Chàng kỹ sư có nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chàng kỹ sư Nguyễn Thanh Hải, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã lên mảnh đất Sơn La phục vụ lắp đặt và vận hành các khối tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La, đã có nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học được đưa vào áp dụng, không những làm lợi hàng tỷ đồng cho Nhà nước mà còn góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Chung một dòng sông

Với những đặc điểm dễ nhớ về chàng kỹ sư 39 tuổi khi được tiếp xúc, đó là khuôn mặt hơi xương, mắt sáng, trán cao, hay cười, mái tóc xoăn cuộn bồng bồng khiến không ít người nhầm tưởng anh là nghệ sỹ, còn đồng nghiệp thì gọi đùa là “Giáo sư”. Anh là người thân thiện, hòa đồng, khi làm việc thì yêu cầu tính kỷ luật cao, khoa học. Nhắc đến chuyện nghề, anh trải lòng: Tôi sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất chuyên ngành Lọc - Hóa dầu năm 2004, ngay khi ra trường tôi được vào làm việc ở công ty nước ngoài tại Việt Nam với mức lương ổn định. Tuy nhiên, đây là công ty thương mại đơn thuần không có hoạt động nghiên cứu khoa học, nên tôi đã tìm bến đỗ mới. Năm 2007, tôi thi đỗ vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Công ty thủy điện Sơn La. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi đã nghiêng về mảnh đất Sơn La vì chung dòng sông với quê hương mình, nơi có thủy điện Hòa Bình - thành tựu nổi bật trong sự nghiệp đổi mới, thì ở thượng nguồn đang sục sôi khí thế “Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” dồn sức xây dựng công trình thủy điện Sơn La quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Theo tiếng gọi ấy, năm 2007, tôi quyết định lên mảnh đất Sơn La, phục vụ xây dựng công trình thủy điện Sơn La đang bước vào giai đoạn nước rút. Tôi động viên vợ cùng lên “rau cháo có nhau”, xây tổ ấm ở quê hương thứ 2.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải (người đầu tiên bên trái) nhận Bằng khen của Tập đoàn EVN.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải (người đầu tiên bên trái) nhận Bằng khen của Tập đoàn EVN.

Ảnh: Hồng Hà (CTV)

Trên công trường nắng gió, vất vả nhưng chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Thanh Hải vẫn miệt mài với công việc. Anh tham gia lắp đặt, hoàn thành lần lượt 6 tổ máy Nhà máy thủy điện Sơn La, góp phần đưa công trình Nhà máy thủy điện Sơn La về đích sớm hơn 3 năm so với phê duyệt của Chính phủ. Nhớ nhất là thời khắc lắp đặt tổ máy số 1, anh kể: Hồi đó, toàn công trường thi đua nước rút cho ngày phát điện, mọi công việc phải đảm bảo độ chính xác, an toàn tuyệt đối. Lúc đó, tôi được giao phụ trách công đoạn cấp dầu công nghiệp cho khối tổ máy có công suất 400 MW. Tôi phấp phỏng lo lắng và làm việc quên giờ giấc, cho đến khi toàn bộ 40 m3 dầu tuốc bin được đưa vào khối tổ máy có chứng nhận kết quả thử nghiệm tốt và tổ máy số 1 hòa lưới điện Quốc gia thành công, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, vui mừng khôn xiết.

Ngừng giây lát, anh chùng giọng: Hồi ấy, kỹ sư chuyên ngành lọc - hóa dầu làm việc trong nhà máy thủy điện ít được biết đến, vì không ít người cho rằng chỉ là ngành phụ, ví như “Công trình thủy điện Sơn La là bộ phim kinh điển thì những kỹ sư chuyên ngành lọc - hóa dầu chỉ là diễn viên phụ”. Trong suốt quá trình công tác, anh luôn tự trau dồi kiến thức, ý thức học tập nâng cao trình độ, năm 2013, anh đã tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành lọc-hóa dầu, luôn nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được lãnh đạo Công ty và các đồng nghiệp ghi nhận. Tháng 10/2015, anh được Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ Hóa Dầu, quản lý khối lượng dầu công nghiệp, các hệ thống xử lý nước, các hệ thống lưu trữ và xử lý dầu công nghiệp, thử nghiệm và đánh giá các chỉ tiêu dầu công nghiệp, chẩn đoán sự cố các thiết bị có chứa dầu công nghiệp... để phục vụ vận hành các khối tổ máy do Công ty thủy điện Sơn La quản lý (Nhà máy thủy điện Sơn La và Nhà máy thủy điện Lai Châu). Từ tháng 1/2018 đến nay, anh được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng thử nghiệm Hóa dầu Sơn La, Công ty thủy điện Sơn La, nay là Trung tâm Dịch vụ sửa chữa điện EVN.

Những sáng kiến, giải pháp làm lợi hàng tỷ đồng

Trong quá trình công tác, nhận thấy những bất cập cần phải khắc phục, cộng với niềm đam mê khoa học, anh đã nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để sáng tạo 4 giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng trong Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, không những đảm bảo vận hành an toàn các tổ máy, làm lợi kinh tế hàng tỷ đồng mà còn tác động tích cực trong việc bảo vệ môi trường. Anh coi những giải pháp, sáng kiến mình nghiên cứu ra như những “Đứa con tinh thần”. Quá trình “thai nghén” và phát minh ra sáng kiến, anh đã phải dày công nghiên cứu, thao thức mất ăn mất ngủ.

Giải pháp đầu tay của anh được đưa vào áp dụng 11/2016 là “Nâng cao tính ổn định, hiệu quả và an toàn cho hệ thống dầu tuốc bin - Nhà máy thủy điện Sơn La”, giải pháp đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và khi áp dụng đã làm lợi 2,4 tỷ đồng cho đơn vị. Bản chất của giải pháp này là thay đổi tư duy của sản xuất mang tính thủ công sang hướng hiện đại hóa và định hướng phát triển bền vững, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định không gây rò rỉ dầu ra môi trường; an toàn tuyệt đối trong công tác cháy nổ; hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn lao động, tiết kiệm đáng kể chi phí trong sản xuất.

Thành công giải pháp đầu tiên, như tiếp thêm dầu vào ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, anh tiếp tục hoàn thành nghiên cứu giải pháp “Sử dụng hóa chất cho trạm xử lý nước thải sau sinh hoạt ở cao trình 138 m (độ cao so với mặt nước biển) - Nhà máy thủy điện Sơn La” được đưa vào áp dụng tháng 6/2018, đã làm lợi 141 triệu đồng/năm. Ý nghĩa quan trọng hơn là giải pháp kỹ thuật này áp dụng phù hợp cho hệ thống xử lý nước thải sau sinh hoạt - Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu và các hệ thống xử lý nước thải có quy mô tương tự. Giải pháp được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sáng kiến, đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, lợi ích kinh tế - xã hội, có giá trị trong công tác bảo vệ môi trường.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải trao đổi học thuật với các PGS, TS thuộc Viện Kỹ thuật hóa học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải trao đổi học thuật với các PGS, TS thuộc Viện Kỹ thuật hóa học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

Ảnh: Hồng Hà (CTV)

Tiếp nối thành công tháng 9/2018, anh tiếp tục đưa ra giải pháp thiết kế “Chương trình chẩn đoán khí hòa tan trong dầu máy biến áp và kháng diện”. Theo “cha đẻ” của giải pháp phân tích: Ví như bác sỹ lấy mẫu máu bệnh nhân để xét nghiệm chẩn đoán bệnh thì giải pháp này lấy mẫu dầu trong máy biến áp và kháng điện để xét nghiệm chẩn đoán tình trạng máy móc thiết bị. Giải pháp không xác định được giá trị làm lợi bằng tiền, song khi áp dụng giải pháp đã giúp giảm tải khối lượng tính toán, tăng độ tin cậy của việc chẩn đoán trạng thái làm việc của máy biến áp và kháng điện, góp phần nâng cao độ an toàn, độ tin cậy của thiết bị mang điện và nâng cao độ ổn dịnh lưới điện. Đồng thời, thể hiện nhiều tiện ích hữu dụng trong việc lưu trữ, tra cứu số liệu chẩn đoán, báo cáo.

Sau bao ngày tháng trăn trở nghiên cứu, năm 2018 với anh là năm “bội thu” với việc hoàn thành và đưa vào áp dụng giải pháp thứ 3 trong năm vào tháng 12, đó là giải pháp “Thiết kế thiết bị tách nước lẫn dầu mô hình phòng thí nghiệm”. Giải pháp này là tâm huyết của anh trong công tác nghiên cứu để bảo vệ môi trường, không chỉ áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà có thể áp dụng rộng trong lãnh thổ Việt Nam.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải tham gia hiến máu cứu người.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải tham gia hiến máu cứu người.

Ảnh: Hồng Hà (CTV)

Điểm nổi bật các giải pháp, sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Thanh Hải là được xây dựng trên cơ sở các luận cứ khoa học, lý luận kết hợp với thực tiễn; sử dụng các vật tư có sẵn tại địa phương, thân thiện với môi trường để tạo giải pháp thay thế cho các vật tư phải nhập khẩu hoặc các vật tư không an toàn cho con người. Đặc biệt, 3 giải pháp, sáng kiến mà anh hoàn thành nghiên cứu năm 2018 được Nhà máy thủy điện Sơn La và các đơn vị khác áp dụng đã góp phần tích cực bảo vệ nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho vùng hạ du. Chia sẻ về đam mê nghiên cứu khoa học, “Giáo sư Hải” vẫn đang ấp ủ về loại vật liệu mới, bền vững để sử dụng thay thế hoàn toàn các loại vật liệu đã cũ hoặc suy giảm chất lượng đang tồn tại trong ngành Điện.

Ghi nhận những cống hiến công tác và nghiên cứu khoa học, nhiều năm anh được Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La tặng Giấy khen, năm 2018 được Bộ Công Thương tặng Bằng khen, và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng Bằng khen. Anh thường xuyên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cử tham gia các đoàn chuyên gia đi đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị thủy điện ở nhiều nơi trong cả nước. Anh vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo năm 2019, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xét tặng giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2019. Kỹ sư Nguyễn Thanh Hải thực sự là tấm gương sáng của ngành Điện lực Việt Nam.

Phạm Đức

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chang-ky-su-co-nhieu-giai-phap-sang-kien-khoa-hoc-26369