Chàng trai khuyết tật có 2 bằng đại học, bỏ phố về quê lan tỏa văn hóa đọc

Tốt nghiệp đại học ngành luật và sư phạm toán, chàng trai khuyết tật Nay Y Krư (sinh năm 1991, xã Cà Lúi, Sơn Hòa, Phú Yên) quyết tâm bỏ phố về quê lan tỏa văn hóa đọc.

Vượt lên nỗi đau khuyết tật

Nay Y Krư sinh ra trong một căn nhà đơn sơ giữa núi rừng xã Cà Lúi, bốn mùa gió thổi. Trải qua bao khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống nhưng Krư vẫn giữ nguyên vẹn niềm đam mê học thật nhiều để về phục vụ cho quê hương.

Tuổi thơ khi bắt đầu biết làm quen với con chữ, Krư gặp phải biến cố lớn về sức khỏe khiến chân phải của Krư co rút, gia đình đã chạy chữa khắp nơi vẫn không khỏi. Người thân của anh buồn thương trào nước mắt, chỉ dám mơ một ngày anh đi đứng bình thường như những bạn cùng trang lứa.

Năm tháng tuổi thơ đi qua trong khốn khó, Krư dần hiểu ra căn bệnh của mình khó có thể chữa khỏi cũng như điều kiện còn nhiều khó khăn của đồng bào vùng sâu huyện miền núi Cà Lúi nên anh càng cố gắng học tập.

Thư viện Nắng Mai - nơi hàng ngày Nay Y Krư đón nhiều lứa tuổi học sinh đến đọc sách miễn phí

Thư viện Nắng Mai - nơi hàng ngày Nay Y Krư đón nhiều lứa tuổi học sinh đến đọc sách miễn phí

Nhớ về những ngày tháng đã qua, Krư bộc bạch: "Ở chốn non sâu này, vui nhất là lúc nhá nhem tối, các bạn như tôi chạy nhảy nô đùa thỏa thích, tôi thì đi lại rất khó khăn. Nhưng mà không thể nản chí được nên hàng ngày tôi tập luyện, dần dần cũng có thể đi lại, tuy không được như người bình thường do chân phải bị co rút, ngắn hơn chân trái 5cm. Suốt thời thiếu niên, để xua đi nỗi mặc cảm, tôi luôn tự nhủ với mình là phải vươn lên không ngừng nghỉ. Bản thân là người khuyết tật, lại sinh ra trong gia đình nghèo, sống ở vùng cao, gia đình lại có 3 anh em nên tôi thấu hiểu hơn ai hết nỗi thiếu thốn lớn nhất nơi đây là vấn đề đọc sách và học tập. Tôi quyết tâm vào học ngành sư phạm toán (trường Đại học Quy Nhơn).

Krư (áo xanh thứ 2 từ phải qua) tặng sách cho các tủ sách cộng đồng

Krư (áo xanh thứ 2 từ phải qua) tặng sách cho các tủ sách cộng đồng

Học xong ngành sư phạm toán, Krư lại tiếp tục vào Đại học Thái Bình Dương ở Khánh Hòa để học ngành luật học. Anh quan niệm, học làm thầy rồi lại hiểu biết thêm luật nữa thì sẽ về quê nhà tư vấn, giúp được nhiều người mở mang kiến thức hơn.

Hoàn thành học tập, chàng trai khuyết tật Krư cầm 2 tấm bằng đại học về quê nhà làm việc trong một công ty truyền thông ở huyện Sơn Hòa.

Miệt mài lan tỏa văn hóa đọc

Giám đốc công ty truyền thông nơi Krư làm việc là anh Nguyễn Bá Nha cũng có chung đam mê như Krư nên anh Nha đã lập nên thư viện tư nhân Nắng Mai với hàng ngàn cuốn sách các loại để phục vụ miễn phí cho cộng đồng người dân ở Sơn Hòa, Phú Yên.

Krư tặng quà cho các em nhỏ ở vùng sâu có hoàn cảnh khó khăn

Krư tặng quà cho các em nhỏ ở vùng sâu có hoàn cảnh khó khăn

Krư chia sẻ, có thư viện tôi rất sung sướng vì hàng ngày được đón tiếp nhiều tầng lớp người dân đến đọc sách. Lúc rảnh rỗi thì tôi lại dành thời gian để tư vấn các kiến thức bổ ích cho người dân, nhất là khơi dậy khát vọng học tập của các em nhỏ trên địa bàn.

Số tiền thù lao nhận được từ việc tổ chức các sự kiện, in ấn các băng rôn, sách, pa-nô…một phần Krư để trang trải cuộc sống, một phần anh dành dụm mua sách tặng các thư viện, tủ sách ở các thôn, làng. Với những hộ gia đình quá khó khăn, Krư lại vận động thêm các mạnh thường quân hỗ trợ, tăng quà để những gia đình này vượt qua giai đoạn ngặt nghèo.

Bản thân đi lại khó khăn, hàng tháng nhận trợ cấp của Nhà nước dành cho người khuyết tật 540 ngàn đồng nhưng anh vẫn dành tất cả thời gian rảnh rỗi để lan tỏa văn hóa đọc

Bản thân đi lại khó khăn, hàng tháng nhận trợ cấp của Nhà nước dành cho người khuyết tật 540 ngàn đồng nhưng anh vẫn dành tất cả thời gian rảnh rỗi để lan tỏa văn hóa đọc

Hạnh phúc với những việc làm của mình, Krư tâm tình: "Tôi cùng với giám đốc công ty của mình là anh Nguyễn Bá Nha đều xác định, lan tỏa văn hóa đọc được đến càng đông đảo người dân ở huyện miền núi Sơn Hòa càng tốt. Đã có hàng chục trường học được chúng tôi tặng sách cho trường, tặng học bổng cho học sinh nghèo với mong muốn các em sẽ không bỏ học giữa chừng, có kiến thức về làm giàu đẹp cho quê hương. Khơi dậy được khát vọng học tập cho mỗi người là niềm vui lớn nhất với chúng tôi".

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chang-trai-khuyet-tat-co-2-bang-dai-hoc-bo-pho-ve-que-lan-toa-van-hoa-doc-169230617112421335.htm