Chàng trai ' đưa' hàng ngàn liệt sỹ về nhà

Những năm gần đây, trên sân khấu các sự kiện lớn, luôn có sự góp mặt của chàng trai Phùng Quang Trung trưởng nhóm Skyline khi trao những bức ảnh thần thái sắc nét tận tay các gia đình liệt sỹ. Phía sau mỗi tấm ảnh cũ mờ hoen ố, là cả cuộc đời của một người anh hùng tuổi đôi mươi đã ngã xuống vì quê hương, đất nước. 'Nhờ có công nghệ, ta như được gặp lại người thân của mình thêm 1 lần nữa', Trung nói…

Phùng Quang Trung - Trưởng nhóm phục dựng ảnh Skyline - nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: L.Trinh)

Phùng Quang Trung - Trưởng nhóm phục dựng ảnh Skyline - nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: L.Trinh)

6.000 bức hình anh hùng, liệt sỹ được tô điểm từ ký ức hào hùng

Phùng Quang Trung, sinh năm 1996, quê Hải Dương, vốn là nhân viên marketing. Một sự tình cờ trong thời gian COVID 19, Trung đã quyết định gác lại công việc và theo đuổi đam mê phục dựng ảnh, bắt đầu hành trình mang hình ảnh liệt sĩ trở về với gia đình. Sau 4 năm, nhóm Skyline do Phùng Quang Trung thành lập đã phục dựng được hơn 6.000 tấm ảnh của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.

Những tấm hình đầu tiên được Trung và nhóm hoàn thành năm 2021, hỗ trợ gia đình có người tử vong do COVID-19. Khoảnh khắc người thân của những người đã khuất tại TPHCM ôm chầm di ảnh, òa khóc, đã để lại nhiều cảm xúc trong tâm trí chàng trai trẻ Phùng Quang Trung.

Còn nhớ, tấm hình đầu tiên Trung thực hiện phục dựng ảnh liệt sỹ từ lời đề nghị của một người cháu, mong muốn phục dựng bức ảnh của bác mình là liệt sĩ đã hy sinh kháng chiến chống Mỹ.

Sau ba đêm bắt tay thực hiện, Trung đã đến tận nơi trao gửi bức ảnh cho gia đình. Cầm bức hình trên tay, thân nhân của liệt sĩ đó không kìm nén được nước mắt, những giọt nước mắt của của sự mãn nguyện và hạnh phúc khi hoàn thành được tâm nguyện của người ở lại. Hình ảnh ám ảnh đó gây xúc động khôn nguôi với Trung.

Từ đó, hàng chục rồi hàng trăm thân nhân liệt sĩ nhắn gửi gắm hỗ trợ để phục hồi các di ảnh. Năm 2021, nhóm Skyline ra đời, cả nhóm khi ấy là những bạn trẻ từ nhiều công việc khác nhau trên mọi miền Tổ quốc đã thống nhất làm ảnh vào ban đêm để thuận lợi cho công việc từng người.

Năm 2021-2022, nhóm Skyline đã phối hợp với nhiều tỉnh Đoàn triển khai hàng loạt kế hoạch phục dựng di ảnh liệt sĩ từ những tấm ảnh đen trắng cũ, mờ nhòe, bị rách. Và rồi các chương trình như “Tết liệt sĩ” (Nghệ An), trao tặng ảnh liệt sĩ Võ Thị Sáu cho nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo); tặng ảnh phục dựng 10 nữ TNXP Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), 13 liệt sĩ Truông Bồn (Nghệ An)…Và năm 2024 là các chương trình: “Ngày trở về” (Hải Dương), “Nét ảnh vượt bão” (Làng Nủ, Lào Cai); “Tô màu ký ức”, phục dựng ảnh 65 liệt sĩ Biệt động Sài Gòn trưng bày tại Bảo tàng Biệt Động Sài Gòn Gia Định, Phối hợp với bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam trao tặng và trưng bày bức ảnh “Lễ trao quân hàm cho cán bộ cấp cao toàn quân ngày 22/12/1958” và một số ảnh quý, cung cấp tư liệu cho bảo tàng làm triển lãm cho nhân dân cả nước.…

Ngoài ra, nhóm phối hợp với Điện Ảnh Quân Đội thực hiện sản xuất bộ phim tư liệu “Linh Ảnh” , bộ phim nói về nhóm bạn trẻ phục dựng ảnh đi khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Bộ phim sau đó được trao giải Cánh Diều Vàng...

Với Trung, mỗi tấm ảnh phục dựng là một câu chuyện cảm động, thiêng liêng. Năm 2017, một đám cưới đặc biệt diễn ra tại Quảng Ninh để hoàn thành ước nguyện của vợ chồng liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm. Người thân gia đình đã đem di ảnh của liệt sĩ Lượng tới nhà gái, trao lại để cạnh di ảnh liệt sĩ Chiêm rồi rước di ảnh cô dâu về nhà trai theo nguyện vọng của hai liệt sĩ.

Từ câu chuyện cảm động đó, nhóm Skyline đã phục dựng bức ảnh rước dâu mô phỏng theo di ảnh. Và rồi, nhóm Skyline cùng tỉnh Đoàn Quảng Ninh trao tặng bức ảnh cưới 2 liệt sĩ nhân dịp Lễ khởi động Tháng Thanh niên 2025 vừa qua.

Đó là câu chuyện của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngách (110 tuổi, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) và cụ Đặng Văn Tiền (114 tuổi) với ước nguyện cuối đời mong các con trở về, cùng bố mẹ ngồi chung mâm cơm đoàn viên. Trung và cộng sự đã mô phỏng bữa cơm gia đình Mẹ Ngách cùng 2 con trai. Dù chỉ còn ảnh cũ của liệt sĩ Đặng Văn Bằng (SN 1947), qua miêu tả của người thân, nhóm Trung đã phục dựng chân dung liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc (SN 1936, con cả của Mẹ Ngách) ngồi chung mâm cơm đoàn viên với bố mẹ. Và bức ảnh lớn “Bữa cơm bên mẹ” được treo trước giường ngủ để mẹ Ngách hằng ngày được ngắm các con. Thỏa ước nguyện, mẹ Ngách cùng các con xúc động ôn lại những kỷ niệm cùng 2 liệt sĩ...

Bức ảnh Bữa cơm bên mẹ được nhóm Skyline kỳ công phục dựng (Ảnh: NVCC)

Bức ảnh Bữa cơm bên mẹ được nhóm Skyline kỳ công phục dựng (Ảnh: NVCC)

Giữa hè năm 2024, nhóm các bạn trẻ tới thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lũy (102 tuổi, ở huyện Nam Sách, Hải Dương). Dù mắt mờ, tay run nhưng khi thấy di ảnh chân dung 2 con trai là liệt sĩ Nguyễn Bá Đường (1945-1969) và Nguyễn Bá Trưng (1959-1979), Mẹ Lũy như tinh tường, minh mẫn hơn. Luôn tay dùng khăn lau di ảnh màu mới, Mẹ Lũy nghẹn khóc: “Hai thằng con trai tôi đây rồi, con tôi đẹp trai quá”. Nhớ lại khoảnh khắc tiễn con lên đường, Mẹ Lũy kể, bữa cơm cuối cùng ngày lên đường, con trai mẹ chỉ dám ăn một ít, rồi bảo nhường phần cơm còn lại cho các em...

“Như con, cháu hoàn thành tâm nguyện cho người thân trên quê hương Việt Nam”

Trong nhiều chương trình, “Đón Anh trở về quê hương” là hoạt động thường niên của nhóm. Theo Quang Trung, sau hàng nửa thế kỷ, khó nhất là phục dựng những bức ảnh liệt sĩ mà không có ảnh gốc, điều này đòi hỏi Trung và các thành viên phải dành rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu thật kỹ từng chi tiết và trao đổi với gia đình.

Dựa vào hình ảnh của người thân có đặc điểm, đường nét khuôn mặt tương đồng với liệt sĩ nhất, nhóm bắt tay phác họa lại bản thô, từ đó tạo bàn đạp để phục dựng di ảnh một cách chân thực nhất, mà theo Trung là “những bức hình không tưởng”.

Theo Phùng Quang Trung, mỗi bức ảnh ẩn chứa một cảm xúc, thậm chí cả cuộc đời một con người. Do vậy, nhóm luôn chú tâm vào khắc họa đôi mắt, làm sao lột tả được đúng thần thái của anh hùng liệt sỹ, là yếu tố quan trọng quyết định “cái hồn” của bức hình.

Ngoài ra, niềm hạnh phúc của Trung và các thành viên trong nhóm khi thực hiện công việc này chính là trao tận tay những bức hình được phục dựng đến gia đình của liệt sĩ. Trung bồi hồi xúc động: “Cảm giác chúng tôi đã đang mang một ai đó trở về, đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm xa cách. Đặc biệt, với những gia đình không tìm được hài cốt của liệt sĩ đã hy sinh, bức ảnh đó là niềm động viên, an ủi quý giá”...

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 Phùng Quang Trung (Ảnh: L.Trinh)

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 Phùng Quang Trung (Ảnh: L.Trinh)

Trên chặng đường tri ân đầy ý nghĩa ấy, có một câu chuyện mà Phùng Quang Trung quá đỗi bất ngờ.. Vào tháng 10/2024, Trung nhận phục dựng ảnh của một gia đình liệt sĩ có Mẹ Việt Nam anh hùng đang trong tình trạng nguy kịch ở Bắc Giang.

Dù vậy, Mẹ liên tục gọi tên người con đã hy sinh của mẹ. Liên hệ với Trung, gia đình Mẹ Việt Nam Anh Hùng tha thiết mong có một bức ảnh chung của Mẹ với người con trai liệt sĩ đã hi sinh. Trước nguyện vọng tha thiết ấy, vượt qua cơn mệt nhoài sau chuyến đi thực hiện dự án ở Làng Nủ (Lào Cai) hậu bão Yagi thời điểm đó, Trung quyết định hoàn thành ngay trong đêm và gửi ảnh cho gia đình.

Ngay sáng hôm sau, Trung nhận được cuộc gọi của gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng báo tin vui bất ngờ. Sau khi nhìn bức ảnh phục dựng, Mẹ đã dần hồi phục, trò chuyện và ăn uống được.

Chứng kiến khoảnh khắc trọn vẹn ấy, Phùng Quang Trung cùng nhóm Skyline càng trân trọng cảm nhận rõ hơn những giá trị tốt đẹp mình đang theo đuổi. Trung nhận ra, không đơn thuần là một bức ảnh, đó là nguồn sống, là liều thuốc tinh thần đối với Mẹ.

Và mỗi người mẹ, sau nhiều năm tháng thương nhớ, tới khi như ngọn đèn trước gió, hình hài con trai họ, những liệt sỹ được trở “ về nhà” theo nhiều cách khác nhau, vẫn luôn là niềm khắc khoải khôn nguôi...

Hành trình phục dựng di ảnh của các anh hùng, liệt sĩ của Phùng Quang Trung và nhóm Skyline dù chưa dài, nhưng giờ đây các thành viên như một người con, người cháu thân thích, mang tấm ảnh của cha, của ông về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Trung cảm nhận và thấm thía hơn bao giờ, mỗi anh hùng, liệt sĩ hy sinh đã trở thành một phần máu thịt của dân tộc, tạo nên dải đất hình chữ S ngày hôm nay.

Bởi thế, Phùng Quang Trung luôn trăn trở làm sao phát triển đội ngũ lớn mạnh hơn, phục dựng được nhiều di ảnh và trao tận tay tới các gia đình liệt sĩ trong thời gian sớm nhất. Bởi đối với những Mẹ Việt Nam anh hùng, thời gian là hữu hạn.

Nhóm luôn đau đáu mong sao có thêm nhiều quỹ thời gian để tiếp tục cố gắng thực hiện dự án, kịp thời tri ân đến các Mẹ. Dù có nhiều trường hợp, cả nhóm đã nỗ lực ngày đêm, nhưng không kịp hoàn thành ước nguyện tặng ảnh liệt sĩ vì Mẹ Việt Nam anh hùng đã mất.

Lúc đó, tất cả lặng đi, nuối tiếc vì không thể chiến thắng được thời gian để lỡ hẹn và luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa, không để điều nuối tiếc xảy ra lần nữa...

Trong thời gian tới, nhóm Skyline sẽ tiếp tục thực hiện các dự án phục dựng ảnh với quy mô lớn hơn. Đồng thời, nhóm đang tích cực tìm hiểu và nghiên cứu về công nghệ AI để thực hiện những thước phim lịch sử.

Trung khẳng định, các thành viên sẽ không ngừng nâng cao trình độ, trau chuốt những tác phẩm đó để tái hiện chi tiết, chân thực những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc...

Và hành trình ấy luôn là những phút giây ngưng đọng đầy xúc động, thiêng liêng, nghẹn ngào không nên lời khi những mất mát hy sinh, những nỗi đau khắc khoải dồn nén, khi người thân nhận lại những di ảnh liệt sỹ, các anh đã “trở về”, từ trái tim trân trọng, biết ơn của những người trẻ như thế.

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chang-trai-dua-hang-ngan-liet-sy-ve-nha-post549590.html