Chàng trai Việt được 5 trường đại học Mỹ đón nhận kể về niềm đam mê công nghệ
Nguyễn Huỳnh Anh Khoa là du học sinh Việt tại Mỹ từng được 5 trường đại học Mỹ đón nhận và đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong hoạt động nghiên cứu cùng những sáng tạo công nghệ có ích cho xã hội.
Nguyễn Huỳnh Anh Khoa: Từ bé, mình đã có sở thích học công nghệ. Học ở đây không chỉ là xem giới thiệu iphone mới, hay chơi game cùng bạn bè mà mình hay tháo tung mọi thiết bị điện tử trong nhà, từ dàn máy tính HP của bố cho đến đầu đĩa. Mẹ đã mấy phen giật mình khi thấy những thiết bị trong nhà cứ dần bị tháo tung rồi lắp lại. Nhưng chính sự hiếu kỳ "vô tội vạ" của mình đã khiến sở thích đó trở thành đam mê, chẳng mấy chốc thành con đường mình quyết định theo đuổi.
Năm lớp 10, mình nhận được tin vừa đủ điểm đỗ vào chuyên Toán - Tin. Với mình, điều này thật bất ngờ, nhưng cũng hoang mang vì mình chẳng biết gì về Tin học lúc bấy giờ. Cơ duyên đến với mình khi gặp thầy Trương Phước Hưng (giảng viên ĐH KHTN). Không biết mọi người nghĩ sao, nhưng mình thường quan niệm trong đời sẽ có vài khoảnh khắc “Thấy rồi! Tìm ra rồi!”. Và khoảnh khắc đầu tiên đó của mình đó là khi được gõ những dòng code đầu tiên.
Sau đó, mình được giới thiệu để tham gia một câu lạc bộ Robot - nơi chắp cánh cho giấc mơ đến Mỹ của mình. Năm đó, nhóm mình thắng giải nhất Robotacon và mình được mời sang Qatar để tham dự đấu trường quốc tế. Chính đấu trường ấy đã khiến mình mở rộng tầm mắt và khát khao đi du học.
Và mình đã chọn nước Mỹ, mình muốn thử thách giới hạn của bản thân trong lĩnh vực công nghệ, và còn nơi nào thú vị hơn để bắt đầu việc đó hơn là nơi sinh ra những huyền thoại công nghệ.
Mình đã được tuyển vào 5 trường đại học, trong đó có các trường thuộc top 100 của nước Mỹ như: ĐH Washington, ĐH PennState, ĐH Rutgers, ĐH Minnesota, và ĐH Purdue. Mình đã chọn ĐH Washington là nơi để học tập và rèn luyện.
Là một người "yêu và say" khoa học công nghệ, những năm tháng học tập tại đây, bạn đã tạo dựng nên giá trị của mình ra sao trước bạn bè quốc tế?
Mình chọn 3 cụm từ để nói về cách tạo dựng "thương hiệu" trong lĩnh vực khoa học công nghệ: dai dẳng, quyết liệt, kết nối.
Năm nhất đại học, mình sống nhờ trợ cấp từ gia đình. Sang năm 2, khi đã quen với môi trường học tập và sinh sống tại đây, mình bắt đầu tìm đến những công việc làm thêm khác nhau như làm trợ giảng, gia sư để trang trải và bắt đầu tự lập hoàn toàn.
Tính tới thời điểm hiện tại, bằng những kiến thức học được, trải nghiệm được, sản phẩm cá nhân khiến mình tâm đắc nhất và tự tin nhất đó là "Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thính trên điện thoại".
Vào cuối năm 3, cũng là thời điểm bắt đầu bùng dịch. Thấy nhiều bạn trẻ nơi mình sống đóng góp rất nhiều cho cộng đồng nên mình cũng muốn bản thân đóng góp một chút gì đó. Thế rồi, mình xin làm nghiên cứu sinh (Research Assistant), dự án mang tên "SoundWatch" - một ứng dụng đồng hồ thông minh giúp nhận biết âm thanh thông qua hình ảnh và rung động. Nhờ vào trí tuệ nhân tạo, ứng dụng này có thể cảnh báo người dùng những âm thanh quan trọng xảy ra xung quanh họ như tiếng gõ cửa, tiếng em bé khóc, tiếng chó mèo, hay âm thanh nguy hiểm như còi xe hoặc chuông báo cháy... Dự án nhận được đánh giá cao từ Google với tỷ lệ chính xác trung bình là 89.92% và đoạt giải "Ứng dụng tốt nhất tại hội nghị ACM ASSETS 2020.
Như bao bạn trẻ khác, mình cũng có một giấc mơ. Điều mà mình tâm đắc nhất là việc khiến khoa học công nghệ trở nên hữu dụng hơn cho mọi người. Hiện tại, vẫn còn một rào cản rất lớn giữa khoa học hàn lâm và tính ứng dụng thực tiễn của chúng, phải mất rất nhiều thời gian để có thể mang một công trình nghiên cứu đến tận tay người tiêu dùng. Mong muốn của mình là có cầu nối để rút ngắn và hy vọng sẽ xóa nhòa khoảng cách này. Và "SoundWatch" là một trong những viên gạch đầu tiên để thực hiện giấc mơ đó, cũng là sản phẩm cá nhân mà mình cảm thấy có giá trị nhất đến thời điểm này.
Mỗi ngày mình dành 10 tiếng để trau dồi kiến thức qua nhiều hình thức khác nhau như đọc tài liệu, thảo luận nhóm... Khi còn đi học, cứ mỗi 1 giờ trong lớp, mình lại dành gấp đôi thời gian cho việc tự phân tích vấn đề và trao đổi với bạn cùng khoa. Cụ thể hơn, mình thường dành ra khoảng 4 - 5h mỗi ngày để họp nhóm và làm bài.
Sự "dai dẳng, quyết liệt" với khoa học công nghệ của bạn còn được thể hiện như thế nào qua kỹ năng xây dựng thời gian biểu học tập? Anh Khoa có thể lý giải cụ thể về 1 trong 3 cụm từ nói về cách tạo dựng "thương hiệu" cá nhân chính là sự kết nối?
Kết nối ở đây là đó là sự chủ động trong việc tìm kiếm các mối quan hệ, duy trì sự thân thiện với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, đó là không bỏ lỡ cơ hội làm quen và kết bạn với những người giỏi hơn mình. Khi duy trì được sự kết nối ấy, mình đã gặp khá nhiều sự thuận lợi và may mắn trong học tập, nghiên cứu. Mình học được từ họ những kỹ năng mình không có hay một ý tưởng, tư duy "sáng".
Thế mạnh của mình không thực sự nằm ở những môn học, dù nghĩ mình khá ở những môn tự nhiên. Mình nghĩ thế mạnh bản thân nằm ở việc phân tích và suy luận. Mình thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu và phân tích một vấn đề không thuộc phạm trù chuyên môn, đó là niềm vui trau dồi kiến thức của mình. Một trong những "thú vui" của mình là nghiên cứu và tranh luận về những hiện tượng tự nhiên và vấn đề xã hội. Ví dụ như biểu đồ xương cá (fishbone diagram, ishikawa diagram) hoặc nguyên lý Pareto (80 20) là những mô hình áp dụng trong kinh tế, xã hội khiến mình rất tâm đắc.
Nói về IQ và EQ thì cả hai đều quan trọng, chỉ số IQ quyết định khả năng mình xử lý tình huống có tốt và nhanh hay không, còn chỉ số EQ lại giúp mình nhận thức và đồng cảm với những người xung quanh, ngoài ra còn giúp kiềm chế cảm xúc và đưa ra quyết định đúng đắn hơn.
Cá nhân mình tin rằng mình vừa đủ ở cả hai, nhưng mình nghĩ nghiêng về chỉ số EQ nhiều hơn.
Vậy so với bạn bè cùng trang lứa, bạn có tự nhận mình là người thành công?
Mình tự hào về những gì mình nỗ lực đạt được, nhưng quan trọng hơn hết, nó không chỉ là nỗ lực của riêng bản thân, mà còn là niềm tin của ba mẹ và bạn bè ở quê nhà cộng với sự thân thiện và giúp đỡ của những thầy cô, bạn bè nơi xứ người. Khi phải so sánh với bạn bè cùng trang lứa, mình lại nghĩ mình cần phải học hỏi rất nhiều, vì ai cũng có những điểm đáng học hỏi.
Là người nghiêng về chỉ số cảm xúc nhiều hơn, vậy bạn đã duy trì sự thân thiện và khẳng định sự tự tin về trình độ học vấn, văn hóa với bạn bè quốc tế ra sao?
Con đường ngắn nhất để đi tới tình bạn là thông qua dạ dày. Mình rất thích ẩm thực châu Á nói chung, và ẩm thực Việt, Nhật, Trung nói riêng. Vì thế mình thường giới thiệu với bè bạn phương Tây thưởng thức những món ngon, độc, lạ của nước mình như bún chả, bánh xèo, hay mì Quảng...
Mình luôn tự hào sinh ra trên đất nước Việt Nam, nơi có truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc dồi dào. Là du học sinh, việc trang bị cho mình những kiến thức cơ bản là điều rất quan trọng, bắt đầu từ việc nấu ăn, đến khả năng thích nghi với văn hóa và lối sống khác biệt.
Một điều cực kỳ quan trọng là phải biết chấp nhận và tôn vinh sự khác biệt. Sự khác biệt trong văn hóa, màu da, hay ẩm thực đều rất được hoan nghênh.
Bạn có thừa nhận quan điểm "dân công nghệ" khô khan không?
Mình thừa nhận là "dân công nghệ" khô khan. Phần lớn đến từ việc trong đầu "dân công nghệ" chỉ là dòng code và code. Nhưng cũng tùy trường hợp lắm chứ. Theo mình, miễn là giao tiếp với người khác hài hòa với một tâm lý cởi mở, biết lắng nghe, chia sẻ tâm sự với gia đình và bạn bè, thì sẽ phần nào trút bỏ được cái nhìn “khô khan” trong mắt mọi người.
Đừng để sự dèm pha hay ánh hào nhoáng của một việc nào đó làm ta chểnh mảng khỏi con đường phía trước. Nhưng cũng đừng ngại lấn sân sang những lĩnh vực mới lạ, học những điều thú vị và luôn khám phá thế giới xung quanh.
Việc bổ sung một kỹ năng mới cho bản thân chỉ có thể giúp ích cho chính mình trên đường dài. Có một câu nói mình rất tâm đắc mà mình nghĩ đa số bạn trẻ đều biết, nhưng mình xin được trích dẫn lại: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ".
Quan niệm về sự cống hiến của bạn là gì? Bạn có dự định trở về để đóng góp sức trẻ và trí tuệ không?
Theo mình, với một sinh viên mới ra trường chưa có nhiều khả năng hay kinh nghiệm để đóng góp, sẽ hợp lý hơn nếu ta có thể dành thời gian học hỏi những gì hay hoặc chưa hay, và một khi đã chững chạc, có thêm kinh nghiệm có thể đóng góp còn nhiều hơn. Vì thế, quan niệm về sự cống hiến của mình đó là học những cái mới, hiện đại để đem lại những giá trị tích cực, thực tế cho cộng đồng.
Hơn nữa, việc cống hiến cho đất nước có thể diễn ra ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, và cũng có rất nhiều cá nhân nổi bật hiện ở nước ngoài vẫn ngày đêm đóng góp cho đất nước. Đặc biệt với ngành IT lại càng có nhiều hy vọng hơn vì chúng ta có thể chia sẻ công nghệ với nhau dù ở nơi đâu.
Nền công nghệ của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, với rất nhiều bạn trẻ có đam mê và tài năng nên mình rất háo hức được có cơ hội mang kiến thức tích lũy của bản thân để cùng đóng góp cho nước nhà.
Chứng kiến quê hương của mình đang “căng mình” chống dịch thông qua các kênh truyền thông, trong bạn đọng lại cảm xúc và suy nghĩ gì?
Mình có hai luồng cảm xúc khác nhau: "đau và hy vọng". Đau là vì mọi người đang phải trải qua những khó khăn rất lớn. Mình tin rằng với sự nỗ lực và tận tụy của đội ngũ y tế tuyến đầu cùng sức mạnh của lòng nhân ái, sẽ chiến thắng được dịch COVID-19, và lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.