thuận. Thế là từ đó bà trở thành một thành viên của ngôi nhà nghệ sĩ này. Nghệ sĩ Diệu Hiền bảo, từ khi vào đây bà khỏe ra nhiều vì được ở một nơi có vườn rộng, nhiều cây xanh, ăn uống ngày hai bữa đều đặn.
Đặc biệt là có rất nhiều “bạn già” cùng nghề, hợp ý nhau. Thi thoảng, họ ngồi cùng nhau ôn lại chuyện cũ, hát cùng nhau vài câu ca cổ. Đôi lúc có nhiều bạn trẻ hay nghệ sĩ thế hệ sau bên ngoài vào thăm, tặng quà, các nghệ sĩ lại vui vẻ hồ hởi đứng biểu diễn trước những khách viếng thăm, cảm giác rộn ràng của ngày xưa trở lại.
Không phải nghệ sĩ nào vào đây cũng không còn bà con, thân thích, tứ cố vô thân. Nhiều nghệ sĩ cũng có bà con xa, thậm chí con cái, nhưng người thì ở với người thân không tiện, không hợp, người thích ở với nghệ sĩ đồng nghiệp, vui vẻ hơn.
Như trường hợp của nữ nghệ sĩ Thiên Kim, một nghệ sĩ sân khấu về già vẫn “quen mặt” với các vai diễn phúc hậu trên sóng truyền hình. Nghệ sĩ Thiên Kim có năm người con, đều có công ăn việc làm ổn định, thành đạt. Các con cũng muốn giữ bà lại ở chung nhưng bà từ chối. Bà bảo, ở chung với bạn già thấu hiểu nhau hơn.
Cách đây không lâu, nghệ sĩ Thiên Kiêm vẫn khá “đắt show” với nhiều vai diễn trong phim truyền hình. Tuy đã hơn xấp xỉ 90 nhưng bà vẫn rất năng động, cứ đến cảnh quay của mình bà bắt xe ôm đi, xong lại bắt xe ôm về. Cát xê nghệ sĩ già, vai phụ thực chất không bao nhiêu tiền. Có bộ phim, sau nhiều cảnh quay bà nhận có… 500 ngàn. Có bộ phim vì nhà sản xuất bị “bội chi”, bà cho thiếu nợ, đến bao giờ có tiền thì trả.
Điều quan trọng với nữ nghệ sĩ không phải là tiền bạc mà là lòng yêu nghề, nhớ nghề. Với bà, về già mà còn được đi đóng phim thường như thế đã là “Tổ đãi”, là may mắn hơn nhiều đồng nghiệp cùng tuổi. Được làm nghề khiến bà thấy vẫn có niềm vui lao động, vẫn nỗ lực đóng góp cho nghệ thuật. Tiền kiếm được bà lấy chi dùng vặt vãnh, đôi khi giúp đỡ người khác. Năm nay gặp phải mùa dịch, vắng show, bà ở viện hằng ngày dạo chơi, chuyện trò, thể dục.
Kém may mắn hơn, có những nghệ sĩ trước khi vào viện dưỡng lão đã phải đi bán vé số, làm đủ nghề, bươn chải khắp nơi để kiếm sống, bữa đói bữa no. Thế nên, vào viện dưỡng lão, với họ là một may mắn, một niềm vui an ủi lúc cuối đời.
Còn nhớ, thời điểm những năm đầu mới thành lập, viện dưỡng lão luôn trên 20 nghệ sĩ sinh sống. Mỗi người một phòng riêng, được chăm nom cơm nước hàng ngày. Thời điểm “huy hoàng” cách đây chục năm, người trong viện còn đông đúc, các nghệ sĩ còn tương đối khỏe khoắn. Những ngày ấy, trong khuôn viên viện luôn vang lên những tiếng ca, tiếng hát ngọt ngào sâu lắng của các cụ.
Giờ đây, thời gian trôi qua, nhiều nghệ sĩ đã lần lượt ra đi. Viện dưỡng lão chỉ còn hơn 10 cụ, cụ lớn nhất là nghệ sĩ Ngọc Đáng cũng đã 93 tuổi. Các cụ còn lại đa phần trên 80, 70. Tiếng hát cũng hầu như chỉ còn cất lên khi có khách viếng thăm…
Đau đáu đời nghệ sĩ về già
Viện dưỡng lão nghệ sĩ sau nhiều năm xây dựng chưa được trùng tu, giờ đây đã cũ kĩ nhiều, xuống cấp rất nặng, lầu một hầu như không sử dụng được vì xuống cấp và bất tiện cho nghệ sĩ già lên xuống. Có không ít nhà hảo tâm đã lên tiếng việc hỗ trợ để ban quản lý có thể xây thêm chỗ ở, xét duyệt thêm nhiều nghệ sĩ già yếu, bệnh tật vào viện. Tuy nhiên, khu dưỡng lão là đất công, đất cho mượn nên Ban Ái hữu không có sổ đỏ, vì vậy không thể xin phép xây dựng được.
Vỏn vẹn hơn 10 cụ già ở trong một không gian rộng lớn của viện dưỡng lão, cơm ngày hai bữa không tránh khỏi quạnh quẽ. Niềm vui lớn nhất của các cụ là đôi khi được bà con họ hàng mời về thăm, hoặc lớp nghệ sĩ trẻ, các bạn sinh viên, mạnh thường quân ghé thăm. Bởi, mỗi lần có người đến là có niềm vui từ những buổi giao lưu văn nghệ, chuyện trò, từ những món quà chân tình.
Hơn thế, hầu hết các nghệ sĩ đều theo nghiệp diễn tự do, theo đoàn hát, lúc về già không có lương hưu, nhiều người không bà con thân thích, nên tiền tiêu vặt ít ỏi cũng trông chờ vào những mạnh thường quân ghé thăm, biếu các cụ. Trong mùa dịch của năm nay, hầu như các cụ không ra ngoài nhiều, cũng không nhiều khác hảo tâm thăm viếng như xưa, viện dưỡng lão càng buồn, vắng hơn.
Những năm gần đây, câu chuyện về Viện dưỡng lão nghệ sĩ cũng đã được đem ra mổ xẻ, tranh cãi nhiều vì những bất cập chung quanh. Như câu chuyện nhà dưỡng lão xuống cấp nhưng gặp khó trong chuyện chỉnh trang, xây cất lại.
Cạnh đó, một nghịch lý tồn tại nơi đây, đó là khuôn viên của viện dưỡng lão rộng mênh mông hơn 5000m2, nhưng trước đây, sức chứa nhiều nhất chỉ dành cho trên 20 cụ. Giờ đây, số còn lại chỉ hơn 10 cụ. Vừa rộng, vừa xuống cấp, vừa buồn, công năng lại không được sử dụng hết. Trong khi đó, ngoài kia còn rất nhiều nghệ sĩ về già lang thang, vất vưởng, không nơi nương tựa lại không được xét duyệt vào sinh sống.
Như trường hợp của 2 nghệ sĩ Tòng Sơn và Hoàng Lan. Quái kiệt thổi harmonica Tòng Sơn hơn 80 tuổi, bị tim nặng, sống một mình trong căn phòng trọ nhỏ xíu vài mét vuông, đã nhiều lần trở bệnh mà không ai biết, hàng xóm phải cậy cửa đưa đi cấp cứu. Còn nghệ sĩ Hoàng Lan, hơn 60 tuổi, đã giảm thính lực, thị lực, từng đột quỵ và đang mắc Parkinson, hiện chỉ sống nhờ quán cơm nhỏ èo uột và tiền hỗ trợ của nhiều nghệ sĩ hảo tâm khác.
Nhưng cả hai nghệ sĩ sau khi làm đơn xin được vào viện dưỡng lão nghệ sĩ đã bị từ chối. Lý do không chấp thuận là viện dưỡng lão có nhiều quy định riêng như: Nam từ 65 tuổi, nữ từ 60 tuổi trở lên và có 25 năm liên tục trong nghề; hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, không ai nuôi dưỡng; không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần, bệnh bại liệt, không vi phạm pháp luật; có hộ khẩu TP HCM và phải là Hội viên hội sân khấu TP HCM.
Những nghệ sĩ không đáp ứng đủ tiêu chí, đặc biệt không phải hội viên Hội Sân khấu cũng không được vào ở. Chung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng cần có một đề án xây dựng, cải tạo viện dưỡng lão nghệ sĩ, đồng thời thay đổi quy chế cho thoáng hơn, hỗ trợ được nhiều nghệ sĩ về già hơn, như tinh thần yêu thương không phân biệt mà cố NS Phùng Há đã đặt ra khi đề nghị thành lập viện dưỡng lão này?
Những cụ già ít ỏi còn lại ở viện dưỡng lão nghệ sĩ giờ đây cũng như những ngọn đèn leo lắt trước gió. Những năm qua, họ đã làm biết bao nhiêu cuộc tiễn đưa những người bạn vong niên về với đất? Họ đã qua một đời huy hoàng, tỏa sáng, đắm say vời nghiệp diễn. Giờ sống bình yên, an ổn, chấp nhận số phận, và chấp nhận sự chết như một phần tất yếu của đời mình.
Như câu hát của nữ nghệ sĩ Diệu Hiền tự sáng tác và thường hát lên với khách viếng thăm: “Tháng ngày thấm thoát phù du/ Bóng qua cửa sổ dễ hầu trở lui/ Có người hỏi trần gian ở đâu?/ Trần gian là quán trọ bên đường/ Kiếp người là khách thập phương/ Chỉ dừng chân tạm chứ không ai được ở luôn chốn này”…