Hoàng Mạnh Chiến rèn dao như một người nghệ sĩ. Anh là số ít người tại Việt Nam dám thử sức với những kỹ thuật của nghề rèn, làm ra loại thép rèn được tương truyền như một huyền thoại, mở ra một hướng đi mới cho nghề rèn làng Đa Sỹ.
Xã hội
Hoàng Mạnh Chiến (SN 1992) là một người con của làng nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội). Lớn lên cùng với những nhát búa từ lò rèn của người chú, Chiến đã sớm yêu thích nghề rèn. Tới nay, Chiến đã là một thợ rèn trẻ tuổi và là một trong những người hiếm hoi tại Việt Nam làm ra được loại thép Damascus huyền thoại. Đây là loại thép tạo ra những cây dao thủ công nổi tiếng đắt đỏ và siêu quý hiếm. Loại thép này vốn xuất phát từ Trung Đông, sở hữu những đặc tính siêu việt. Kỹ thuật rèn loại thép này đã thất truyền từ thế kỷ XVII. Cho đến nay, thép Damascus tuy được các nhà khoa học nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể tái tạo lại được toàn bộ nguyên bản. Vì thế, thép Damascus vẫn là một trong những bài toán chưa có lời giải đối với khoa học hiện đại.
"Tôi từ nhỏ đã thích nghề rèn. Lớn lên, tôi theo học cao đẳng nghề rồi làm quản lý sản xuất cho một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, tôi vẫn thích được quay về làm nghề rèn. Thời điểm bị giãn cách do dịch Covid-19, tôi trở về nhà ở Đa Sỹ rồi quyết định bỏ hết để theo nghề rèn. Tôi học lại và rèn tay trong 6 tháng tại lò rèn của chú rồi bắt đầu đi hướng riêng. Đây cũng là thời điểm tôi nghiên cứu và dần làm ra được loại thép Damascus này" - Chiến chia sẻ.
Hoàng Mạnh Chiến cho biết, video hướng dẫn làm loại thép này có ở trên Youtube nhưng anh cũng hoài nghi không biết có thật không, có thể làm được thủ công hay phải có thủ thuật máy móc gì. Từ suy nghĩ đó, Chiến nghĩ mình nên thử làm theo thử nghiệm và thành công ngay lần đầu tiên.
Theo Hoàng Mạnh Chiến, đặc tính quan trọng để được gọi là thép Damascus đó là phải có nhiều lớp. Vì thế, các cây dao của Chiến làm ra luôn được xếp phôi thép thành nhiều lớp rất dày và hàn chặt lại trước khi đưa vào lò luyện thép.
Cục thép được luyện đi luyện lại nhiều lần và thêm vào hàn the để tạo chất kết dính giữa các lớp thép.
Không như rèn từ thép nguyên khối, thép nhíp... thép Damascus yêu cầu phải làm thủ công toàn bộ. Vì thế, tuy giờ đây nghề rèn đã có thêm máy móc hỗ trợ nhưng chỉ riêng công đoạn luyện thép cũng mất cả ngày.
Từ một phôi thép ban đầu hơn 30 lớp, cục thép được luyện, duỗi dài rồi cắt thành từng đoạn rồi lại xếp chồng lên nhau 3 - 4 lần. Như vậy, tính từ phôi ban đầu, cây dao thép Damascus do Chiến làm sẽ có khoảng hơn 100 lớp.
Đặc trưng của thép Damascus là những đường vân lượn sóng, xoắn tròn, xếp lớp... tự nhiên ở trên mặt dao. Để làm được điều này, những người luyện kim phải làm thêm công đoạn tạo vân bề mặt. Chiến làm một cách tỉ mỉ, chỉ riêng phần mài tạo vân cũng ngốn đến hơn 1 tiếng đồng hồ.
Thanh thép tiếp tục được luyện lại nhiều lần cho đến khi đạt yêu cầu thì Chiến mới bắt tay vào chế tác, rèn tạo hình cho cây dao.
Theo Hoàng Mạnh Chiến, dao của Việt Nam tuy rất tốt, sắc bén nhưng nhược điểm là làm từ thép tận dụng những thép cũ như nhíp xe, một số loại thép mác C... nên dễ ô xi hóa, han rỉ, mẫu mã không thực sự hấp dẫn. Bởi lẽ, hiện nay nhiều người làm nội trợ trong gia đình ngày càng có yêu cầu cao, vừa muốn có một bộ dao tiện dụng, sắc bén lại vừa thẩm mỹ trong gian bếp. Vì thế, những cây dao dáng dao bếp phương Tây và dao Nhật đang được yêu thích.
Hoàng Mạnh Chiến cũng tự mày mò, tìm hiểu hình dáng các loại dao rồi rèn theo. Tuy nhiên, Chiến vẫn luôn khiêm tốn không kể quá nhiều về bản thân. Anh thừa nhận mình chỉ rèn theo dáng chứ không biết nhiều về tên các loại dao. Sau 2 năm mày mò, làm hỏng hàng chục phôi thép, giờ đây Chiến đã nắm bắt được bí quyết để tạo ra loại thép Damascus và tập trung vào việc rèn luyện tay nghề rèn dao.
Từ thanh thép, cây dao được luyện thành hình theo dáng dao Kiritsuke của Nhật. Do quy mô xưởng còn nhỏ, Chiến cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tìm nguyên vật liệu. Thời gian đầu Chiến sử dụng nhíp và lưỡi dao dọc giấy để làm dao Damascus. Sau thời gian dài thử nghiệm với hàng chục loại thép, hiện nay Chiến sử dụng các vật liệu thép cacbon cao, thép hợp kim, SK5, thép đàn hồi, thép vòng bi (thép 52100) để làm dao Damascus. Dao do Chiến làm từ thép Damascus nguyên khối, vân toàn thân, không lõi.
Thanh dao được mài thô trong nhiều giờ đồng hồ bằng giấy ráp.
Sau khi mài, bề mặt dao sẽ nhẵn bóng, chưa lộ vân.
Cây dao được nhúng vào dung dịch muối của sắt vài lần. Sau khi nhúng, hàng vân sóng nước dần hiện ra. "Người làm xếp phôi ngẫu nhiên, có nhiều cách để tạo vân nhưng thường thì vân dao sẽ ra ngẫu nhiên. Đến bản thân người rèn cũng không biết vân trên dao sẽ như thế nào" - Hoàng Mạnh Chiến chia sẻ.
Sau khi lên vân, cây dao lại được nhiệt luyện toàn thân và tôi trong dầu. "Trên thực tế, thép Damascus hiện đại được rèn theo cách xếp lớp thép rồi tạo vân tự nhiên, toàn bộ kỹ thuật rèn loại thép này đã thất truyền từ thế kỷ XVII nên cũng không ai biết được nó thực sự được tạo ra như thế nào. Kỹ thuật rèn ngày nay tạm chấp nhận định nghĩa thép Damascus hiện đại nhưng cũng chỉ mô phòng lại phần nào loại thép này" - Hoàng Mạnh Chiến nói thêm.
Vào nghề muộn, Chiến tự biết mình còn nhiều thiếu sót nếu so sánh với nghề rèn truyền thống của làng Đa Sỹ. Do đó, thay vì chạy theo thị trường, anh mạo hiểm thử sức và tự tạo thị trường với loại thép mới này. Chiến cũng là một trong những 9X hiếm hoi của làng nghề Đa Sỹ vẫn còn theo nghề.
"Đa phần những hộ rèn dao truyền thống tại Đa Sỹ có thị trường sẵn. Đến nay, trong làng vẫn còn hơn 100 hộ làm nghề rèn nhưng số lượng ngày càng giảm. Người làm trước ngày càng cao tuổi, người trẻ thì không còn thiết tha nhiều với nghề và bỏ đi làm nghề khác. Tôi cũng mong muốn mình có thể làm được điều gì đó để góp phần giữ gìn làng nghề thông qua việc tìm một hướng đi mới hơn" - Chiến tâm sự.
Thân cây dao làm từ thép Damascus hoàn thiện với những đường vân hiện rõ.
Cây dao được tra cán và bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đây là thanh dao rèn mô phòng theo dáng dao Kiritsuke của Nhật. Dao chỉ mỏng khoảng hơn 2 ly nhưng được rèn nên từ khoảng 120 lớp thép, tiêu tốn của Chiến tới 4 ngày để tạo ra.
Thanh dao được mài tinh và hoàn thiện. Những cây dao thủ công Damascus của Nhật Bản tạo ra có giá trị rất cao, lên tới hàng chục hoặc hàng trăm triệu đồng. Nhiều người bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và giá trị tay nghề thủ công từ những cây dao này nhưng không có đủ điều kiện để sở hữu. Dao Damascus hiện cũng được bán tại Việt Nam thông qua các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, những loại dao đó chỉ được làm theo công nghiệp, tạo vân bằng máy laser. Một số ít được làm bằng kỹ thuật xếp lớp thép nhưng giá rất cao, người tiêu dùng khó tiếp cận.
Chiến là một trong những người hiếm hoi tại Việt Nam tạo ra được dao bếp từ loại thép này với mức giá bình dân hơn, dễ tiếp cận với người tiêu dùng. Chiến đang hoàn thiện và sớm đưa sản phẩm này ra thương mại. "Mình nghĩ sẽ gắn bó với nghề này đến hết đời. Mình hạnh phúc khi được sống với nghề. Bây giờ mình đang rèn tay nghề rèn dao tốt hơn và mong sớm sẽ thương mại được sản phẩm này. Điều cản trở duy nhất đó là dao rèn thủ công toàn bộ nên sẽ cần rất nhiều thời gian để tạo ra được một sản phẩm" - Chiến cho biết.