'Chàng Đam San' đam mê ghi lại khoảnh khắc núi rừng

Với một tình yêu thiết tha với núi rừng quê hương, dù không phải là một thợ chụp hình chuyên nghiệp nhưng hơn 10 năm qua, anh Mấu Săn (sinh năm 1990, người Raglai ở xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) vẫn rong ruổi khắp các bản làng, lễ hội để lưu giữ lại những khoảnh khắc về vùng đất và con người Khánh Sơn.

Anh Đam San trong một buổi rong ruổi chụp hình trên vùng đất Khánh Sơn. Ảnh: Đam San

Anh Đam San trong một buổi rong ruổi chụp hình trên vùng đất Khánh Sơn. Ảnh: Đam San

Anh Mấu Săn thường gắn tên lên các bức ảnh của mình là Đam San (giống tên một người anh hùng trong sử thi của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên) nên trong giới chụp ảnh, du lịch trải nghiệm ở Khánh Hòa thường quen thuộc với anh qua tên gọi này. Các bức ảnh của anh để lại ấn tượng trong chúng tôi bởi sự mộc mạc, chân thật, bắt được trọn vẹn những khoảnh khắc, hơi thở cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Quang và em bé người Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Quang và em bé người Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Các cô gái trong trang phục đồng bào dân tộc thiểu số chụp ảnh bên dòng suối ở huyện Khánh Sơn.

Các cô gái trong trang phục đồng bào dân tộc thiểu số chụp ảnh bên dòng suối ở huyện Khánh Sơn.

Lễ hội khinh khí cầu ở huyện Khánh Sơn.

Lễ hội khinh khí cầu ở huyện Khánh Sơn.

Sinh ra ở núi rừng thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc), tuổi thơ của Mấu Săn là những chuỗi ngày theo cha mẹ lên nương rẫy, sống chan hòa với thiên nhiên, trong tình yêu thương của đồng bào Raglai quê hương mình. Lớn lên, sau khi theo học xong tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, năm 2012, anh trở về làm việc tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, sau đó chuyển về làm công chức văn hóa tại UBND xã Sơn Bình. Hơn 10 năm qua, với niềm say mê với văn hóa đồng bào dân tộc, anh luôn tìm cách lưu giữ lại những hình ảnh, nét văn hóa ấy trên quê hương mình. Cứ vào dịp cuối tuần, anh lại rong ruổi khắp các bản làng, núi rừng để chụp lại những hình ảnh về vùng đất và con người ở Khánh Sơn. Làm việc trong lĩnh vực văn hóa ở huyện và xã, anh có cơ hội tham gia nhiều chương trình về văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số do tỉnh, huyện tổ chức để sống trọn với niềm đam mê của mình.

Đàn đá ở huyện Khánh Sơn.

Đàn đá ở huyện Khánh Sơn.

Lễ hội cồng chiêng của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Lễ hội cồng chiêng của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Lễ cúng lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Lễ cúng lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Mùa thu hoạch lúa của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Mùa thu hoạch lúa của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Không phải là người chụp ảnh chuyên nghiệp, anh tự lên mạng tìm hiểu, kết nối với những người bạn cùng đam mê để học cách chụp ảnh. Sau khi chụp, anh thường chọn những bức ảnh đẹp nhất để phục vụ miễn phí cho các dịp lễ, kỷ niệm do huyện, xã tổ chức, in lịch Tết góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh đất và người Khánh Sơn hoặc tặng lại cho nhân vật mình chụp. “Giá trị của một tấm ảnh không phải ở thời điểm chụp mà qua một khoảng thời gian sau đó, bức ảnh bỗng trở thành một phần ký ức, một kỷ niệm đẹp trong tiềm thức mỗi người. Đó là lý do tôi muốn chụp lại những khoảnh khắc nơi vùng đất quê hương mình để lưu giữ ký ức cho chính mình và mọi người”, anh bộc bạch.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202309/chang-dam-san-dam-me-ghi-lai-khoanh-khac-nui-rung-f0200ab/