Chàng sinh viên Thủy Lợi mồ côi cha mẹ tự tin vào đời
Lê Văn Mạnh, sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học - Khoa hóa và Môi trường, trường Đại học Thủy Lợi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, đã không ngừng cố gắng đạt nhiều thành tích cao trong học tập và tự tin vào đời.
Là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thế nên, tôi đã đi làm thêm từ năm nhất đại học. Công việc không chỉ giúp tôi thu được nhiều điều bổ ích mà còn học được cách nhẫn nhịn và kiên trì tạo cho bản thân một thói quen tốt. Thói quen bình tĩnh, không hấp tấp hay vội vàng trong xử lý các công việc khác.
Mẹ mất từ khi tôi chưa đầy 5 tuổi, em gái lúc đó mới được hơn 2 tuổi, ký ức về mẹ của chúng tôi không có gì, vì lúc đó còn quá nhỏ. Bố tôi gà trống nuôi con, cố gắng nuôi dưỡng và dạy dỗ 2 anh em. Nhưng, vào năm 2016 (năm tôi thi kỳ thi THPT Quốc Gia) bố tôi đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, cuộc sống đi vào bế tắc và sụp đổ hoàn toàn. Anh em chúng tôi ở với bà Nội (khi đó bà 85 tuổi). Trước khó khăn đó tôi nghĩ rằng tôi nên nghỉ học để kiếm một việc làm, còn có đồng trang trải cho cuộc sống bản thân, và lo cho em gái.
Tuy nhiên, trước sự động viên của rất nhiều người trong gia đình, thầy cô đến bạn bè thì tôi đã quyết định nộp hồ sơ vào Trường Đại học Thủy lợi, ngành Kỹ thuật Hóa học - Khoa Hóa và Môi trường. Thật may mắn! Tôi đã trúng tuyển vào ngành học mà mình yêu thích. Nghe được tin đỗ Đại học, thường thì mọi người sẽ rất vui, còn riêng với tôi, tôi không biết mình nên vui hay nên buồn nữa. Nghĩ tới 4,5 năm học Đại học lòng tôi lại nặng trĩu xuống và bắt đầu trăn trở, đặt nhiều câu hỏi rằng: không biết có nên đi học tiếp không? Đi học thì ai sẽ là người lo cho mình? Còn em gái mình thì sao? Nếu đi học được sau này xin việc kiểu gì?...
Bằng sự quyết tâm và động lực vươn lên để thoát nghèo tôi đã quyết định đi học. Đại học Thủy lợi là một ngôi Trường mà tôi hằng mong ước được bước chân vào, có trang thiết bị và cơ sở vật chất tốt, các phòng thí nghiệm đều đạt chất lượng cao, thư viện khang trang, chất lượng đào tạo chuẩn. Khi nhập học, thật may mắn tôi đã được một cô trong tổ tuyển sinh biết về hoàn cảnh của mình và có hướng dẫn cho tôi nộp hồ sơ xin học bổng của gia đình bác Lê Văn Kiểm- “Học bổng Lê Văn Kiểm và Gia đình”, bằng số tiền có từ quỹ học bổng tôi dùng nó để trang trải vào việc học.
Khó khăn tiếp theo khi bước chân vào Đại học là một ngưỡng cửa mới đối với tôi, kiến thức quá nhiều, gấp 2 - 3 lần ở THPT mà tôi học. Năm nhất là năm học đại cương, điểm của tôi không được tốt, các môn đều chỉ đủ điểm qua nên tôi dần chán đi việc học của mình. Năm 2,3,4 tôi được học cùng lớp và bắt đầu chia chuyên ngành, được sự giúp đỡ tận tình và chu đáo của các thầy cô Bộ môn Kỹ thuật Hóa học - Khoa Hóa và Môi trường, các bạn bè cùng trang lứa và đặc biệt là sự động viên của gia đình, tôi đã dần dần cải thiện kết quả học tập của mình.
Duy trì kết quả học tập và kết quả rèn luyện nên tôi được nhận “Học bổng Lê Văn Kiểm và Gia đình” trong 2 năm tiếp theo (2018, 2019), số tiền đó cũng giúp tôi đóng học phí và trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, tôi có đi dạy gia sư và làm phục vụ tại 1 quán đồ ăn chay nên cũng có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống. Ngoài việc học tập và rèn luyện trên trường ra tôi còn tham gia các hoạt động xã hội để giúp bản thân trưởng thành hơn cụ thể như: Hiến máu tình nguyện, Làm tình nguyện viên của Quỹ Khát Vọng từ năm 2016 - 2020, Tham gia trại hè thường niên của quỹ Khát Vọng (tổ chức vào Tháng 7 hàng năm) trong vòng 1 tuần, Tham gia làm TNV cho giải chạy VPBank Hà Nội Marathon (năm 2019),…v.v.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ông trời cũng không phụ lòng người, 4,5 năm Đại học đã kết thúc với sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, cùng với sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô trong trường, bạn bè ; Đặc biệt là sự giúp đỡ của các Thầy cô Bộ môn Kỹ thuật Hóa học, tôi đã cầm trong tay tấm bằng Kỹ sư Hóa (bằng Khá).
Trong năm cuối đi thực tập được sự phân công của cô Trường, ngành tôi được xuống công ty TNHH Kính kỹ thuật Luminous (Việt Nam) - Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Xã Phùng Xá, Huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội để thực tập, trải qua 2 tháng thực tập cộng với 3 tháng làm đồ án tốt nghiệp thì sau khi tốt nghiệp tôi đã được công ty giữ lại để làm việc chính thức . Sau 2 tháng thử việc thì vào tháng 3/2020 em đã được nhận là nhân viên chính thức tại Bộ phận Kỹ thuật sản xuất. Đối với một sinh viên mới ra Trường đã có công việc làm luôn tôi rất vui mừng và phấn khởi. Trong quá trình làm việc họ khen quá trình đào tạo của Trường Đại học Thủy Lợi nói chung cũng như ngành Kỹ thuật Hóa học nói riêng rất tốt, đào tạo gắn liền với thực tiễn.
Là một người trẻ tôi nghĩ trước tiên cố gắng sống tốt cho bản thân mình, cho gia đình mình và như vậy xã hội sẽ tốt đẹp lên, cương quyết nói không với các cám dỗ và các tai tệ nạn xã hội. Làm nhiều việc thiện; tham gia các công tác thiện nguyện; động viên, chia sẻ và giúp đỡ những ai có hoàn cảnh khó khăn. Cá nhân có tốt thì sẽ lan tỏa được đến nhiều người lúc đó cộng đồng sẽ tốt và xã hội sẽ thay đổi.
Thành tích trong học tập
Năm học 2017-2018:
1. Tham gia "Hội thi Olympic sinh viên Toàn quốc lần thứ X-2018" đạt giải Ba (Bảng B) Toàn quốc.
2. Đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trường.
Năm học 2019-2020:
1. Tham gia nghiên cứu khoa học "Hội nghị Khoa học tuổi trẻ lần thứ 33" năm 2020 với đề tài "Điều chế thủy tinh lỏng từ tro trấu và nano kẽm oxit ứng dụng sản xuất sơn silicat" do TS. Lê Thu Hường hướng dẫn và đạt giải Khuyến khích cấp Khoa.
2. Tham gia "Olympic Hóa học cấp Trường" đạt giải Khuyến khích.
Kinh nghiệm:
1. Đi dạy gia sư năm nhất và năm hai Đại học.
2. Làm phục vụ tại 1 quán đồ ăn chay.