Chặng đường ngành Dầu khí hiện thực hóa mong ước của Người

Qua 65 năm, ngành Dầu khí Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiện thực hóa mong ước của Người.

Từ mong ước của Người…

Ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm khu công nghiệp dầu khí tại Bacu, thủ đô dầu mỏ của Liên Xô lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu…". Câu nói thể hiện mong ước cháy bỏng của Người về tương lai nền công nghiệp dầu khí Việt Nam. Mong ước ấy đã trở thành khát vọng của nhiều thế hệ những người làm công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên mọi miền đất nước.

Ngày 19/06/1981, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được ký kết, đánh dấu sự ra đời của Vietsovpetro - Người điều hành công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam cho đến hiện nay.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn đánh giá: “Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Vietsovpetro là dấu mốc đầu tiên trên chặng đường đất nước chúng ta nỗ lực, quyết tâm hiện thực hóa mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến thăm thành phố Ba Cu vào năm 1959 về việc xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí hiện đại để góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh”.

Cụm nhà giàn của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro trên Biển Ðông. Ảnh: Vietsovpetro

Cụm nhà giàn của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro trên Biển Ðông. Ảnh: Vietsovpetro

Triển khai Hiệp định, ngày 19/11/1981 Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu nghiên cứu tài liệu địa chất, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Nam Việt Nam. Cuối năm 1983, giếng thăm dò đầu tiên, giếng BH-5 được bắt đầu khoan và giữa năm 1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp từ Miocen dưới mỏ Bạch Hổ.

Ngày 26/6/1986, dòng dầu công nghiệp đầu tiên từ thềm lục địa Việt Nam đã được đón nhận. Liên doanh Vietsovpetro đã phát hiện được trữ lượng dầu thương mại tại mỏ Bạch Hổ và nhanh chóng phát triển mỏ này.

Trong vòng hơn 5 năm, những người làm công tác dầu khí ở Vietsovpetro đã biến những tấn dầu trong "sách vở", trong tư duy tưởng tượng của các nhà địa chất thành những tấn dầu hiện thực, từ trong lòng đất, đưa lên hệ thống công nghệ để thu gom, vận chuyển, xử lý thành những tấn dầu thương phẩm, xuất bán và mang về những đồng ngoại tệ quý giá cho đất nước.

Kể từ sự kiện này, sản lượng dầu thô khai thác của Liên doanh Vietsovpetro liên tục tăng chinh phục các mốc mới: Năm 1990 Vietsovpetro đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 5 triệu; vào năm 1992 – 10 triệu tấn dầu, năm 1993 – 20 triệu tấn dầu, năm 1997 – 50 triệu tấn dầu, năm 2001 – 100 triệu tấn dầu, năm 2005 – 150 triệu tấn dầu, năm 2012 – 200 triệu tấn dầu. Đây là những bước tiến khổng lồ đối với một liên doanh có vốn đầu tư ban đầu chỉ 1,5 tỷ USD.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Ngọc Sơn cho biết, trong 43 năm hình thành, xây dựng và phát triển, thành công của Vietsovpetro đã đặt nền móng và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí, điện, đạm tại Việt Nam, tạo nền tảng để ngành Dầu khí có thể phát triển như ngày nay, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước.

“Thành công của Vietsovpetro là minh chứng cho tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và chúng ta có quyền tự hào và tự tin báo công đến Bác, rằng ngành Dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiện thực hóa mong ước của Người”, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói.

… đến điều kỳ diệu, tấn dầu thứ 250 triệu

Bắt đầu từ việc cương quyết bảo vệ luận điểm khoan giếng BH-4 ở phía bắc mỏ Bạch Hổ, với chiều sâu thiết kế đến 3.500 mét, qua bề mặt “móng âm học" đến 400 mét (được dự báo ở chiều sâu 3.100 m). Kết quả đã mở ra 9 tập vỉa cát kết chứa dầu thuộc Oligocen với tổng lưu lượng dầu khi thử vỉa đạt trên 900 m3/ngày.

Từ kết quả tốt ở giếng khoan BH-4, để tiếp tục thăm dò các vỉa chứa dầu bên dưới tập sét D, ở khối Trung tâm mỏ Bạch Hổ đã khoan đồng thời 2 giếng khoan BH-3 và BH-1 với độ sâu thiết kế được hiệu chỉnh gia tăng theo kết quả giếng khoan BH-4, qua bề mặt “móng âm học" từ 100 đến 300 mét nhưng… không thành công.

Không bỏ cuộc, vào đầu năm 1987 Vietsovpetro đã tiến hành khoan giếng BH-6 tại khu vực Yên ngựa, giữa 2 khối nâng phía bắc và trung tâm (khu vực MSP-9 hiện nay). Khi khoan qua mặt móng, giếng khoan đã liên tục mất dung dịch và kết quả thử vỉa vào ngày 11 tháng 5 năm 1987 đã cho dòng dầu tự phun không lẫn nước với lưu lượng gần 500 m3/ngày.

Người lao động Dầu khí khảo sát chân đế giàn MSP, mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Vietsovpetro

Người lao động Dầu khí khảo sát chân đế giàn MSP, mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Vietsovpetro

Sau khi nhận được kết quả từ giếng BH-6, Vietsovpetro đã quyết định sửa giếng và gọi dòng lại tầng móng giếng BH-1. Thành công mỹ mãn đã đến vào sáng ngày 6/9/1988, trong quá trình rửa giếng ở đoạn cuối thì dòng dầu lên mạnh, áp suất đầu giếng khoảng 110 at., lưu lượng không đo được nhưng ước tính có thể lên đến 2.000 tấn/ngày. Giếng khoan lập tức được đưa vào khai thác.

Ngày đó, những người lạc quan nhất cũng không ngờ rằng chúng ta đã phát hiện ra thân dầu lớn nhất Việt Nam, đặc biệt hiếm có trên thế giới với lượng dầu tại chỗ đạt trên 500 triệu tấn, với sản lượng cao nhất đạt tới 12 triệu tấn/năm.

Hàng loạt sự kiện xảy ra về sau đã khẳng định việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công thân dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ Tam ở mỏ Bạch Hổ đã làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới, vô cùng quan trọng ở bể Cửu Long nói riêng và ở thềm lục địa Việt Nam nói chung, đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí thế giới.

Tiến sỹ khoa học Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch HĐTV Petrovietnam chia sẻ, từ năm 1990 khi đất nước còn khó khăn, bị cấm vận, khủng hoảng kinh tế, việc tìm kiếm và khai thác dầu trong đá móng Bạch Hổ không chỉ mở ra một trang mới cho ngành Dầu khí nước nhà mà còn đóng góp quan trọng vào giải quyết khủng hoảng năng lượng sau chiến tranh, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế khởi đầu thời kỳ đổi mới của đất nước.

“Trải qua những năm tháng thăng trầm của hành trình “tìm lửa” gian lao đến nay, có thể khẳng định ngành Dầu khí Việt Nam nói chung, Vietsovpetro nói riêng đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ. Qua đó, xây dựng ngành Dầu khí trở thành điểm tựa quan trọng trong nền kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước”, nguyên Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Phùng Đình Thực đánh giá

Năm 2012, Vietsovpetro đã khai thác được 200 triệu tấn dầu. Để hướng tới cột mốc tấn dần thứ 250 triệu, các cán bộ, người lao động của Vietsovpetro đã chăm chỉ, cần mẫn làm việc, mở rộng thăm dò. Ông Vũ Mai Khanh - Tổng Giám đốc Vietsoveptro - cho biết, để đi đến được cột mốc 250 triệu tấn dầu này, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Liên doanh Việt – Nga đã trải qua 15.700 ngày làm việc tính từ thời điểm thành lập - ngày 19/06/1981 và 13.838 ngày khai thác tính từ ngày khai thác tấn dầu đầu tiên - ngày 26/06/1986.

Và kết quả, vào lúc 18h18 ngày 15/5/2024, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử hoạt động khi khai thác thành công tấn dầu thứ 250 triệu. “Đó là kết quả của những khó khăn, gian khổ, hy sinh và cả mất mát của nhiều thế hệ cán bộ đến từ nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, Liên bang Nga, Azerbaizan. Là sự quan tâm, định hướng hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ 2 quốc gia; của các bộ ngành Trung ương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, ông Vũ Mai Khanh nói.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - nhận định: "Nhìn lại sau sự kiện năm 1959, Bác Hồ đi thăm Bacu và mong muốn Việt Nam có ngành công nghiệp Dầu khí mạnh, đến nay, với sự kiện Vietsovpetro khai thác, đạt được cột mốc 250 triệu tấn dầu, cả Việt Nam đã khai thác khoảng 510 triệu tấn dầu và 230 tỉ m3 khí thì có thể dám nói rằng “chúng ta đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ”. Thành quả đó đem đến những đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, không chỉ về nguồn ngân sách, kinh tế quốc gia, mà còn cải thiện đời sống nhân dân, hình thành kinh tế vùng…".

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chang-duong-nganh-dau-khi-hien-thuc-hoa-mong-uoc-cua-nguoi-343089.html