Nhiều người Trung Quốc dùng đủ cách lách lệnh trừng phạt để có chip AI Nvidia tiên tiến nhất

Nhiều người Trung Quốc đã tìm ra cách để né tránh các biện pháp hạn chế từ Mỹ với chip trí tuệ nhân tạo (AI) Nvidia.

Chính quyền Biden xuất khẩu chip AI tiên tiến của Nvidia (hãng chip có giá trị nhất thế giới đặt trụ sở ở Mỹ) sang Trung Quốc vào năm 2022, nên một số du khách phải buôn lậu chúng thông qua hành lý của họ, trang The Wall Street Journal đưa tin.

The Wall Street Journal đã xem xét hồ sơ, gồm cả hồ sơ hải quan, cho thấy chip AI Nvidia đang được người Trung Quốc mua trong một thị trường ngầm.

Một nhà phân phối ở thủ đô Bắc Kinh nói với The Wall Street Journal rằng ông nhận được hàng tá chip AI Nvidia mỗi tháng và “luôn có cách” để đưa chúng vào Trung Quốc.

Một nhà môi giới khác cho biết anh mua chip AI Nvidia thông qua mối quan hệ cá nhân tại các kênh phân phối chính thức và các nhà tích hợp hệ thống ở Đông Nam Á, trước khi đóng vai trò trung gian cho người mua và xử lý việc vận chuyển.

Nhà tích hợp hệ thống là công ty hoặc cá nhân chuyên thiết kế, triển khai và quản lý các hệ thống phức tạp. Họ kết hợp phần cứng, phần mềm, mạng cùng các thành phần khác để tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh và hoạt động hiệu quả. Các nhà tích hợp hệ thống thường làm việc với nhiều công nghệ và sản phẩm khác nhau để đảm bảo rằng tất cả thành phần trong hệ thống hoạt động cùng nhau một cách mượt mà và tối ưu.

Một phương pháp mà người môi giới sử dụng là không nêu rõ số mẫu chip trên giấy tờ, theo hồ sơ hải quan mà The Wall Street Journal đã xem.

Một số công ty Trung Quốc thậm chí còn dùng đến việc chuyển đổi chip chơi game của Nvidia để chúng có thể cung cấp năng lượng cho các mô hình AI, tờ Financial Times đưa tin.

Nhu cầu về các chip tiên tiến nhất của Nvidia rất cao vì chúng được coi là thành phần quan trọng nhất để đào tạo mô hình AI.

Nvidia là hãng chip AI lớn nhất thế giới, có trụ sở ở thành phố Santa Clara, bang California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Nvidia là hãng chip AI lớn nhất thế giới, có trụ sở ở thành phố Santa Clara, bang California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Nvidia không thể bán trực tiếp chip AI tiên tiến của mình sang Trung Quốc vì lệnh cấm xuất khẩu từ Mỹ.

Hồi tháng 11.2023, Nhà Trắng đã tăng cường các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ đã thực thi Quy tắc về chip điện toán nâng cao, khiến Trung Quốc khó nhập khẩu chip AI từ các nhà sản xuất Mỹ hơn. Tuy nhiên, trang Reuters đưa tin một số trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã mua được chip AI tiên tiến của Nvidia thông qua các đại lý, bất chấp việc Mỹ thắt chặt lệnh cấm bán công nghệ như vậy cho cường quốc châu Á vào năm ngoái.

Một đánh giá của Reuters về hàng trăm tài liệu đấu thầu cho thấy 10 thực thể Trung Quốc đã mua được chip Nvidia tiên tiến tích hợp trong máy chủ do Supermicro (Mỹ), Dell Technologies (Mỹ) và Gigabyte Technology (Đài Loan) sản xuất, sau khi Mỹ vào ngày 17.11.2023 đã mở rộng lệnh cấm để đưa thêm một số chip AI và nhiều quốc gia hơn vào các quy tắc cấp phép.

Cụ thể, các máy chủ này chứa một số chip AI tiên tiến nhất của Nvidia, theo những gói thầu được thực hiện từ ngày 20.11.2023 đến ngày 28.2.2024. Dù Mỹ cấm Nvidia và các đối tác của họ bán chip tiên tiến cho Trung Quốc, gồm cả thông qua bên thứ ba, việc bán và mua chip không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc.

11 người bán các chip Nvidia này là nhà bán lẻ Trung Quốc ít tên tuổi. Reuters không thể xác định liệu họ có sử dụng kho dự trữ để hoàn thành các đơn đặt hàng, trước khi Mỹ thắt chặt hạn chế xuất khẩu chip vào tháng 11.2023 hay không.

Khi được Reuters liên hệ, Nvidia cho biết các sản phẩm được đề cập trong các thông báo đấu thầu đã được xuất khẩu và có sẵn trên thị trường trước khi Mỹ áp dụng quy định hạn chế mới. “Chúng không cho thấy bất kỳ đối tác nào của chúng tôi đã vi phạm các quy tắc kiểm soát xuất khẩu và chỉ chiếm một phần không đáng kể trong số những sản phẩm được bán trên toàn thế giới”, người phát ngôn của Nvidia nói.

Các hãng sản xuất máy chủ Supermicro, Dell Technologies và Gigabyte Technology cho biết đã tuân thủ luật hiện hành hoặc sẽ điều tra thêm.

Những thực thể mua chip AI Nvidia tiên tiến nêu trên có Viện Khoa học Trung Quốc, Viện Trí tuệ Nhân tạo Sơn Đông, Cục Quản lý Động đất Hồ Bắc, Đại học Sơn Đông và Tây Nam, một công ty đầu tư công nghệ thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Hắc Long Giang, một trung tâm nghiên cứu hàng không nhà nước và một trung tâm khoa học vũ trụ.

Không ai trong số bên mua và nhà bán lẻ Trung Quốc trả lời câu hỏi của Reuters về vấn đề này.

Daniel Gerkin, đối tác của công ty luật Kirkland & Ellis có trụ sở tại Washington (Mỹ), nói chip AI Nvidia có thể đã được chuyển hướng sang Trung Quốc mà nhà sản xuất không hề hay biết, do thiếu tầm nhìn về chuỗi cung ứng hạ nguồn. Chuỗi cung ứng hạ nguồn là giai đoạn cuối cùng trong chuỗi cung ứng, gồm tất cả hoạt động liên quan đến việc đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người dùng cuối.

Bộ Thương mại Mỹ nói với Reuters rằng không thể bình luận về bất kỳ cuộc điều tra tiềm năng nào đang diễn ra, nhưng cho biết Cục Công nghiệp và An ninh của họ đã giám sát việc chuyển hướng các chip AI bị hạn chế, tiến hành kiểm tra mục đích sử dụng cuối và các vi phạm tiềm ẩn.

Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ nói các quan chức sẽ điều tra các cáo buộc đáng tin cậy về các hành vi vi phạm, gồm cả việc sử dụng các công ty bình phong.

Nvidia cho hay các hệ thống được xây dựng bằng GPU (bộ xử lý đồ họa) của hãng và được bên thứ ba bán lại phải tuân thủ các hạn chế từ Mỹ. GPU là chip chia tác vụ máy tính thành các phần nhỏ hơn và xử lý chúng cùng nhau.

Người phát ngôn Nvidia cho biết: “Nếu chúng tôi xác định rằng bất kỳ sản phẩm nào sau đó được bán lại vi phạm các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, chúng tôi sẽ làm việc với khách hàng của mình để có hành động thích hợp”.

Supermicro thông báo đã tuân thủ các yêu cầu của Mỹ về việc bán và xuất khẩu hệ thống GPU sang các khu vực và bên yêu cầu giấy phép.

“Nếu chúng tôi biết rằng bên thứ ba đã xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu mà không có giấy phép cần thiết, chúng tôi sẽ điều tra vấn đề và có hành động thích hợp”, Supermicro tuyên bố.

Liên quan đến các gói thầu xác định sản phẩm của mình, Supermicro nói chúng đại diện cho “các máy chủ thế hệ cũ hoặc thông dụng không có khả năng thực hiện các hoạt động AI quy mô lớn nhất hiện có ở Trung Quốc trước các quy định kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ”. Công ty Mỹ này cho biết các nhà cung cấp trúng thầu "không phải là khách hàng được biết đến của Supermicro".

Người phát ngôn của Dell Technologies nói với Reuters rằng công ty "không tìm thấy bằng chứng nào về việc vận chuyển các sản phẩm được cấu hình bằng chip bị hạn chế mà bạn đã liệt kê cho các thực thể nêu trên", nhưng sẽ tiếp tục điều tra.

Người phát ngôn Dell Technologies cho biết: “Các nhà phân phối và đại lý của chúng tôi được yêu cầu tuân thủ tất cả quy định hiện hành trên toàn cầu và quy tắc kiểm soát xuất khẩu. Nếu chúng tôi phát hiện nhà phân phối hoặc đại lý nào không tuân thủ nghĩa vụ này, chúng tôi sẽ thực hiện các hành động thích hợp, gồm cả việc chấm dứt mối quan hệ”.

Gigabyte Technology nói hãng tuân thủ luật Đài Loan và các quy định quốc tế. Thế nhưng, Gigabyte Technology không trả lời các câu hỏi tiếp theo về các cuộc đấu thầu xác định sản phẩm của họ là nguồn cung cấp chip AI Nvidia bị cấm. Cơ quan kinh tế Đài Loan nói họ mong muốn các công ty trên đảo này tôn trọng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Các giao dịch này đã được tiết lộ trong 12 cuộc đấu thầu mà Reuters tìm thấy trên cơ sở dữ liệu công khai, chỉ là một phần nhỏ giao dịch mua sắm của các cơ quan nhà nước Trung Quốc.

Thế nhưng, điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp cận được những chip AI tiên tiến mà các quan chức Mỹ cho rằng có thể hỗ trợ cho các ứng dụng quân sự, chẳng hạn như hiện đại hóa lực lượng phòng thủ Trung Quốc hoặc phát triển vũ khí như tên lửa siêu thanh.

Mỗi giao dịch mua được giới hạn ở một số máy chủ và vài chục chip AI Nvidia bị Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo 7 nhà phân tích và nhà quản lý ngành, chúng có thể hữu ích cho việc đào tạo các mô hình AI và tiến hành nghiên cứu nâng cao.

Các gói thầu có giá trị từ 71.500 nhân dân tệ đến 1,86 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 9.830 đến 260.000 USD) không nêu rõ mục đích sử dụng.

Theo luật pháp Trung Quốc, các cơ quan mua sắm đại diện cho người mua nhà nước hoặc trực thuộc nhà nước phải kiểm tra xem nhà cung cấp có thể hoàn thành hồ sơ dự thầu hay không trước khi được công bố là người trúng thầu và ký kết hợp đồng.

Reuters chỉ phân tích các hồ sơ dự thầu có người trúng thầu được công bố.

Các công ty và cá nhân bị cáo buộc vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có thể phải đối mặt với những hình phạt dân sự hoặc hình sự ở nước này, gồm cả phạt tiền hàng trăm nghìn USD và phạt tù lên tới 20 năm với cá nhân.

Reuters năm ngoái đưa tin rằng hoạt động buôn bán ngầm chip Nvidia đã xuất hiện ở Trung Quốc, cụ thể là tại chợ điện tử Hoa Cường Bắc vào tháng 6.2023, trước khi Mỹ thắt chặt các biện pháp hạn chế. Đến tháng 12.2023, những người bán hàng nói chuyện với Reuters nhiều tháng trước đó đã rời đi. Những người bán hàng khác không biết tại sao họ rời đi.

Hoa Cường Bắc là chợ bán buôn điện tử lớn nhất thế giới ở quận Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhieu-nguoi-trung-quoc-dung-du-cach-lach-lenh-trung-phat-de-co-chip-ai-nvidia-tien-tien-nhat-219137.html