Chàng kỹ sư công nghệ cải tạo đất phèn thành 'cánh đồng trăm triệu' với mô hình dây tiêu ôm cây tràm

Từ một vùng đất nhiễm phèn nặng, trái cây khó phát triển, chàng kỹ sư công nghệ quê Sóc Trăng đã thành công đầu tư, cải tạo biến nó thành cánh đồng trăm triệu.

Đây là câu chuyện của anh chàng 31 tuổi Nguyễn Vũ Phong (ấp Tân Lộc, xã Tân Lâm, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng). Anh nhận thấy rằng ở vùng quê Thanh Trị rất khó trồng các loại cây ăn trái và người dân chủ yếu chỉ trồng các loại tràm, mía, lúa nhưng năng suất cho về lại không cao. Chưa kể rằng, nông dân tại vùng đất này luôn sống trong cảnh được mùa mất giá. Đình điểm là vào năm 2014, mặt hàng mía rớt giá thê thảm khiến người dân thua lỗ nặng và gia đình anh là một điển hình.

Chân dung Nguyễn Vũ Phong - Chàng kỹ sư công nghệ thành công trong việc biến vùng đất phèn thành cánh đồng trăm triệu

Chân dung Nguyễn Vũ Phong - Chàng kỹ sư công nghệ thành công trong việc biến vùng đất phèn thành cánh đồng trăm triệu

Đến cuối năm 2014, anh Phong đã khăn gói lên Đắk Lắk để học hỏi kỹ thuật trồng tiêu từ một người quen. Sau đó anh đã thử nghiệm mua 200 gốc mang về trồng thử và nó phát triển tốt.

Ban đầu anh sử dụng các trụ cắm xi măng cho tiêu leo nhưng chi phí cột trụ này cao nên 150 gốc sau anh cho leo trên cây tràm - giống như cách mà nông dân ở Kiên Giang và Hậu Giang đã làm. Theo anh Phong thì đây là cách làm tiết kiệm được chi phí đầu tư vừa giúp tạo độ che phủ cho vườn tiêu từ đó giúp giảm công tưới nước cho cây. Đồng thời sau vài ba năm thì cũng có thể thu hoạch tràm để tăng thêm lợi nhuận.

Về việc chăm sóc, anh tận dụng nguồn phân bò ở đại phương đem về ủ để bón cho tiêu. Tại xã Tân Lâm có gần 10 nghìn con trâu bò, hàng năm chúng thải ra môi trường mấy chục tấn phân bò chưa xử lý khiến cho môi trường bị ô nhiễm. Việc tận dụng nguồn phân bò này cũng giúp cho các hộ nuôi bò có thêm thu nhập và cây tiêu lại có thêm nguồn phân hữu cơ. Để có thể tạo nên chất lượng phân tốt cho tiêu, anh Phong đã dùng chế phẩm Trichoderma để ủ cho phân. Những phần cỏ mọc quanh gốc tiêu anh tận dụng nó làm thức ăn cho bò, cho cá để có thể tăng thêm các nguồn thu nhập khác.

Để có thị trường tiêu thụ tiêu ổn định, thời gian đầu anh đã mang tiêu của mình đến các chợ huyện để chào hàng. Và để tạo sự tin tưởng cho các tiểu thương cũng như đứng vững tại các thị trường thì anh Phong quan niệm rằng sản phẩm phải chất lượng. Chính vì thế, những sản phẩm của anh đều không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào mà chỉ sử dụng phân hữu cơ. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu các kỹ thuật chăm sóc mới để thu hoạch được tiêu quanh năm và đảm bảo giữ được giá ổn định cũng như xây dựng được sân phơi an toàn. Điều mà chàng trai này hướng đến chính là có thể ứng dụng được công nghệ theo quy trình khép kín, an toàn từ nguyên liệu cho đến thành phẩm.

Mô hình dây tiêu ôm gốc cây tràm

Mô hình dây tiêu ôm gốc cây tràm

Khó khăn anh gặp phải trong quá trình cải tạo đó chính là đợt hạn mặn vào cuối năm 2015 đầu năm 2016 khiến cho 1.400 gốc chết chỉ còn lại mấy trăm gốc và anh đã kiên trì chăm sóc phát triển đến giờ.

Đến nay, chàng trai này đã mở rộng thêm 3.500 gốc trên diện tích 2,5ha trong đó 2.000 gốc đã cho trái. Vào năm 2019, sản lượng tiêu đạt 3 triệu tấn tiêu khô với doanh thu là 420 triệu đồng, trừ các chi phí đi thì tiền lãi anh đạt được là 174 triệu đồng.

Tâm Phạm

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chang-ky-su-cong-nghe-thu-ve-hang-tram-trieu-nho-trong-tieu-33343.html