Chàng trai trẻ phát triển kinh tế từ ươm, ghép cây dổi giống

Theo giới thiệu của người quen, chúng tôi đến vườn dổi giống của chàng trai trẻ Bùi Văn Nhung, xóm Be, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) khi Nhung đang chuẩn bị cho chuyến chở cây dổi giống vào Tây Nguyên. Sau chuyến xuất bán giống dổi này, Nhung tiếp tục đầu tư, chăm sóc cho vườn dổi thứ 3 rộng trên 2.000 m2 mà Nhung và gia đình vừa mạnh dạn đầu tư thuê đất để ươm, ghép dổi giống.

Bùi Văn Nhung (bên phải ảnh) với công việc ươm, ghép cây dổi giống.

Bùi Văn Nhung (bên phải ảnh) với công việc ươm, ghép cây dổi giống.

Đầy tự tin, năng động và quyết đoán, Nhung khẳng định: Cây dổi đã giúp cuộc sống của gia đình mình và nhiều gia đình khác ở Chí Đạo đổi đời. Những cây dổi giống này sẽ lại tiếp tục sinh sôi, phát triển và làm giàu cho nhiều vùng quê khác!.

Nhung chia sẻ: May mắn khi thế hệ của mình lớn lên, cây dổi đã có giá trị và bắt đầu manh nha, hình thành một số cơ sở phát triển thành cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế. Chính vì vậy, mình luôn xác định sẽ chú tâm phát triển kinh tế gia đình từ chính mảnh đất quê hương với "cây lộc” của vùng Mường này. Không chỉ trông chờ vào sản lượng hạt thu được của gần 20 cây dổi cha ông để lại, Nhung tiếp tục mở rộng diện tích trồng dổi và ươm, bán cây dổi giống.

Thời gian đầu, Nhung học cách ươm giống cây theo kinh nghiệm của cha ông truyền lại. Để có được những cây giống tốt, vào giữa tháng 9, đầu thàng 10, khi dổi chín đỏ, Nhung phải nhờ người cao tuổi, có kinh nghiệm trong nhà hướng dẫn cách chọn hạt để ươm. Những hạt được chọn để ươm giống phải là hạt chín đỏ, già từ trên cây. Khi hạt được lấy về phải chọn tiếp bằng cách cho vào chậu nước, nếu thấy hạt chìm mới đem ươm. Để ươm được cây giống cũng phải bỏ công chăm sóc, che chắn, tưới nước cho cây không bị khô nước hay ẩm quá cũng không được. Khi đã tự biết cách ươm giống cây và có sản phẩm bán ra thị trường, nhưng Nhung vẫn trăn trở bởi cây giống ươm hạt phải mất thời gian từ 8 - 10 năm mới cho thu quả. Giá cây giống cũng không được cao (chỉ từ 4 – 5 nghìn đồng/cây). Đến năm 2013, khi Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản, thuộc Hội KH-KT Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện Dự án chọn tạo và nhân giống cây dổi ở xã mà vườn thực hiện chính của Dự án chính là vườn nhà bác Nhung. Đây là cơ hội để Nhung được học tập và chứng kiến thực tế các bước chọn, ghép cây giống. Những cây dổi ghép giờ chỉ cần khoảng 4 năm rưỡi – 5 năm đã cho quả bói. Giá bán cây ghép cũng đạt cao hơn (giao động từ 45-50 nghìn đồng/cây). Từ năm 2018- 2019, thu nhập riêng từ bán giống cây dổi, Nhung thu về 400 triệu đồng.

Chịu khó học hỏi và tích cực thực hành, Nhung đã thành thạo với công việc ghép cây. Trên 2 vạn cây ghép được xuất bán vào Tây Nguyên và Đông Nam bộ những năm 2017, 2018 đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các chủ vườn. Hiện, Nhung có 3 vườn cây ghép và 1 vườn cây thực sinh với tổng diện tích trên 3.000 m2. Cây đang phát triển tốt và một số lượng cây bắt đầu xuất bán. Dự kiến từ nay đến hết năm 2020, gia đình Nhung sẽ có khoảng 12 vạn cây xuất bán.

Ngoài việc bán giống cây dổi ghép, Nhung còn sẵn sàng đến tận vườn hỗ trợ người trồng kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc để cây phát triển tốt. Cùng với đó, Nhung còn kết hợp vận chuyển và chọn thêm một số giống cây đặc sản ở địa phương để giới thiệu và bán cho các nhà vườn ở vùng Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, Nhung luôn ấp ủ dự định sau này xây dựng ý tưởng phát triển các sản phẩm từ cây dổi thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, cũng như xây dựng quê hương Mường Be thành điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách muôn nơi...

H.D

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/135271/chang-trai-tre-phat-trien-kinh-te-tu-uom,-ghep-cay-doi-giong.htm