Chàng trai khiếm thị làm giàu từ mô hình nuôi gà H'mông

Mất đi hoàn toàn ánh sáng của đôi mắt từ khi lên 15 tuổi nhưng không vì vậy mà thế giới của anh Phạm Khả Hà sinh năm 1982 ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, trở nên u tối vì anh đã sớm có cho mình ý thức và nghị lực sống tự lập từ nhỏ. Theo năm tháng, chàng trai ấy không ngừng cố gắng phát triển bản thân, nuôi dưỡng niềm đam mê khởi nghiệp, muốn làm giàu trên chính quê hương mình. Từ nhiều ý tưởng, cuối cùng anh Hà đã chọn lựa và mạnh dạn phát triển chăn nuôi gà H'mông. Trời không phụ công người, đến nay, hướng đi này đã mang lại cho Phạm Khả Hà hiệu quả kinh tế cao, giúp anh từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống.

Từ nhỏ, anh Hà đã cảm nhận sự bất thường của đôi mắt khi ban ngày nhìn thấy sự vật rất mờ. Nỗi âu lo của cha mẹ anh ngày càng tăng sau những lần đi học, con trai không thể tìm thấy đường về. Mắt anh cuối cùng chỉ còn lại khoảng đen u tối nhưng anh quyết tâm tập luyện, tự bước đi, tự chăm sóc bản thân. Dẫu vậy, cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng với người khiếm thị. Việc học của anh đành bỏ dở, những trang vở phải gấp lại ở năm học lớp 9. Lớn hơn một chút, anh Hà phụ giúp cha mẹ làm những việc nhỏ trong nhà... Tuy nhiên, ý chí, nghị lực trong tâm hồn của chàng trai trẻ thuở ấy không hề vơi cạn. Không nhìn thấy ánh sáng, anh sử dụng sự thính nhạy của đôi tai, sự khéo léo của đôi tay và lập trình một trí nhớ tốt để lao động.

Không chịu khuất phục số phận, anh Phạm Khả Hà (thôn Đồng Tâm, xã Đồng Du) dù khiếm thị nhưng vẫn quyết tâm phát triển kinh tế, cho thu nhập cao.

Không chịu khuất phục số phận, anh Phạm Khả Hà (thôn Đồng Tâm, xã Đồng Du) dù khiếm thị nhưng vẫn quyết tâm phát triển kinh tế, cho thu nhập cao.

Từ kinh nghiệm trong chăn nuôi của gia đình, năm 2001, anh Hà mạnh dạn vay vốn từ người thân, bạn bè để xây dựng gia trại nuôi gà. Anh Hà nhớ lại: Ban đầu tôi chỉ nuôi gà ri, gà tam hoàng, gà lai chọi… Sau này, khi biết tới giống gà H’mông- giống gà quý hiếm; có đặc điểm thịt, xương đen, chắc và thơm; cho năng suất đẻ trứng cao, nên tôi đã tìm hiểu và nuôi thử. Từ số lượng 200 con gà H’mông ngày đầu nuôi thử nghiệm, đến nay trang trại của tôi đã phát triển, duy trì hơn 8.000 con gà đẻ.

Anh trăn trở hằng đêm suy nghĩ, rồi nhờ bạn bè đưa đi thăm các mô hình phát triển trang trại, gia trại trên địa bàn huyện để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi gà lấy trứng; cách phòng bệnh và chăm sóc gà sao cho tốt nhất. Đồng thời, thường xuyên nghe những chương trình về kỹ thuật chăn nuôi để rút ra kinh nghiệm; trong đó, đặc biệt chú trọng tới khâu chọn giống, nhập giống ở những nơi uy tín, chất lượng và kỹ thuật chăm sóc cho đàn gà... Không chỉ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin đúng định kỳ, hệ thống chuồng trại nuôi gà cũng được anh Hà thiết kế thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Định kỳ 2 tháng/lần, anh Hà nhờ người thân thay trấu, rải men vi sinh, nhờ đó toàn bộ phân gà thải ra được vi khuẩn phân giải, giảm thiểu công vệ sinh chuồng trại mà vẫn luôn thoáng mát, sạch sẽ. Để tăng sức đề kháng cho đàn gà, anh thường bổ sung thêm các vitamin, men vi sinh… cho gà qua uống nước. Khi gà được khoảng khoảng 60 – 70 ngày tuổi, anh bắt đầu hạn chế cho ăn để tránh tình trạng gà bị quá trọng lượng làm giảm tỷ lệ đẻ trứng. Được 4 – 5 tháng tuổi là gà bắt đầu đẻ trứng. Trung bình anh Hà thu được từ 1.000 – 2.000 quả trứng/ngày, mỗi quả trứng có giá dao động từ 2 – 3 nghìn đồng/quả.

Nói về bí quyết làm giàu, anh Hà cho hay, trước tiên không được trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác mà phải cần cù, chăm chỉ làm việc và phải thật tiết kiệm, không chi tiêu lãng phí. Khi chưa có kinh nghiệm thì nên nuôi ít, dần dần có kinh nghiệm thì mình tăng dần về số lượng. Những lúc chăn nuôi không thuận lợi, đàn gà mắc dịch bệnh phải tiêu hủy, anh vẫn không nản chí. Sau mỗi thất bại, anh lại tích lũy được kinh nghiệm để hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có. Nhiều người dân địa phương chứng kiến sự thành công của anh trên con đường vượt lên số phận đều không khỏi ngạc nhiên về nghị lực phi thường của anh. Sau khi trừ các khoản chi phí, hiện gia trại của anh mỗi năm thu về khoảng 300 - 350 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho hai lao động với mức lương 4 – 5 triệu đồng/tháng. Dự định trong thời gian sắp tới, anh sẽ phát triển số lượng đàn gà khoảng 10.000 con.

Ngoài việc phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình, anh Phạm Khả Hà còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn, chủ động quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ những người khiếm thị khác; tận tình trao đổi kinh nghiệm cho những người đồng cảnh ngộ có động lực phát triển kinh tế. Bà Phạm Thị Dung, Chủ tịch Hội Người mù huyện Bình Lục cho biết: Người xưa có câu “Giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay”. Tuy mất đi một trong những giác quan nhạy bén đó, nhưng anh Phạm Khả Hà vẫn nỗ lực vươn lên để cuộc sống của mình thực sự có ý nghĩa hơn. Có thể nói anh Hà là tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó, không chịu khuất phục với số phận; tích cực giúp người khiếm thị có thêm động lực để học tập và noi theo.

Bùi Linh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/chang-trai-khiem-thi-lam-giau-tu-mo-hinh-nuoi-ga-h-mong-147708.html