Chàng trai Cuba đến 'chụp ảnh bụi' ở Việt Nam

Eloy Rodriguez đứng trước mặt tôi nhoẻn cười. Cậu cao đến nỗi tôi phải ngước lên nhìn, và gầy, tóc bềnh bồng trên khuôn mặt thơ trẻ rất thân thiện, đôi mắt sâu lấp lánh, vầng trán thông minh và nụ cười tỏa sáng khuôn mặt.

Tác phẩm của Eloy chụp tại Hà Nội

Tác phẩm của Eloy chụp tại Hà Nội

Tác phẩm của Eloy

Tác phẩm của Eloy

Chiều hôm trước tôi nhận được vài dòng tin nhắn trên FB Messenger từ Mayra - chị bạn Cuba mà tôi thân như chị gái - đại để: “Chị có cháu nuôi vừa mới sang Việt Nam để gặp người yêu và chụp ảnh. Cháu là nhà nhiếp ảnh và muốn được gặp một số nghệ sĩ và trí thức Việt Nam. Em giúp cháu...” kèm theo số điện thoại của cậu. Tôi gọi điện ngay. Cậu hồ hởi: “Chúng ta có thể gặp nhau bất cứ ngày nào trong tuần” . Tôi gọi điện cho anh trai tôi, họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn, người đầu tiên tôi muốn đưa cậu đến gặp. Anh sắp xếp được thời gian ngay sáng hôm sau, lại mời thêm được vài người bạn nữa, may sao!

Trên đường vào nhà anh, tôi hỏi cậu xem tôi có thể phát âm cái tên Eloy của cậu thế nào cho đúng, cậu bảo “Hãy gọi tôi là Lợi!”, hay chưa! Cậu bảo cậu mới sang Việt Nam được một tuần, nhưng đã có vài người bạn Việt Nam và họ gọi cậu như thế.

Ngồi vào bàn, cậu xin phép hỏi ngay anh tôi vài câu về hội họa, về công việc sáng tác, về mối liên kết tinh thần giữa họa sĩ và đất nước... Rồi cậu xin phép lên xưởng vẽ để chụp ảnh. Đồ nghề của cậu là một chiếc máy ảnh rất cổ kính đôi chỗ bong tróc như đã dạn dày chinh chiến, một chiếc nữa mới hơn nhưng vẻ cũng đã khá phong trần, một thiết bị đo ánh sáng cũng cũ. Trong lúc này thì đạo diễn truyền hình Cao Mạnh, nghệ sĩ quay phim Trần Hùng và nhà văn - họa sỹ Lê Anh Hoài cũng đến.

Câu chuyện rất rộn ràng, tự nhiên và thân mật ngay lập tức. Eloy xin phép đặt ra một số câu hỏi: “Các anh thấy cuộc sống của người nghệ sĩ Việt Nam như thế nào?”, hoặc “Tác phẩm của các anh có được sáng tác theo ý thích cá nhân không?”, “Tác phẩm tâm đắc nhất của anh là gì?” “Nghệ thuật Việt Nam đã có những chuyển biến như thế nào từ thời chiến sang thời bình”... Những câu hỏi của Eloy đưa ra chủ yếu xoay quanh nghệ thuật, khá bao quát và khó có thể trả lời ngắn gọn được trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp. Thế nên cuộc vấn đáp đã nhanh chóng chuyển sang thể ngẫu đàm, các nghệ sĩ đàn anh nhiệt tình chia sẻ với cậu những quan điểm và kinh nghiệm thú vị về chuyên môn. Cậu cũng hào hứng bày tỏ rằng, theo cậu khi sáng tác là người nghệ sĩ tương tác với nhân vật/mẫu. Như khi chụp ảnh một nhân vật thì cái khiến cậu chụp là cảm xúc mà nhân vật đó mang lại cho cậu và khi bấm máy cậu cũng mang lại cho nhân vật đó một cảm xúc nhất định (vui thích, chẳng hạn). Đó là thứ tình cảm cho và nhận, vậy nên đó là mối tương giao của tình cảm, của hành động. Giống như nhân vật đang cố gắng thâm nhập vào thế giới của nghệ sỹ và nghệ sỹ cũng đang cố gắng thâm nhập vào thế giới của nhân vật. Hay như khi cậu chụp phong cảnh cũng thế...

Trong lúc trò chuyện, anh Trần Hùng, với con mắt nhà nghề của một nghệ sĩ quay phim - nhiếp ảnh, tỉ mẩn xem xét từng chiếc máy ảnh của cậu với vẻ thích thú. Cậu tự hào khoe cái máy ảnh cổ hơn là máy Rolleiflex và cái máy đo ánh sáng đều có tuổi đời khá dài, cái còn lại là máy Leica, cũng khá cũ. Cậu cho biết: “Ở Cuba tôi mua những máy ảnh cổ như thế chỉ vài chục đô-la, song là máy đã hỏng và tôi phải tự tháo ra sửa và tự chế những linh kiện thay thế bên trong. Máy ảnh tôi đang dùng chụp phim đen trắng song ở Cuba rất khó kiếm được phim, ở Việt Nam tôi đã tìm được chỗ mua nhưng giá phim khá đắt nên tôi chỉ mua mười cuộn và cho phép mình chụp tối đa mỗi ngày một cuộn thôi”. Rồi cậu nói thêm chuyến đi Việt Nam này của cậu phải tự túc nên cậu không thể chi tiêu nhiều hơn cho vật tư chụp ảnh. Tôi lặng người, bấy giờ tôi mới hiểu vì sao cậu chụp rất dè sẻn bằng chiếc máy ảnh ấy.

Trước khi đi ăn trưa, cậu xin phép hỏi câu cuối cùng: “Xin hỏi mọi người nghĩ thế nào về tình yêu nam nữ ạ?” mọi người, tất nhiên, cười ồ bảo cậu họ đã hết tuổi để nghĩ đến tình yêu nam nữ rồi. Song cậu hồn nhiên khẳng định tuổi như chúng tôi ở Cuba là còn trẻ lắm.

Eloy năm nay hai mươi hai tuổi. Cậu kể, mười tám tuổi đã tự lập, tự kiếm sống và đi học. Theo thông tin từ một bài viết trên website của Thái Hà Books mà chị Mayra gửi, tôi được biết cậu đang theo học ở Viện nghệ thuật Institute of Superior Art, Academy of Cuban Arts San Alejandro, và cậu sang đây với dự định hợp tác với Thái Hà Books làm một triển lãm ảnh về Hà Nội. Cậu khiêm tốn bảo cậu “chỉ là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đường phố (street-life)”.

Trong bữa ăn, Eloy hỏi mọi người về nhân vật Võ Thị Thắng - nữ anh hùng của Việt Nam, do được truyền cảm hứng từ bà mà cậu đang dự định làm một phim ngắn về người phụ nữ Việt Nam, những nhọc nhằn đau khổ mà họ đã gánh chịu trong chiến tranh và sự hi sinh thầm lặng của họ. Đề tài này dấy lên một cuộc tranh luận với nhiều câu hỏi “tại sao”, để rút cục chúng tôi hiểu ra rằng bà Võ Thị Thắng trong những lần công du tới Cuba đã quảng bá rất thành công hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Khi các bậc đàn anh chia sẻ kinh nghiệm về xu hướng thời đại trong phim ảnh, cậu bảo rằng cậu có nhận thấy xu hướng đó nhưng vẫn muốn làm phim classic đen trắng dành cho những người từng trải qua chiến tranh có một thời để nhớ. Tuy có quan điểm về nghệ thuật khá là khác nhau song tình cảm với nghệ thuật của Eloy đã chạm tới trái tim tất cả những nghệ sỹ ở đây. Câu chuyện lúc ấy đi theo nhiều chiều, tiếng cười ròn rã xen tiếng guitar và những bài hát quen thuộc, trong đó có bài “Guantanamera” (“cô gái Guantánamo”). Mùi xì gà La Habana và những ly rượu màu hổ phách khiến bầu không khí có chút Cuba.

Giữa đám nghệ sĩ sôi nổi, Eloy thật khiêm nhường và lịch thiệp. Mọi người khen cậu đẹp như giai Ý hay Tây Ban Nha mà không giống người Cuba. Cậu cười bảo mọi người tinh quá vì quả thực mẹ cậu gốc xứ Catalan Tây Ban Nha và cha cậu gốc Ý, tuy vậy cậu chưa đến những quốc gia đó bao giờ. Chúng tôi tiếp cậu với tất cả sự nồng hậu của nước chủ nhà, với tất cả lòng yêu mến bè bạn Cuba đã chia sẻ với Việt Nam những năm tháng chiến tranh gian khổ. Sau bữa ăn tôi thả bộ cùng cậu đi ngắm cây cầu Long Biên lịch sử này. Trên đường, chúng tôi ghé qua Cột Cờ Hà Nội, Cửa Bắc thành cổ và nhà thờ Cửa Bắc. Trên suốt quãng đường này tôi mới có thời gian để trò chuyện với cậu. Cậu kể cậu có bạn gái người Việt ở Hà Nội, rằng đôi bạn quen nhau khi bạn cậu học ở Cuba, và cậu đã đi mất trọn hai ngày đêm mà trong đó có chín tiếng đồng hồ cậu vật vạ transit ở Mát-xcơ-va. Tôi ngạc nhiên: “Sao không tìm một hãng hàng không khác có thời gian bay ngắn hơn?”, Eloy đáp “Đó là tuyến bay rẻ nhất có giá vé khứ hồi 1.300 đô-la Mỹ mà tôi có thể chi trả” và cậu kể một điều khiến tôi khá kinh ngạc là lương của một cán bộ cao cấp của Cuba hiện thời chỉ bằng ba mươi đô-la Mỹ một tháng. Để có tiền thực hiện chuyến đi này cậu đã phải làm tất cả mọi việc có thể - “kể cả những việc ở đường phố” - trong một thời gian khá dài. Eloy cũng băn khoăn vì Việt Nam đang có dịch Covid-19, song cậu đã vượt qua tất cả để đến nơi đây. Cậu thuê một phòng home - stay ở khu vực Hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa, Hà Nội) giá hai trăm đô-la Mỹ trọn gói cho ba tuần ở. Tôi hỏi: “Cậu có bạn ở Việt Nam, sao bạn cậu không giúp cậu chí ít là chỗ ở không phải thuê cho đỡ tốn kém?” cậu ngạc nhiên nhìn tôi mà rằng “Sao tôi có thể làm phiền hay nhờ vả bạn tôi chứ?”. Ừ mà quả thật tôi quên điều mặc nhiên giản dị này, những người bạn Cuba đã luôn cho tôi thấy lòng tự trọng rất cao của họ.

Bạn gái cậu cũng vừa đến, trông cô nhỏ nhắn và hoạt bát, rất niềm nở dễ chịu. Cô tên Thanh. Thanh từng học đại học ở Cuba. Tôi hỏi cô bé khá nhiều về cuộc sống ở Cuba, và biết được rằng ở đó vẫn tồn tại chế độ tem phiếu, gạo vẫn mua phân phối theo tiêu chuẩn, người Cuba hầu hết vẫn đi làm nhà nước và đồng thời dạy thêm hoặc làm thêm cho doanh nghiệp hoặc tổ chức khác. Song toàn dân kể cả người nước ngoài làm việc và học tập ở đó đều được hưởng chăm sóc y tế miễn phí, và người dân Cuba khá lạc quan. Cuộc sống ở đó tuy không quá khó khăn song cũng không phải dễ dàng, y tế và dược phẩm đáp ứng được nhu cầu căn bản, nhưng có những thứ thực phẩm (trứng hay cà chua chẳng hạn) có thể vài tháng không nhìn thấy, internet là xa xỉ vì giá thẻ 3G khoảng từ bảy đến mười đô-la Mỹ chỉ dùng được mấy ngày, còn nếu vào khách sạn có wifi thì phải trả tiền phí dùng mỗi giờ khoảng hơn một đô-la Mỹ, mà sóng thì yếu, tốc độ thì chậm. Tôi nhìn đôi bạn trẻ mà lòng rưng rưng, yêu xa đã là trở ngại dù là trong thời đại 4.0 này, mà yêu xa ở một đất nước bị cấm vận như Cuba thì trở ngại không biết đến đâu. Eloy, trái lại, ngồi rất thanh thản bên cạnh chúng tôi, không gợn chút đăm chiêu nào trên nét mặt trẻ thơ với nụ cười rất dễ lây, trông cậu hạnh phúc chẳng khác gì hoàng tử bé đã gặp lại bông hồng của mình ở tiểu hành tinh B612 - chẳng gì thì cậu cũng đã vượt nửa vòng trái đất từ Cuba đến Việt Nam.

Chuyện trò với Eloy khiến tôi không ngớt ngạc nhiên. Ở lứa tuổi hai mươi, cậu đã có hầu như đầy đủ mọi kiến thức cần thiết về văn hóa, lịch sử và mỹ học. Hơn hết, cậu hiểu rõ nghệ thuật mà cậu đang đeo đuổi, và cậu đủ bản lĩnh để phiêu du một chuyến đến một xứ sở không quen ở đầu kia trái đất. Tôi thầm so sánh cậu với lứa con trai hai mươi của Hà Nội quen được bố mẹ chăm chút từng li từng tí, vẫn “ăn chưa no lo chưa tới”. Tôi nghĩ bà mẹ Cuba của cậu đã thành công hơn tôi trong việc nuôi dạy một thanh niên nên người. Vậy nên, cho dù tình trạng của đất nước ấy thế nào, nền tảng văn hóa-xã hội của nó ắt hẳn phải là tốt đẹp.

Cuba, đất nước tôi chưa từng đến bao giờ, nhưng những người bạn Cuba đến Việt Nam đã khiến tôi vô cùng yêu mến đất nước ấy. Họ là những con người nồng nhiệt, chân thành, lạc quan, đầy sức sống. Và nói thế này có vẻ hơi trừu tượng nhưng là sự thật, họ có lý tưởng, họ giống như “hoa hồng mọc trên tro tàn”. Nếu một ngày kia bạn bỗng gặp một thanh niên nước ngoài tuổi trạc đôi mươi tiến đến chào bạn và tự giới thiệu: “Tôi từ Cuba đến”, bạn đừng ngạc nhiên nhé, hãy dành cho người bạn ấy những tình cảm tốt đẹp nhất.

Về nhà tôi nhận được thêm vài dòng trên FB Messenger từ Mayra, chị thường viết tiếng Việt không dấu nên tôi chuyển thành tiếng Việt có dấu nguyên văn thế này: “Chị cảm ơn em. Cháu là một người [mà] chị và con Malu (Malu là tên cô con gái chị) của ta rất quý. Em sẽ có thể đánh giá và hiểu thêm một phần nữa về người Cuba của chị là người như thế nào. Chị coi em là một người thông minh và chị rất mong em cũng biết về đất nước và con người xa lạ từ quê hương chị. Chị đã được hiểu và yêu quê em... và rất biết ơn những gì chị đã được từng sống. Hai đất nước ta thì cách xa nhất về địa lý... nhưng ai hiểu sao có thể gần như thế nào về tinh thần”.

Ôi Mayra, chị của tôi! Tôi quen chị năm 1976 khi tôi học cấp 3 Thăng Long còn chị học tiếng Việt tại khoa Ngôn ngữ Đại học Tổng hợp. Bấy giờ, sinh viên nước ngoài của khoa này sống trong khu ký túc xá Đại học Bách khoa. Nhóm chúng tôi năm đứa cùng lớp gồm tôi, Lan, Loan, Thủy, Vân đã gặp nhóm năm anh chị sinh viên Cuba gồm chị Mayra (được thầy giáo đặt tên tiếng Việt là Hiền), anh Raul (Việt), anh Eladio (Nam), chị Mariam (Hòa), và chị Alicia (Huệ) trong khuôn viên Đại học Bách khoa. Chúng tôi lập tức trở thành bạn thân vì sự nồng nhiệt của các anh chị, và rồi hầu như ngày nào các anh chị cũng đón chúng tôi trên đường tan học về, dạy chúng tôi những từ tiếng Tây Ban Nha đầu tiên như chào hỏi, dạy chúng tôi hát, và tất nhiên là thực tập nói tiếng Việt với chúng tôi. Tình bạn rất thắm thiết cho đến lúc các anh chị tốt nghiệp và về nước. Sau này các anh chị khác hầu như không quay lại Việt Nam, trừ chị Mayra đã sang làm việc ở Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam một số nhiệm kỳ và thỉnh thoảng chị cũng sang Việt Nam cùng những đoàn ngoại giao hoặc quân sự cao cấp, nên chúng tôi đã may mắn có nhiều dịp gặp lại nhau. Chị là người rất trí tuệ, khoáng đạt, nồng ấm và chân tình, câu chuyện về người chị gái Cuba mến yêu này khi có dịp tôi sẽ kể tiếp.

Nhà nhiếp ảnh trẻ và tác giả bài viết

Nhà nhiếp ảnh trẻ và tác giả bài viết

Takya Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/chang-trai-cuba-den-chup-anh-bui-o-viet-nam-1631823.tpo