Chàng trai người Mông gìn giữ nghề đan lát truyền thống

Mỗi ngày Giàng A Hành lại chăm chút, cải tiến sản phẩm với ước mong khi du khách đến với miền đất 'thiên đường của ruộng bậc thang' sẽ có thêm những trải nghiệm về nghề truyền thống của dân tộc địa phương.

Những năm gần đây nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Mông dần mai một, nhiều đồ gia dụng được làm từ mây tre đan truyền thống và thân thiện với môi trường được thay thế bằng đồ nhựa và một số sản phẩm khác, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Sau khi học chuyên nghiệp, trở về quê lập nghiệp, chàng trai Giàng A Hành, 25 tuổi, ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã nỗ lực tìm hiểu, phát triển nghề truyền thống của cha ông với nhiều sản phẩm chất lượng làm từ các loại cây sẵn có của địa phương, đuợc nhiều người biết đến và yêu thích.

A Hành say mê với công việc.

A Hành say mê với công việc.

Tốt nghiệp Cao đẳng Dược tại Thái Nguyên, không xin được việc, Giàng A Hành trở về quê hương ở bản Hồ Nhì Pá, xã Lao Chải với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Sau thời gian đầu mất phương hướng, A Hành quyết định không đi làm thuê ở các thành phố lớn như nhiều thanh niên khác, thay vào đó, Hành quyết tâm học lại nghề đan lát truyền thống của dân tộc, đưa các sản phẩm đan lát bằng mây, tre thân thiện với môi trường đến bạn bè và du khách gần xa.

Để có các sản phẩm mẹt, rọ, sọt... chất lượng, A Hành luôn dành thời gian lựa chọn những cây tre, cây nứa thật đẹp, sau đó dồn tâm huyết để chau chuốt. Hành cho biết, việc nối nghiệp và phát triển nghề đan lát là một bài toán khó, nhưng càng khó thì càng phải quyết tâm: "Thời gian tới em mong muốn làm được nhiều sản phẩm hơn nữa, ví dụ như tạo ra những đồ làm quà lưu niệm để phục vụ du lịch".

A Hành chăm chút từng sản phẩm.

A Hành chăm chút từng sản phẩm.

Điều thuận lợi của Giàng A Hành là mỗi bước đi đều có sự dìu dắt của bố - ông Giàng A Là - một người đan lát và chế tác các sản phẩm truyền thống khéo léo nhất bản. Ở tuổi xế chiều, ông Là không chỉ mong muốn con trai mà có nhiều thanh niên trong bản, trong xã quan tâm, học hỏi, nối nghiệp cha ông để phát triển, đưa các sản phẩm đan lát truyền thống của dân tộc đến với bạn bè gần xa và trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch.

Ông Giàng A Là cho biết: "Nghề đan lát đang mai một, tôi muốn các cháu giữ nghề, khôi phục nó. Không chỉ giữ được nghề của cha ông mà còn có thu nhập bền vững".

Chỉ sau 2 năm, hàng trăm sản phẩm của A Hành đã hoàn thành, có mặt trên thị trường và bày bán trong các ngày hội văn hóa của huyện, được nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, du khách lựa chọn, yêu thích.

Anh Hành mong muốn mang những sản phẩm chất lượng và thân thiện với môi trường đến người sử dụng.

Anh Hành mong muốn mang những sản phẩm chất lượng và thân thiện với môi trường đến người sử dụng.

Anh Hảng A Dê, chủ Homestay Thu Dê ở thị trấn Mù Cang Chải cho biết: "Quá trình sử dụng tôi thấy chất lượng sản phẩm tốt. Những đồ này mình mang về có thể sử dụng được vào rất nhiều việc, ví dụ như treo trang trí trong nhà".

Mỗi ngày Giàng A Hành lại chăm chút, cải tiến sản phẩm với ước mong khi du khách đến với miền đất "thiên đường của ruộng bậc thang" sẽ có thêm những trải nghiệm về nghề truyền thống của dân tộc địa phương./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/chang-trai-nguoi-mong-gin-giu-nghe-dan-lat-truyen-thong-879979.vov