Chàng trai 'mắc nợ' các Mẹ Việt Nam anh hùng

Với những hy sinh trời bể của các Mẹ Việt Nam anh hùng (Mẹ VNAH), những người dân Việt Nam sống dưới 'bóng mát' hòa bình hôm nay đều cảm thấy mình còn mắc nợ các mẹ. Nhưng với chàng trai Nguyễn Trịnh Điển, cái sự mắc nợ với các mẹ khiến anh luôn nặng lòng, từ đó thôi thúc anh cùng bè bạn làm những điều ý nghĩa để đáp đền…

Người đầu tiên nấu “bữa cơm gia đình, ấm tình lòng mẹ”

Anh Điển năm nay 36 tuổi, quê xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Anh nhiều năm liền là Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong. Chàng trai này trưởng thành từ phong trào đoàn cơ sở, bắt đầu là Phó Bí thư Xã đoàn Triệu Long từ năm 2006 với mức phụ cấp thời đó chỉ vỏn vẹn vài trăm bạc, không đủ tiền xăng xe, điện thoại. Thế nên khi đã là thủ lĩnh thanh niên cấp huyện thì dẫu có “dát vàng vào người”, anh vẫn có cái tướng đi, giọng nói mộc mạc... và đặc biệt là cung cách làm việc, “làm cái chi là làm thiệt”.

 Anh Nguyễn Trịnh Điển, luôn thấy mắc nợ các Mẹ Việt Nam anh hùng -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Anh Nguyễn Trịnh Điển, luôn thấy mắc nợ các Mẹ Việt Nam anh hùng -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

14 năm gắn mình với màu áo xanh tình nguyện, anh được biết tới là người “khai sinh” ra rất nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng. Gây tiếng vang nhất là chương trình “Bữa cơm gia đình, ấm tình lòng mẹ”. Chương trình thành công đến nỗi, từ năm 2019 đến nay, vào dịp 27/7 và tết Nguyên đán, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại tìm về nhà của các Mẹ VNAH để lo cơm nước. Chưa hết, chương trình cũng được nhiều lời ngợi khen từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và được tuổi trẻ nhiều tỉnh, thành trong cả nước làm theo.

Kể về cơ duyên của việc “khai sinh” ra chương trình tri ân thiết thực và ý nghĩa này, anh Điển cho biết đầu năm 2017, anh về quê ăn một bữa cơm cùng bố mẹ mình, khi đang “bí” về một phần việc tri ân có sức lan tỏa. Đoạn thấy niềm vui ánh lên từ khóe mắt già nua của bố mẹ mình trong khoảnh khắc sum vầy, bất chợt, anh dừng đũa và một ý nghĩ sáng lên: “Đâu phải tri ân các Mẹ VNAH, các gia đình có công là phải làm những điều to tát, đôi khi chỉ cần ăn một bữa cơm thôi cũng ấm lòng mẹ. Mẹ VNAH cũng như bố mẹ của mình, sẽ vui khi quây quần bên cháu con, thế hệ sau".

Nghĩ là làm, ngay trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm 2017, hàng chục đoàn viên, thanh niên của huyện Triệu Phong đã ùa về các mái nhà của 8 Mẹ VNAH còn sống để đi chợ, nấu cơm. Nhưng không dừng lại ở việc cơm nước, các bạn trẻ cùng nhau dọn gian thờ tự của chồng, con các mẹ; dìu mẹ ra nghĩa trang thắp nén tâm nhang; dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, bảo trì hệ thống điện cho các mẹ… “Kinh phí eo hẹp thì chúng tôi làm theo kiểu eo hẹp. Mỗi bữa ăn chỉ vỏn vẹn 800 nghìn đồng nhưng có đôi tay của các bạn trẻ cùng góp vào, người đi mua thực phẩm ngon, người trổ tài nấu nướng… nên mâm cơm cúng ở nhà các mẹ lúc nào cũng tươm tất. Hương tàn, chúng tôi cùng mẹ và những người thân trong gia đình cùng dùng bữa”, anh Điển nói.

Với anh Điển, những bữa cơm đầu tiên được nấu cho các mẹ từ năm 2017 thực sự khó quên. “Khi ở nhà mẹ Trần Thị Chánh (Thôn 4, xã Triệu Lăng) và ở nhà mẹ Trần Thị Loan (thôn An Lưu, xã Triệu Sơn), các mẹ đã rơm rớm nước mắt nhìn chúng tôi đầy hạnh phúc trong lúc chúng tôi bật khóc nức nở giữa bữa cơm trưa ngày hè. Vừa xúc động, vừa tự hào... cảm xúc này không diễn tả được”, đến giờ anh Điển vẫn chưa hết bồi hồi.

Có chứng kiến một bữa cơm ấm tình mẹ, mới hay những gì anh Điển nói là không hề thêm thắt. Cái cách các bạn trẻ nói cười, gắp thức ăn cho các mẹ, rồi hình ảnh các mẹ móm mém cười, dẫu gương mặt vẫn còn hằn lên bao mất mát của chiến tranh...khiến nhiều người ấm lòng. Anh Nguyễn Khánh Vũ (nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, nay là Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị) kể lại rằng, vốn không phải là người “hình thức” nên Điển không “khoe mẽ” nhiều về chương trình mà mình cùng tuổi trẻ Triệu Phong thực hiện. Nhưng thời điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng, nay là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi biết về chương trình, cũng đã có lời khen ngợi, cổ vũ về sự sáng tạo đó và khuyến khích nhân rộng mô hình. “Từ năm 2019 trở đi, chương trình “Bữa cơm gia đình, ấm tình lòng mẹ” đã trở thành phần việc thường xuyên của tuổi trẻ Quảng Trị vào dịp 27/7 và cận tết Nguyên đán. “Đến nay chương trình vẫn tiếp tục duy trì và có lẽ sẽ còn kéo dài cho đến khi các Mẹ VNAH không còn trên đời nữa. Thậm chí tôi được biết một số anh em còn “sáng tạo” thêm, không cần ngày lễ lạt gì, khi thấy nhớ thì lục đục về nấu cơm ăn với mẹ”, anh Vũ tâm đắc nói.

“Ký họa tri ân”

Năm 2017, khi lần đầu tổ chức chương trình “Bữa cơm gia đình, ấm tình lòng mẹ”, toàn huyện Triệu Phong còn 8 Mẹ VNAH. Nhưng nay, phân nửa các mẹ đã về nằm với những người con anh hùng của mình. “Cả huyện nay chỉ còn 4 Mẹ VNAH mà thôi, nhưng cũng đã yếu lắm rồi”, anh Điển nói đầy tâm tư.

 Chương trình “Bữa cơm gia đình-ấm tình lòng mẹ” xuất phát từ ý tưởng của anh Nguyễn Trịnh Điển, được lan tỏa nhiều nơi trong và ngoài tỉnh -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Chương trình “Bữa cơm gia đình-ấm tình lòng mẹ” xuất phát từ ý tưởng của anh Nguyễn Trịnh Điển, được lan tỏa nhiều nơi trong và ngoài tỉnh -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Anh Điển biết rằng, một ngày nào đó, các Mẹ VNAH trên địa bàn huyện cũng sẽ thuận theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. “Vậy là chúng tôi đã nghĩ ra một chương trình mới là vẽ, phục chế chân dung Mẹ VNAH trên địa bàn huyện với chủ đề “Ký họa tri ân”. Để lưu lại mãi nụ cười, ánh mắt của mẹ đã nhìn chúng tôi như nhìn những người con của mình, rồi gửi gắm biết bao nhiêu kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Sau này, nhìn mẹ chúng tôi sẽ nhớ lại những câu chuyện mẹ kể về chiều dài lịch sử oai hùng của dân tộc, của quê hương”, anh Điển cho hay.

Với cung cách “làm thiệt”, ngay trong tháng 1/2021, anh Điển với tư cách là thủ lĩnh thanh niên của huyện Triệu Phong đã ký thông qua kế hoạch vẽ, phục chế chân dung Mẹ VNAH. Kế hoạch đó gồm 3 bước, trong đó, đầu tiên là yêu cầu Đoàn cơ sở xã, thị trấn đến gặp gỡ, làm việc trực tiếp với gia đình các Mẹ VNAH trên địa bàn huyện để khảo sát, sưu tầm chân dung các mẹ. Bước hai, đối với các mẹ đã mất nhưng vẫn còn di ảnh (bị mờ, chất lượng thấp) hoặc các mẹ không có di ảnh thì Huyện đoàn Triệu Phong sẽ phối hợp với Đoàn Trường Đại học Nghệ thuật Huế phục dựng lại ảnh hoặc phác họa lại chân dung của các mẹ qua lời kể của người thân trong gia đình. Cuối cùng là bước 3, Huyện đoàn sẽ tổ chức triển lãm ảnh chân dung các Mẹ VNAH, kèm những thông tin về cuộc đời, sự hy sinh của các mẹ, về sau có thể hoàn thiện để biên soạn thành cuốn sách ảnh “Những ký ức về Mẹ”.

“Toàn huyện từng có hơn 500 Mẹ VNAH, hầu hết nay đã mất. Chúng tôi hiện đã sưu tầm được khoảng 100 tấm chân dung ảnh của các mẹ. Phía Đoàn trường Đại học Nghệ thuật Huế sau khi nghe về chương trình đã lập tức đồng ý hỗ trợ…Tất cả đã sẵn sàng. Nhưng COVID-19 suốt hơn 1 năm qua đã làm ngừng trệ tất cả”, anh Điển nói.

Đầu tháng 4/2022, khi vừa được điều chuyển công tác về làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Ái Tử, tâm sự với người viết, anh Điển tỏ ra tiếc nuối vì không hoàn thành nốt phần việc tri ân trong nhiệm kỳ “thủ lĩnh” Đoàn của mình. Điều đó lý giải việc anh vẫn tới lui Huyện đoàn Triệu Phong, sốt sắng hỏi thăm tiến độ thực hiện kế hoạch “Ký họa tri ân”, khi thời gian này, dịch bệnh đã tạm ổn định.

Nhưng anh Điển hẳn sẽ yên lòng khi chị Phan Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong hứa rằng, từ việc “truyền lửa” của anh, hoạt động tri ân sẽ là một hành trình tiếp nối, từ thế hệ người trẻ này đến thế hệ người trẻ khác. “Mắc nợ các Mẹ VNAH đâu chỉ một mình anh Điển. Tôi, chúng ta và tất cả mọi người đều mắc nợ. Mà món nợ ấy, càng đáp đền càng thấy chưa đủ đầy…”, chị Yến nói.

Nguyễn Phúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166952&title=chang-trai-%E2%80%9Cmac-no%E2%80%9D-cac-me-viet-nam-anh-hung