Chẳng may mất mộ người thân trong gia tiên thì Thanh minh cúng khấn thế nào để chúng ta an lòng
'Cây có cội, nước có nguồn. Con người có tổ, có tông' - nếu chẳng may trong gia tiên bị thất lạc mộ, người mất không còn di thể, mất do thiên tai, loạn lạc... thì Thanh minh cúng khấn thế nào để an lòng cả người sống và theo quan niệm dân gian là an lòng cả 'người đã khuất'.
Chẳng may mộ phần trong gia tiên bị mất dấu thì cúng Thanh minh cách nào?
Người xưa dạy rằng: "Âm phần yên ổn, dương trạch an khang" - vì thế nên mỗi khi vào tiết Thanh minh nhà nhà, người người kéo nhau đi tảo mộ.
Mộ phần tổ tiên là cầu nối linh thiêng giữa con cháu với cội nguồn, là trường năng lượng vô hình âm thầm nâng đỡ phúc phần của cả dòng tộc. Theo phong thủy, "âm siêu dương thái" - mộ phần gia tiên yên ổn sẽ che chở, phù hộ cho cháu con, tác động trực tiếp đến vận mệnh, tiền đồ, sự thịnh suy của hậu thế.
Vậy thì, chẳng may mộ phần tổ tiên bị mất dấu thì cúng Thanh minh cách nào?
Theo dân gian quan niệm, mộ phần mất dấu, hay người thân mất không toàn thây, mất tích nơi biển khơi, rừng sâu, đầm lầy, giữa trận tiền khói lửa, hoặc vì thiên tai, chiến tranh, chết xa xứ không thể tìm được di thể... rất cần con cháu thắp lên lòng hiếu kính nhằm giúp linh hồn người mất được an ủi, được siêu thoát.
Vì thế, người xưa mới lập nên những ngôi mộ gió (mộ chiêu hồn – là những nấm mộ đất tượng trưng và nương vào nghi thức cúng bái và tâm niệm chân thành), để con cháu có chốn gửi gắm tưởng niệm người đã mất. Bởi vì, theo quan niệm tâm linh, người mất đi chỉ mất phần xác, chứ linh hồn thì vẫn tồn tại ở dạng năng lượng khác. Chỉ cần tấm lòng con cháu hướng về thì nơi đâu cũng là mái nhà tâm linh.

Trường hợp không còn phần mộ cụ thể gia chủ nên cúng lễ tại nhà trong tiết Thanh minh. Ảnh internet
Thanh minh không còn mộ cúng ở nhà vẫn trọn vẹn hiếu nghĩa
Theo chuyên gia phong thủy Hà Thanh, trong trường hợp không còn phần mộ cụ thể – vì bị thất lạc, là mộ gió, hoặc không thể tìm thấy thi thể... thì nên cúng lễ tại nhà trong dịp Thanh minh.
Biện lễ cúng Thanh minh tại nhà
Lễ vật tại nhà biện mâm cúng thanh đạm, hoa quả sạch sẽ, tinh khiết, thắp nén nhang thơm, gửi lời thưa thỉnh nhẹ nhàng, chân thành... là đủ để kết nối với cõi vô hình.
Nếu biết khu nghĩa trang xưa kia từng an táng tổ tiên, nhưng không biết chính xác vị trí, con cháu có thể tới đó bày lên ban thờ quan Thần linh (vị thần cai quản vùng nghĩa địa đó) bánh trái, hoa quả... rồi thắp hương khấn:
"Vì mất mộ, nên con cháu không tảo mộ phần gia tiên dịp Thanh minh được.
Nay tới nơi nghĩa trang có phần mộ tổ tiên từng an táng, kính cẩn lễ quan Thần linh nơi đây, nguyện nhờ Ngài dẫn truyền tâm ý, lời tưởng nhớ của chúng con tới (cụ A, cụ B…)."
Đồng thời, đọc văn khấn quan Thần linh tại khu nghĩa trang – như một lời trình tấu trang nghiêm, nhờ các vị trấn giữ nơi ấy làm cầu nối giữa cõi trần và cõi thiêng. Nếu là khu nghĩa địa, không có ban thờ Thần linh riêng thì gia chủ mang theo bàn, chọn nơi cao ráo bày lễ và khấn cúng.

Nếu biết nghĩa trang nơi từng an táng tổ tiên tiết Thanh minh con cháu có thể tới đó bày lên ban thờ quan Thần linh bánh trái, hoa quả tinh sạch rồi thắp hương khấn: Ảnh internet
Lưu ý
Ngày nay, nhiều người không dâng lễ mặn tại ban Thần linh để giữ thanh tịnh nơi nghĩa địa. Thay vào đó, mâm cúng Thanh minh hãy bày biện nơi thờ cúng tổ tiên ở nhà, nơi tổ tiên vẫn ấm áp trong trái tim những người còn sống, bởi vì "Cây có cội, nước có nguồn. Con người có tổ, có tông".
Dẫu mộ phần không còn, chỉ cần còn lòng hướng về tổ tiên, thì mọi nghi lễ đều trở nên linh thiêng. Không cần nơi chốn cụ thể, chỉ cần tâm nguyện thành kính, tổ tiên ắt sẽ thấu và che chở. Bởi vì, tấm lòng hiếu đạo chưa từng phụ thuộc vào một nấm mộ, mà phụ thuộc vào cách con cháu tưởng nhớ về với tất cả yêu thương và tri ân.
* Thông tin và ảnh trong bài mang tính tham khảo và minh họa.