Chàng IT ở TPHCM biến những gốc tre thô kệch thành tuyệt tác nghệ thuật
Phổ biến khoảng 3 năm trở lại đây, tre bonsai không hào nhoáng, lộng lẫy như những loại bonsai phổ biến khác, nhưng lại thu hút người chơi không chỉ sự mộc mạc, giản dị mà ẩn chứa nét đẹp tinh tế, sâu lắng.
Yếu tố quyết định để tạo nên tuyệt tác tre bonsai
Mỗi cây tre bonsai là một câu chuyện, một hành trình sáng tạo độc đáo mà chỉ những người thực sự đam mê như anh Lê Mạnh Hà (phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) mới có thể cảm nhận được hết ý nghĩa của nó.
Xuất thân từ nghề công nghệ thông tin (IT) nhưng anh Hà lại có niềm đam mê mãnh liệt với cây kiểng. Cũng từ sự đam mê đó, anh đã biến những gốc tre vô tri trở thành những kiệt tác tre bonsai độc đáo khiến ai nhìn vào đều phải trầm trồ, thích thú.
Anh Hà cho biết, mặc dù công việc IT chiếm nhiều thời gian của anh nhưng cứ lúc nào rảnh rỗi anh lại trồng cây, chăm sóc cây trong vườn nhà.
Cuối năm 2021, trong một lần tình cờ anh biết tới cây tre có thể chơi bonsai được vì sự lạ lẫm độc đáo, đặc biệt là phần củ tre nên đam mê khởi phát từ đó.
Anh Hà dò tìm mối quen để mua phôi tre (củ tre) từ những người dân từ ở khắp mọi miền đất nước, chủ yếu là tre rừng. Tuy nhiên trong thời gian bắt đầu với bộ môn tre bonsai, anh đã gặp rất nhiều khó khăn.
“Bình thường tôi nghĩ tre dễ sống nên mua rất nhiều củ tre về trồng. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên trồng bị chết rất nhiều do khâu xử lý bước đầu không được tốt. Đây cũng là vấn đề ai chơi tre bonsai cũng gặp phải, kể cả lúc chọn phôi ban đầu nếu chọn loại tốt thì khả năng sống rất thấp”, anh Hà chia sẻ.
Theo anh Hà, sau khi mua phôi về, anh bắt đầu xử lý cắt bỏ các phần rễ hư, không cần thiết, làm sạch đất để tạo sự thông thoáng.
Một phôi tre đạt tiêu chuẩn để trồng bonsai là không bị hư trong quá trình vận chuyển, bởi nếu phôi khỏe thì khi trồng khả năng sống sẽ cao hơn.
“Phần khai thác và xử lý phôi ban đầu cũng là bước quan trọng nhất trong việc chế tác tre bonsai. Cây sống được hay không là nhờ giai đoạn này, chiếm đến 80%. Còn công đoạn ủ để phôi tre mọc mầm sẽ đơn giản hơn, công thức như những loại cây khác”, anh Hà nói và khẳng định, không chỉ với tre bonsai, với bất cứ một bộ môn nghệ thuật bonsai nào, việc quan trọng và khó nhất là làm sao để cây sống được.
Tiếp theo là giai đoạn định hình tay, tán vì tốc độ phát triển của măng tre rất nhanh, trong vòng 1 tháng đã ra nhánh; nếu để trễ quá sẽ rất khó uốn, tạo hình nên phải thực hiện nhanh việc định hình tác phẩm.
Anh Hà cho hay, thông thường khi mở bọc ra và ủ trong vòng 2 tháng, phôi sẽ bắt đầu ra mầm. Trong thời gian này phải định hình tác phẩm trước để khi mầm mọc tự nhiên sẽ tạo các tác phẩm theo đúng ý tưởng của mình.
Ngoài ra, lúc đưa vô chậu phải chọn lựa kiểu trồng sao cho đẹp nhất và sớm ra rễ mới.
“Nếu bỏ qua tiêu chí độc đáo thì người chế tác tre bonsai sẽ ưu tiên quan tâm yếu tố sức khỏe của phôi. Việc chọn phôi không được già quá, các mắt phôi phải còn nguyên, có thể mọc mầm để tạo tán cây”, anh Hà chia sẻ thêm.
Nuôi dưỡng tinh thần từ tre bonsai
Nếu như những loại bonsai khác đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn chăm sóc, thì tre bonsai lại mang một sức hút đặc biệt bởi khả năng phát triển nhanh và dễ uốn nắn. Tuy nhiên, để tạo ra những dáng thế ấn tượng, người chơi cần phải hiểu sâu về tính cách của từng loại tre và nắm vững kỹ thuật tạo dáng.
Hàng ngày anh Hà đều ra vườn chăm sóc, cắt tỉa tre bonsai
“Sản phẩm tre bonsai đầu tiên được chế tác không quá đặc biệt nhưng khiến tôi rất vui, hài lòng vì sau 6 tháng kiên trì, nỗ lực tôi đã thành công với bộ môn nghệ thuật độc đáo này”, nghệ nhân tre bonsai tự hào.
Càng chơi càng mê, sau đó anh Hà chuyển sang thương mại hóa để nâng tầm, phát triển bộ môn nghệ thuật tre bonsai. Từ lúc bắt đầu đến nay đã chế tác được khoảng 1.000 sản phẩm, vừa chơi vừa kinh doanh, hiện tại vườn của anh đang có khoảng 500 sản phẩm tre bonsai với nhiều hình dáng độc lạ.
Dáng trực là phổ biến nhất, thể hiện sự ngay thẳng và vững chãi, giống như tinh thần của cây tre trong tự nhiên, đó là kiên định trước mọi biến động. Dáng nghiêng lại mang đến sự mềm mại, uốn lượn, gợi lên hình ảnh những cơn gió nhẹ nhàng làm lay động từng chiếc lá, tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát.
Từng thế uốn của tre không chỉ là sự sáng tạo nghệ thuật mà còn là biểu hiện của sự kiên nhẫn. Mỗi lần uốn, cắt tỉa, mỗi lần quan sát cây phát triển theo đúng ý muốn là mỗi lần người chơi cảm nhận được sự thỏa mãn và niềm vui khó tả.
Chơi bonsai, đặc biệt là tre bonsai, không chỉ là sở thích mà còn là một liệu pháp tinh thần tuyệt vời đối với anh Hà. Mỗi lần chăm sóc cây, anh như được bước vào một thế giới khác, nơi chỉ có sự thanh bình, yên tĩnh.
Tiếng lá tre xào xạc trong gió, mùi đất ẩm quyện với hơi sương sớm, và cảm giác khi chạm vào những nhánh tre mềm mại tất cả tạo nên một trải nghiệm đầy thư giãn.
Ngắm nhìn cây tre bonsai phát triển từng ngày, từng nhánh mới vươn lên trong sự chăm chút là một hành trình mang lại sự hài lòng sâu sắc.
Anh Hà chia sẻ, thú chơi này không chỉ giúp anh trút bỏ căng thẳng trong công việc thường ngày, tập trung vào những điều giản dị, gần gũi mà còn giúp anh có thể hái ra tiền.
Việc thương mại hóa những tác phẩm nghệ thuật tre bonsai không chỉ giúp anh tăng thu nhập cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho những người dân vùng sâu vùng xa hàng ngày đi tìm kiếm những phôi tre chất lượng.
Theo anh Hà, tre bonsai hiện đang có giá trị thương mại tương đối ổn, nhưng vẫn phụ thuộc vào chất lượng của phôi tre. Nếu phôi chất lượng, tác phẩm đẹp, chế tác cầu kỳ, tỉ mỉ thì có giá càng cao. Mặc dù vậy, tác phẩm phổ thông bình thường sẽ có giá trung bình từ 1 triệu đồng/tre bonsai trở lên bao gồm cả chậu và phân bón.
“Có những phôi tre độc lạ, quý hiếm được tôi mua về với giá khoảng chục triệu đồng và sẽ tạo ra những tác phẩm có một không hai. Tuy nhiên việc này cũng gặp không ít rủi ro vì nếu phôi chết sẽ mất trắng, và tỉ lệ phôi chết hiện đang rất cao. Do đó chi phí một tác phẩm tre bonsai cũng tỉ lệ thuận với giá phôi, có chậu tre bonsai từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng”, anh Hà cho hay.
Tre bonsai không chỉ là một cây cảnh, mà còn là biểu tượng của sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, giữa sự giản dị và tinh tế.
“Tre bonsai rất có ý nghĩa với tôi, bởi cây tre mang lại cảm giác gần gũi của quê hương với hình ảnh lũy tre đầu làng, nên khi chơi tre bonsai cũng mang lại cho tôi cảm xúc tương tự, như đang ở quê nhà. Bên cạnh đó, tre bonsai cũng mang lại công ăn việc làm cho nhiều người”, nghệ nhân tre bonsai trải lòng.