Chặng đường khó khăn

Anh và Liên hiệp châu Âu đầu tuần này đã chính thức khởi động cuộc đàm phán đầu tiên về việc Anh rời khỏi EU và điều gì có thể xảy ra sau đó.

Đàm phán Brexit giữa Anh và EU dự kiến sẽ có nhiều khó khăn. Ảnh: Getty

Trưởng đoàn đàm phán châu Âu, ông Michel Barnier, người đến từ vùng núi Savoie của Pháp, trước khi bước vào bàn hội nghị, đã tặng cho Trưởng đoàn Anh David Davis một... chiếc gậy leo núi. Ông Barnier đã rất khéo léo chuyển tải thông điệp rằng, chặng đường trước mắt sẽ không mấy dễ dàng để vượt qua.

Cuộc đàm phán Brexit diễn ra một năm sau khi cử tri Anh lựa chọn phương án rút khỏi EU, và ba tháng sau khi Anh chính thức thông báo về quyết định này.

Mặc dù không có nhiều kết quả cụ thể nào được mong đợi sau cuộc họp đầu tiên này, song đây được cho là bước khởi đầu quan trọng của hàng loạt những phiên họp sẽ diễn ra suốt hai năm tới, quyết định tương lai của nước Anh cũng như sự gắn kết của 27 quốc gia thành viên khác trong khối. Ngày 29-3-2019, dù hai bên có đạt được thỏa thuận hay không, thì nước Anh cũng sẽ chính thức “thoát ly” khỏi EU.

Bước vào phòng đàm phán, ông David Davis, Ngoại trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit cho biết, ông mong đợi một tinh thần tích cực và xây dựng. Anh quyết tâm xây dựng mối quan hệ đối tác “mạnh mẽ và đặc biệt” với “các đồng minh và bạn bè châu Âu”.

Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn EU có những mục tiêu cụ thể hơn: “Trước tiên, chúng ta phải giải quyết những bất ổn Brexit gây ra - đầu tiên là đối với công dân EU, sau đó là với những người thụ hưởng chính sách của EU”.

Theo báo The New York Times, EU muốn giải quyết các vấn đề liên quan tới quyền của công dân hiện đang sống ở Anh và đồng ý về một hình thức trọng tài để giải quyết các vụ tranh chấp. EU muốn Anh phải trả cho khối “một khoản tiền lớn nhưng có thể thương lượng”, có thể từ 40-60 tỉ euro hoặc hơn nữa, kéo dài trong năm năm.

EU nhấn mạnh rằng, chỉ khi nào Brussels thấy Anh thực hiện nghĩa vụ thoát ly một cách đầy đủ, EU mới bắt đầu thảo luận về mối quan hệ với Anh thời hậu Brexit.

Ông Fabian Zuleeg, Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu, một tổ chức có trụ sở tại Brussels, nhận xét EU xác định rất rõ ràng quan điểm của họ tại cuộc đàm phán Brexit, nhưng rất khó để nhìn thấy sự rõ ràng như vậy từ phía Anh.

Điều này có thể thấy qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson, người đề xướng Brexit. Nói với các phóng viên tại Luxembourg hôm thứ Hai, ông Johnson xác nhận sẽ có những thảo luận giữa London và Brussels về tiền bạc và nhiều thứ khác. Nhưng ông nói chung chung: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với chúng tôi bây giờ là phải nhìn về phía chân trời. Tôi nghĩ, về lâu dài, điều này sẽ tốt cho Anh và tốt cho phần còn lại của châu Âu”.

Trong khi đó, Guy Verhofstadt, điều phối viên về Brexit của Nghị viện châu Âu, được The New York Times trích lời cho biết rất rõ ràng: “Thời gian không còn nhiều. Trước hết, cần đạt những tiến bộ trong lĩnh vực quyền của công dân và tạo ra sự đảm bảo pháp lý cho cả người dân và các doanh nghiệp”.

Các nhà quan sát cho rằng, vị trí đàm phán của Anh đang ngày càng yếu đi.

Đối với EU, Brexit không phải là tất cả. Sự ra đi của Anh là một cú sốc lớn, nhưng châu Âu còn nhiều vấn đề khác phải lo, như khủng hoảng người di cư, căng thẳng với Nga và quan trọng hơn nữa là mối quan hệ đang dần trở nên lỏng lẻo với Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump lên nắm quyền.

Châu Âu đang có hàng loạt tin tốt. Kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, sự gia tăng của làn sóng dân túy đang giảm nhiệt. Các quan chức EU đã thở phào nhẹ nhõm sau chiến thắng thuyết phục của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và nhiều dấu hiệu cho thấy bà Angela Merkel sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới để điều hành nước Đức thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong khi đó, về phần mình chính phủ của bà Theresa May đã mất ưu thế đa số tại quốc hội sau cuộc bầu cử sớm do chính bà May kêu gọi. Nữ Thủ tướng từng tự tin rằng cuộc bỏ phiếu sớm sẽ giúp gia tăng quyền lực cho chính phủ Bảo thủ của trước khi bước vào cuộc đàm phán Brexit. Nhưng thực tế đã cho kết quả ngược lại.

Ngày thứ Năm này, bà May đã lên kế hoạch tham dự cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu tại Brussels. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel trong bài trả lời phỏng vấn báo chí hôm Chủ nhật đã tỏ thái độ vừa cảm thông vừa giận dữ với Thủ tướng Anh. Ông cho rằng, bà May đã tự tạo ra một “tình huống khó khăn khi không giành được đa số phiếu và không có chiến lược đàm phán rõ ràng”.

Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ đàm phán công bằng, và công bằng có nghĩa là chúng tôi muốn giữ cho người Anh càng gần với EU càng tốt, nhưng không bao giờ ở mức giá mà chúng tôi phải trả để chia rẽ 27 thành viên EU còn lại”.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/161670/chang-duong-kho-khan.html/