Chặng đường đồng hành với ASEAN

Gia nhập ASEAN đã trở thành mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Trong tiến trình 55 năm phát triển của hiệp hội, chặng đường 27 năm đồng hành với ASEAN đã ghi đậm dấu ấn Việt Nam tham gia, đóng góp và xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, lấy người dân làm trung tâm và khẳng định vị thế, vai trò trung tâm của hiệp hội đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển chung.

Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao với đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền được tổ chức ngày 2/8 tại Campuchia.

Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao với đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền được tổ chức ngày 2/8 tại Campuchia.

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN (tháng 8/1967 - tháng 8/2022) và 27 năm Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội (28/7/1995 - 28/7/2022). Những dấu mốc mới được ghi nhận trong bối cảnh ASEAN tiếp tục phát triển, đổi mới và trở thành tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất trên thế giới, giữ vững đoàn kết, thống nhất, vững mạnh và năng động, đóng vai trò trung tâm, đóng góp hiệu quả cho đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh ở khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Là mái nhà chung của 10 nước Đông Nam Á, trong giai đoạn phát triển mới, ngày 31/12/2015, ASEAN chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN, hướng tới xây dựng một cộng đồng chung, dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, ASEAN tập trung triển khai các kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Cũng như các khu vực và tổ chức trên thế giới, ASEAN đang phải đối mặt nhiều thách thức đa chiều, phức tạp. Dù hầu hết các nước ASEAN đã cơ bản kiểm soát dịch Covid-19, nhưng nguy cơ làn sóng dịch mới chưa được loại bỏ hoàn toàn. Nỗ lực phục hồi của ASEAN chịu tác động của các “cú sốc” do hệ quả từ xung đột tại Ukraine và tiến trình điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Tăng trưởng kinh tế khu vực được dự báo phục hồi không đồng đều, lạm phát chưa dứt đà tăng cao... Thách thức nhiều và phức tạp càng làm nổi bật nhiệm vụ của ASEAN duy trì đoàn kết nội khối và như hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN 27 năm trước, đường lối về tham gia hợp tác ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại Việt Nam thời kỳ mới. Các văn kiện Đại hội Đảng gần đây nhất nêu rõ rằng, Việt Nam chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phấn đấu cùng các nước ASEAN xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh; chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc. Với định hướng trên, việc tham gia ASEAN trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại, một trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Chặng đường 27 năm qua ghi dấu nhiều mốc nổi bật về sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong hợp tác ASEAN. Không chỉ là 2 lần đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN (các năm 2010 và 2020) và tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp cao ASEAN, Việt Nam còn chủ trì nhiều hội nghị, diễn đàn cấp cao của ASEAN trong các lĩnh vực hợp tác nội khối, khu vực và quốc tế. Trong cuộc họp báo mới đây, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam ngày chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm, tích cực đối với ASEAN và cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã cùng các nước ASEAN tích cực xây dựng cộng đồng trên tất cả các trụ cột, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa - xã hội và đặc biệt là dành ưu tiên cao cho tăng cường kết nối ASEAN. Việt Nam cũng cùng các nước ASEAN mở rộng quan hệ với rất nhiều đối tác trên thế giới. Điều đó được thể hiện qua việc rất nhiều nước tiếp tục muốn trở thành đối tác của ASEAN.

Trong 27 năm qua, một loạt cơ chế hợp tác mới của ASEAN đều có dấu ấn đóng góp của Việt Nam. Chẳng hạn, cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM và ADMM+) được thành lập khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2010, hay các cơ chế mới về phòng, chống Covid-19 và dịch bệnh khác. Trao đổi về các hướng đi của ASEAN và tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 cũng là sáng kiến của Việt Nam. Theo Quyền Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, Đại sứ Vũ Hồ, đóng góp có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam chính là khẳng định vị thế, chính sách của Việt Nam với khu vực và thế giới. Qua hợp tác ASEAN, Việt Nam khẳng định việc lấy đối thoại, hợp tác và luật pháp quốc tế làm công cụ chủ yếu trong quan hệ với các nước, lấy hòa hiếu làm tiền đề để trao đổi và hợp tác. Qua hợp tác ASEAN, Việt Nam chứng minh là đối tác hết sức có trách nhiệm với Cộng đồng ASEAN, với khu vực và thế giới.

Trong năm 2022, với chủ đề Năm ASEAN là “ASEAN hành động cùng ứng phó thách thức”, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp trong các hoạt động, cơ chế hợp tác của ASEAN, trên tinh thần đề cao mục tiêu hòa bình và ổn định, thể hiện trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359782-chang-duong-dong-hanh-voi-asean