Chặng đường để Đông Timor gia nhập ASEAN
Kể từ khi Đông Timor được cấp tư cách quan sát viên chính thức và nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc để trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2022, quốc gia này đang dần bước những bước vững chắc trở thành thành viên của khối. Tuy nhiên, quốc gia non trẻ này vẫn còn phải vượt qua một số tiêu chí để có thể chính thức gia nhập câu lạc bộ quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
Lộ trình của ASEAN
Tháng 5 năm ngoái, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 ở Labuan Bajo, Indonesia, các quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua Lộ trình để Đông Timor trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và các Phụ lục do Hội đồng Điều phối ASEAN xây dựng sau các chuyến đi tìm hiểu thực tế tới nước này. Sau đó, vào tháng 9.2023, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khuyến khích các nước thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài giúp Đông Timor hoàn thành các tiêu chí quy định trong Lộ trình.
Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmão nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của tư cách thành viên ASEAN để “mang lại niềm tin và sự an toàn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Đông Timor”, điều này “đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Đông Timor”. Tương ứng, Đông Timor đã tăng cường nỗ lực gia nhập khối bằng việc bổ nhiệm một Thứ trưởng phụ trách các vấn đề ASEAN và chuẩn bị kế hoạch hành động thực hiện Lộ trình. Gần đây nhất, vào tháng trước, Hội đồng Bộ trưởng Đông Timor đã phê duyệt dự thảo nghị quyết của chính phủ về các cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình gia nhập. Với nghị quyết được thông qua, Đông Timor hiện có thể nỗ lực hoàn thành các tiêu chí cần thiết để trở thành thành viên ASEAN, phân bổ nguồn lực cho mục tiêu đó và thiết lập một mốc thời gian hợp lý khi nào tư cách thành viên đầy đủ của nước này cuối cùng sẽ được hiện thực hóa.
Tại Diễn đàn Truyền thông ASEAN lần thứ 7 tại Jakarta vào tháng 10.2023, Sayakane Sisouvong, nguyên Phó tổng thư ký ASEAN, đã chia sẻ một số bài học quan trọng về tiến trình Lào gia nhập ASEAN vào năm 1997. Đầu tiên, cựu quan chức ASEAN nói rằng Đông Timor cần tiến hành đánh giá về khả năng sẵn sàng gia nhập ASEAN của đất nước để cho phép xác định những điểm yếu. Thứ hai, cần xây dựng sự đồng thuận trên toàn quốc để xã hội ở mọi cấp độ có thể tin tưởng vào tầm quan trọng của tư cách thành viên ASEAN. Điều này sẽ cho phép quốc gia thảo luận chặt chẽ về những ưu điểm và nhược điểm của tư cách thành viên, từ đó chuẩn bị tốt hơn. Thứ ba, cần bổ nhiệm những quan chức có thể gắn kết với các nước thành viên ASEAN khác ở mọi cấp độ. Điều này bao gồm việc nâng cao trình độ tiếng Anh, ngôn ngữ làm việc của ASEAN, cho phép sự tham gia không chỉ giữa các chính phủ mà còn giữa các doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Cuối cùng, ông Sayakane nói rằng Dili cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để tổ chức các hội nghị thượng đỉnh khu vực và toàn cầu.
Những bài học được cựu Tổng thư ký nhấn mạnh phù hợp với các tiêu chí và cột mốc được quy định trong Lộ trình đặt ra cho Đông Timor. Điểm chính rút ra từ Lộ trình và lời khuyên mà ông Sayakane đưa ra vào tháng 10.2023 là Đông Timor cần chịu trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển của chính mình và những nỗ lực chuẩn bị trở thành thành viên ASEAN không chỉ nên được hướng dẫn bởi quan hệ giữa chính phủ với chính phủ mà còn cả quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa người dân với nhau.
Trong khi chính phủ sẽ đóng vai trò chủ đạo, khu vực tư nhân bao gồm các doanh nghiệp và nông dân địa phương, giới học thuật và các tổ chức xã hội dân sự phải tham gia vào quá trình chuẩn bị trở thành thành viên ASEAN. Chính phủ phải nhận thức rằng lợi ích đầy đủ của tư cách thành viên chỉ có thể được bảo đảm khi nước này có điều kiện hấp thụ và tận dụng các cơ hội mà ASEAN mang lại, bao gồm cả khả năng của khu vực tư nhân và các quan chức chính phủ trong việc hợp tác và cạnh tranh trong khối.
Những thách thức cần vượt qua
Dù đã có những bước tiến tích cực, Đông Timor phải thừa nhận rằng nước này cần chuẩn bị tốt hơn cho việc trở thành thành viên ASEAN và giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Ví dụ, dựa trên Báo cáo Phân tích Giáo dục năm 2015, tỷ lệ sinh viên theo học đại học của quốc gia này chỉ 9% (tăng từ 4,6% vào năm 2010), điều này cho thấy trình độ học vấn còn cần phải được nâng cao đáng kể. Báo cáo tương tự cũng chỉ ra rằng trình độ đọc viết tiếng Anh của dân số từ 5 tuổi trở lên chỉ ở mức 15,6% vào năm 2015, tăng từ 11,5% vào năm 2010. Con số này có thể đã thay đổi trong 9 năm qua nhưng có thể không thay đổi nhiều.
Tương tự, Đông Timor tiếp tục đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, bao gồm sân bay, chỗ ở và cơ sở hạ tầng CNTT cần thiết để tổ chức các cuộc họp cấp cao. Tuy nhiên, Dili vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả kế hoạch nâng cấp Sân bay Quốc tế Nicolao Lobato ở Dili. Dựa trên dữ liệu thu được từ Cổng thông tin minh bạch của chính phủ, Đông Timor đã chi 3,6 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2020 để phát triển cơ sở hạ tầng, chiếm 29% tổng chi tiêu của chính phủ trong giai đoạn đó.
Ngoài ra, Chính phủ Đông Timor cũng cần ý thức được rằng, không nên đặt kỳ vọng phát triển kinh tế trong tương lai vào các yếu tố bên ngoài như tư cách thành viên ASEAN. Ngược lại, sự phát triển bền vững chỉ có thể đạt được nếu được thúc đẩy từ bên trong. Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư để cải thiện nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và khu vực tư nhân cần được thực hiện không chỉ để đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên ASEAN mà còn là một phần của khoản đầu tư tổng thể nhằm cải thiện nền kinh tế và phúc lợi của người dân.
Tại Diễn đàn Truyền thông ASEAN lần thứ 7 nói trên ở Jakarta, thuật ngữ “Phương thức ASEAN” đã được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về giải pháp cho những bất đồng trong khu vực. Phương thức ASEAN là một quá trình ra quyết định nhấn mạnh đến quá trình thảo luận và đồng thuận dựa trên các nguyên tắc không can thiệp, không sử dụng vũ lực, ngoại giao thầm lặng. Cách tiếp cận này được coi là nhân tố quan trọng giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực vì phương pháp này giúp bảo đảm sự bình đẳng về tiếng nói giữa các quốc gia thành viên bất chấp sự chênh lệch về kinh tế và địa lý. Do đó, trả lời cho câu hỏi khi nào Đông Timor sẽ trở thành thành viên chính thức của ASEAN không chỉ phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các tiêu chí và đạt được các mốc quan trọng được xác định trong Lộ trình mà còn phụ thuộc vào thời điểm có thể đạt được sự đồng thuận của tất cả các thành viên của khối.
Trong khi đó, Đông Timor phải tập trung sử dụng nguồn tiền từ nguồn tài nguyên dầu mỏ hạn chế của mình để phát triển các lĩnh vực then chốt phi dầu mỏ tương ứng với nhu cầu phát triển của mình. Điều này có thể tạo điều kiện cho sự đa dạng hóa nền kinh tế của nước này, giúp nước này chuẩn bị tốt hơn cho việc trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN trong tương lai gần.