Chàng trai 9X khởi nghiệp thành công với hơn 7000 cây dâu 'hiếm', giá bán hàng triệu đồng/ký
Từ 40 gốc dâu Bạch Tuyết, Minh Thịnh khởi nghiệp thành công, nhân rộng lên hơn 7.000 cây dâu, giá bán từ 800.000 - 1.600.000 đồng/ký.
Vốn là một sinh viên Đại học Luật TP. HCM, song, anh Đỗ Minh Thịnh (25 tuổi, ngụ TP. Đà Lạt) từ lâu đã ấp ủ cho mình niềm yêu thích về trồng trọt. Năm 2019, sau khi tốt nghiệp Đại học, Thịnh đã quyết định về quê để trồng rau hữu cơ với vốn 20 triệu đồng.
Chàng 9X khởi nghiệp thành công từ 40 gốc dâu "hiếm".
Bài liên quan
Bộ KH&CN: Đẩy mạnh phát triển sách về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Bỏ làm kỹ sư công nghệ, chàng trai khởi nghiệp thành công với nghề làm chuông gió “chữa lành”
Bỏ nghề đạo diễn phim hoạt hình, chàng trai 9X khởi nghiệp thành công bằng việc làm tiêu bản xác động vật
Doanh nghiệp khởi nghiệp vượt khó trong đại dịch
Quá trình làm nông nghiệp, chàng trai 9X từng tiếp xúc với nhiều bạn bè có kinh nghiệm trong nghề nông. Trong lần ghé thăm vườn của một người bạn cùng nghề, Thịnh có cơ hội ăn thử dâu Bạch Tuyết. Cảm thấy vị dâu rất ngon và có nét độc đáo hơn các loại dâu khác trên thị trường, Thịnh quyết định tìm hiểu.
May mắn được tặng 40 gốc dâu Bạch Tuyết, đầu năm 2021, anh Thịnh liền bắt tay vào trồng thử.
Minh Thịnh tự tìm hiểu cách trồng, bón phân, đắp luống,...
“Thời gian đầu thì khó khăn nhiều vô kể, vì tôi bắt đầu một thứ rất mới, lại còn đi ngược với mọi người nên gần như không có thuận lợi nào. Từ vốn, giống cây, kỹ thuật chăm sóc, thời tiết, đóng gói, bảo quản đến đầu ra,.. mọi thứ thực sự rất khó khăn”, chàng trai nghề nông chia sẻ.
Tuy nhiên, với niềm đam mê trồng trọt, Thịnh đã sáng tạo ra cách trồng khác biệt. Thay vì trồng trong lồng kính như những người khác, Minh Thịnh muốn là người tiên phong đưa loại dâu này ra trồng ở ngoài trời. Mục đích là để giúp dâu dễ hấp thụ ánh sáng tự nhiên, giảm đi tác động của hiệu ứng nhà kính.
Loại dâu Bạch Tuyết là loại rất khó trồng.
Chưa từng được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào về trồng trọt, chàng trai 9X tự mày mò, tham khảo khắp các diễn đàn để tự học cách bón phân, cải tạo đất, đắp luống cao cho cây. Trồng Bạch Tuyết phải làm luống cao 40cm, phân được trộn lẫn vào đất. Người trồng dâu phải phủ một lớp cỏ trên gốc để làm mát và lót một lớp lưới đen để quả không chạm đất, dẫn tới hư hỏng.
Được biết, dâu Bạch tuyết là loại cực kỳ khó trồng, khó chăm sóc, chi phí đầu tư cao nhưng năng suất lại thấp. Tuy nhiên, bù lại vị dâu khi đủ nắng thì độ chua là 0%, vị ngọt thanh, màu dâu khi chín là ửng hồng rất đặc biệt.
Là loại khó trồng, nhưng dâu Bạch Tuyết có vị ngọt thanh, độ chua là 0%.
“Mỗi người trồng đều có kỹ thuật riêng, về phần tôi thì sẽ không thu trái hoặc nhân cây con cùng 1 thời điểm. Và các thời điểm để lặt lá dâu, cắt trái, dưỡng trái cần được diễn ra đúng thời điểm để trái dâu đạt được chất lượng cao. Một điều quan trọng khác là dinh dưỡng cây hấp thụ, dòng dâu này khi hấp thụ phân bón hữu cơ thì trái sẽ ngon ngọt hơn”, Thịnh nói.
Trồng ngoài trời dễ bị tổn thương nên loại dâu "hiếm" này phải được chăm sóc đặc biệt, theo dõi sát sao.
Thịnh cho biết, trồng ngoài trời thì trái dâu rất dễ tổn thương (không kiểm soát được lượng mưa). Đặc tính của dòng này là dâu mềm nên vào mùa mưa trái sẽ hư tầm hơn 90%, người trồng dâu phải lặt bớt lá cho thoáng cây, kiểm soát được phần nào sự lây lan của sâu bệnh trong mùa. Vì thế, Thịnh thường thu hoạch trái dâu vào mùa nắng và nhân cây con vào mùa mưa để tránh việc cây bị dập, nát, chết rũ không rõ nguyên nhân.
Được theo dõi sát sao, chăm sóc kỹ lưỡng, dâu Bạch Tuyết có thể cho thu hoạch liên tục trong khoảng 2 tháng. Từ 40 cây đầu tiên cho vài chục trái, Minh Thịnh nhân giống lên 3.000 cây. Đến tháng 7/2021, chàng trai mở rộng thêm 200 m2 đất, đầu tư 50 triệu đồng vào phân bón, làm luống,…
Sau hơn nửa năm khởi nghiệp, vườn dâu đã được mở rộng khoảng 200 m2.
Dâu Bạch Tuyết sẽ được bán theo kích thước, giá dao động từ 800.000 – 1.600.000 đồng/kg. Cứ hai ngày, Thịnh thu hoạch 1,5-2 kg quả đẹp, có quả nặng đến 20g. Tính đến hiện tại, vườn dâu của Thịnh phát triển với hơn 7.000 cây dâu, thu được khoảng 40kg.
“Tôi chú trọng nhiều vào chất lượng hơn sản lượng. Đây là loại dâu cao cấp, nên cứ thu hoạch 4kg thì tôi phải bỏ 2kg, chọn những quả to căng mọng hơn. Nhiều khách lần đầu tiên thấy và thử loại này, họ khá ngạc nhiên với màu sắc của nó. Hương vị thì được đánh giá cũng rất cao”, chàng trai 9X kể.
Không chú trọng vào sản lượng, anh Minh Thịnh luôn chọn lựa những quả dâu to mọng nhất cho khách hàng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, dù chưa “dám” nhận bản thân đã thành công, Minh Thịnh vẫn cảm thấy phấn khích và hài lòng.
“Nhớ nhất là lúc ăn trái dâu Bạch Tuyết đầu tiên mà chính bản thân trồng. Vì ăn thử ở những nơi khác nó đã rất ngon, nhưng khi được cầm trên tay những trái dâu đầu tiên và do bản thân trồng được thì cảm giác rất khác. Cảm giác như mình đã chinh phục được 1 mục tiêu trong cuộc sống vậy”, Minh Thịnh cười nói.
Ngoài mùi vị đặc biệt, dâu Bạch Tuyết còn có màu sắc độc đáo, thu hút.
Hiện tại, sản phẩm dâu Bạch Tuyết của Minh Thịnh hầu như “cháy hàng” vì không đủ cung cấp ra thị trường. Trong thời gian sắp tới, chàng trai 9X dự tính sẽ mở rộng mô hình trồng dâu, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nhằm nâng cao vị thế sản phẩm nội địa.