Chàng trai về nhà bằng… thùng hàng máy bay

Do không có tiền mua vé máy bay, Brian Robson đã nhờ bạn đóng mình vào thùng hàng và gửi từ Australia về quê nhà Xứ Wales qua đường hàng không.

Brian đã ở trong thùng hàng 5 ngày.

Brian đã ở trong thùng hàng 5 ngày.

Giấc mơ đổi đời

Brian Robson sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó tại Xứ Wales. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Brian không học lên đại học mà làm nghề soát vé xe bus. Công việc vất vả, phải di chuyển nhiều nhưng đồng lương bấp bênh nên cuộc sống của Brian rơi vào túng quẫn.

Trong hoàn cảnh bế tắc, Brain tình cờ nhìn thấy thông báo tuyển dụng cho chương trình lao động nước ngoài của Chính phủ Australia. Theo quy định, chi phí di chuyển đến Australia sẽ được chính phủ nước sở tại chi trả. Ngược lại, người lao động phải làm việc tại Australia 2 năm. Họ sẽ phải tự mua vé máy bay nếu về nước trước thời hạn.

Ngay sau khi qua sinh nhật lần thứ 19 vào năm 1964, Brian lên chuyến bay đến Melbourne với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đến Australia, anh nộp đơn vào vị trí bán vé cho Công ty Đường sắt Victoria, nhà điều hành phần lớn hệ thống vận tải đường sắt ở bang Victoria những năm 1960.

Đặt chân lên “xứ sở chuột túi”, Brian mô tả khu nhà trọ mình ở giống như “ổ chuột”. Mặc dù chưa bắt đầu công việc mới nhưng ngay tại thời điểm đó, Brian đã không muốn ở lại Australia. “Một khi tôi đã quyết định thì sẽ không gì có thể thay đổi được điều đó. Tôi quyết tâm sẽ trở về nhà”, Brian kể lại.

Tuy nhiên, vì quy định về thời hạn việc làm, Brian vẫn phải nhận công việc và cuộc sống bẩn thỉu. Anh mô tả bán vé tàu hỏa là công việc “nhàm chán và cô đơn”.

Cảm giác bị cô lập khiến Brian càng thêm nhớ nhà, người thân và quê hương. Brian làm việc tại Đường sắt Victoria khoảng 6 - 7 tháng trước khi bỏ việc và rời khỏi Melbourne. Anh ta lang thang qua những vùng hẻo lánh ở Australia, trước khi trở về Melbourne và làm việc trong một nhà máy giấy.

Dù đổi công việc nhưng Brian vẫn không thể thích nghi với cuộc sống ở Australia và quyết tâm ra đi. Vấn đề là anh ta rời đi trước thời hạn 2 năm nên phải tự lo liệu về chi phí máy bay.

Thời điểm đó, giá vé máy bay từ Australia đến Xứ Wales dao động khoảng 700 – 800 bảng Anh nhưng mỗi tuần, Brian chỉ kiếm được khoảng 30 bảng. Làm việc và tiết kiệm gần như là không thể trong khi Brian vốn đã có tâm thế buông xuôi.

Trong lúc tuyệt vọng, Brian quay lại thăm khu nhà trọ ở ban đầu, tình cờ gặp John và Paul, hai người Ireland mới đến Australia theo chương trình lao động. Ba người nhanh chóng trở thành bạn bè và tham dự một triển lãm thương mại.

Tại đây, họ ấn tượng với gian hàng của Pickfords, công ty vận chuyển toàn cầu có trụ sở tại Vương quốc Anh. “Bên ngoài gian hàng đặt tấm biển ghi: ‘Chúng tôi có thể vận chuyển bất kỳ thứ gì tới bất kỳ đâu’. Tôi đã nói đùa với hai người bạn rằng họ có thể vận chuyển được cả chúng ta”, Brian kể lại.

Đại diện hãng Pan American kiểm tra thùng hàng chứa Brian.

Đại diện hãng Pan American kiểm tra thùng hàng chứa Brian.

Ý tưởng “ngốc nghếch”

Trở về nhà, Brain không thể gạt ý tưởng này ra khỏi đầu. Hôm sau, anh ta tìm đến văn phòng Melbourne của hãng hàng không Australia Qantas để tìm hiểu về quy trình vận chuyển kiện hàng ra nước ngoài. Trong đó bao gồm kích thước, trọng lượng tối đa cho phép cũng như các thủ tục cần thiết và liệu có thể trả phí sau khi giao hàng thành công hay không.

Thu thập tất cả thông tin cần thiết, Brian quay lại khu trọ, nói với John và Paul rằng anh đã tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình. Brian thuật lại: Họ tưởng tôi đã kiếm được đủ tiền mua vé máy bay nhưng tôi nói không, tôi đã tìm ra cách khác, đó là tự gửi mình về nước.

Sau khi Brian trình bày chi tiết về kế hoạch của mình, Paul đã nghĩ đó là ý tưởng “ngốc nghếch” nhưng John thì lạc quan hơn một chút. Nhóm bạn dành 3 ngày để thảo luận về kế hoạch và cuối cùng, Brain đã thuyết phục thành công hai người bạn tham gia vào phi vụ.

Brian mua một chiếc hộp gỗ kích thước 30 x 26 x 38 inch và dành ít nhất một tháng để chuẩn bị “kiện hàng” cùng John và Paul. Họ tính toán sao cho cả Brian lẫn đồ đạc của anh đều có đủ chỗ bên trong chiếc hộp.

Ngoài ra, Brian cần mang thêm một số vật dụng để sinh tồn như một cái gối, một chiếc đèn pin, một chai nước uống, một chai đựng nước tiểu và một cái búa nhỏ để mở thùng gỗ khi tới London (Anh).

Bộ ba diễn tập bằng cách để Brian chui vào thùng gỗ và hai người bạn niêm phong nó lại. Sau đó, hai người sắp xếp một chiếc xe tải chở thùng hàng đặc biệt này tới gần sân bay ở Melbourne.

Sáng hôm sau, Brian trèo vào chiếc hộp trước khi Paul và John nói lời tạm biệt và đóng đinh nắp hộp. Chuyến bay dự kiến kéo dài 36 tiếng nhưng mọi chuyện diễn ra không giống như Brian tưởng tượng.

“10 phút đầu tiên tôi cảm thấy khá ổn nhưng rồi đầu gối tôi bắt đầu bị chuột rút vì chúng bị ép sát vào ngực”, Brian kể lại. Đến sân bay, anh ta tiếp tục phải đợi thêm vài giờ đồng hồ trước khi được xếp vào khoang hành lý.

Khi máy bay cất cánh, Brian mới nghĩ đến việc anh cần phải có oxy để thở. Những chiếc máy bay này chủ yếu vận chuyển hàng hóa nên không được điều áp và rất thiếu oxy trong khoang hàng. Brian hớp lấy từng chút oxy trong tư thế tê cứng.

Khó khăn chồng chất

Chặng đầu tiên của hành trình là chuyến bay dài 90 phút từ Melbourne tới Sydney. Thử thách tiếp theo khắc nghiệt hơn với Brian vì chiếc thùng chứa bị đặt lộn ngược trên băng chuyền khi tới Sydney. Anh ta đã phải ngồi trong tư thế lộn ngược đó 22 tiếng.

Mọi chuyện chưa kết thúc ở đó. Theo kế hoạch, kiện hàng sẽ được vận chuyển theo máy bay của hãng Qantas từ Sydney (Australia) tới London (Anh). Tuy nhiên, vì máy bay đã đầy nên nó được chuyển sang chuyến bay của hãng Pan American đến Los Angeles.

Sau khi đến Mỹ, dự kiến kiện hàng sẽ được chuyển sang một máy bay khác về Anh. Hành trình này sẽ dài hơn dự tính. “Chuyến bay kéo dài 5 ngày. Tôi không thể chịu nổi những cơn đau và cũng không thể thở thoải mái. Tôi miên man nửa tỉnh nửa mê”, Brian nhớ lại.

Vì ở trong bóng tối quá lâu lại thiếu oxy, Brian bắt đầu xuất hiện ảo giác. Anh ta không thể phân biệt được đâu là thật đâu là mơ. Có lúc, Brian tưởng anh đã bị phát hiện và bị ném ra khỏi máy bay. Rồi anh ta choàng tỉnh lại nhưng không biết mình đang ở đâu. Chưa kể, Brian phải vật lộn với cơn đau hành hạ cơ thể vì ngồi trong một tư thế quá lâu. “Có lúc tôi tưởng mình sắp chết và mong rằng điều đó hãy xảy ra nhanh chóng”, Brian nói.

Máy bay cuối cùng cũng hạ cánh, kiện hàng được dỡ từ khoang hành lý và xếp trong kho chứa đồ tại sân bay. Thời điểm đó, Brian chưa hề hay biết mình đang ở Mỹ chứ không phải Anh như dự tính. Lấy hết sức bình sinh, Brian cầm chiếc đèn pin lên và cố gắng giữ chặt nó ở nách. Theo tính toán, anh ta sẽ dùng búa, bẩy lớp đinh trên nắp hộp và thoát thân.

“Tôi cầm đèn pin lên và bật công tắc nhưng sau đó, tôi đánh rơi nó xuống sàn. Tôi không thể nhặt nó lên vì chân tay tôi đã tê dại. Tôi không thể làm gì hơn ngoài nhìn nó phát ra ánh sáng le lói”, Brian kể.

Phát hiện ánh sáng kỳ lạ trong hộp gỗ, hai nhân viên sân bay đã quyết định mở nắp thùng và bàng hoàng khi phát hiện có người ở trong đó. Ban đầu, họ tưởng Brian là một thi thể vì anh ta không thể nói hay cử động để ra hiệu mình vẫn còn sống. Cả hai vội báo cáo sự việc cho quản lý sân bay, hải quan, bác sĩ và cảnh sát.

Về phía Brian, anh lấy làm bất ngờ khi mọi người đều nói giọng Anh - Mỹ thay vì Anh - Anh. Giữa cơn huyên náo lúc bấy giờ, Brian cuối cùng cũng nhận ra anh đang ở Los Angeles thay vì London.

Rất nhanh sau đó, Brian được 3, 4 người đỡ ra khỏi chiếc hộp và đặt nằm ngửa nhưng đôi chân anh chưa thể duỗi thẳng mà vẫn giữ nguyên tư thế trong hộp. Mọi người phải mất một thời gian để duỗi thẳng chân cho Brian và đưa anh ta đến bệnh viện.

Brian Robson mô tả tư thế ngồi trong hộp gỗ.

Brian Robson mô tả tư thế ngồi trong hộp gỗ.

Brian (áo kẻ sọc) trở về London vào tháng 5/1995.

Brian (áo kẻ sọc) trở về London vào tháng 5/1995.

Người nổi tiếng

Sự xuất hiện kỳ lạ của Brian đã thu hút sự chú ý của truyền thông. Trong thời gian nằm viện, anh ta nhận được đề nghị phỏng vấn từ các cơ quan thông tấn, báo chí trên khắp nước Mỹ.

Sau khi khôi phục giọng nói, Brian thú nhận với FBI rằng anh ta không bị bắt cóc, không phải gián điệp, mà chỉ là một người dân Xứ Wales đang cố gắng tìm cách trở lại quê hương. Dù Brian nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp nhưng anh ta không bị buộc tội. Trách nhiệm thuộc về hãng hàng không Pan American. Hãng đã sắp xếp cho anh ngồi khoang hạng nhất để trở về London.

Brian được gia đình và giới truyền thông chào đón sau khi về London ngày 18/5/1965. Gia đình không giấu nổi niềm vui khi gặp lại Brian nhưng họ không hài lòng về những điều anh đã làm.

Trở về Xứ Wales cùng bố mẹ, Brian nói anh rất muốn quên toàn bộ trải nghiệm không lấy làm vui vẻ đó nhưng anh đã trở thành người nổi tiếng. Cứ hễ ra đường, Brian sẽ được mọi người nhận ra và xin chụp ảnh cùng.

Trả lời phỏng vấn của tờ CNN hồi năm 2021, Brian bộc bạch ông vẫn bị ám ảnh về khoảng thời gian ở trong chiếc thùng.

“Tôi đã nghĩ ở trong quan tài sẽ dễ chịu hơn vì ít nhất tôi có thể duỗi thẳng chân”, Brian nói. Tuy nhiên, sự việc cũng mang lại nhiều điều tích cực cho cuộc sống của Brian. Ông đã xuất bản cuốn sách “The Crate Escape” (tạm dịch: Thoát khỏi thùng hàng), tường thuật chi tiết về hành trình của mình. Câu chuyện sau đó được chuyển thể thành phim.

“Nghĩ lại thì, khi đó tôi mới là một cậu thanh niên. Hầu hết thanh, thiếu niên một khi đã quyết tâm làm gì thì sẽ làm đến cùng và không nghĩ đến hậu quả. Hành động của tôi khá nguy hiểm nhưng thời khắc đó, tôi không hề nghĩ đến việc từ bỏ”, Brian bộc bạch.

Theo CNN, BBC

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chang-trai-ve-nha-bang-thung-hang-may-bay-post669188.html