Sau 7 lần đi Himalaya và nhìn lại hành trình đã qua của mình trong hơn 5 năm qua, tôi quyết định quay lại dãy núi cao nhất thế giới. Những ký ức của tôi về nơi này vẫn vẹn nguyên như lần đầu, một vùng đất hiểm trở có phần kì bí.
Lý do quyết định đi lại Himalaya cũng vì nhiều nhân duyên. Mỗi lần đi tôi lại chọn một cung đường mới để khám phá và tích lũy kinh nghiệm, đây cũng là cách để tôi tập luyện cho những đỉnh núi cao hơn.
Một trong những ấn tượng của tôi là lần đi cung Annapurna gặp động đất lớn ở Nepal. Ở giữa ranh giới sự sống và cái chết, khi thấy rõ cuộc sống là vô thường, giúp tôi hiểu rõ hơn về bản thân mình và nghiệm ra được những gì quan trọng với cuộc sống của bản thân.
Lần này cung đường đi Manaslu khá hoang sơ và địa hình thay đổi nhiều từ rừng cận nhiệt đới ở độ cao 300 m lên đến điểm cao nhất hành trình là gần 5.200 m.
Để đi vào điểm tập kết chúng tôi phải mất một ngày đi xe trên đường off road lầy lội. Ngày trekking đầu tiên, tôi bất ngờ bị đau cổ chân khá nặng và dùng gậy suốt hành trình còn lại. Bản thân đã trải qua nhiều chuyến đi nên khi sự cố xảy ra tôi cũng khá bình thản và quyết định đi tiếp để xem mình sẽ vượt qua thế nào.
Có những ngày chúng tôi phải đi 6-7 tiếng, vượt qua các sông suối, thung lũng, có ngày lại đi trong mưa và sương mù. Những khó khăn và cố gắng trong chuyến đi chính là món quà chứ không phải đích đến và một lần nữa tôi may mắn dẫn cả đoàn vượt qua hành trình an toàn.
Mỗi lần như thế lại có nhiều bạn muốn tham gia chung hành trình với tôi và đa số đều là những người lần đầu đi đến Himalaya, bản thân họ cũng đã phá bỏ những giới hạn, rào cản tâm lý của bản thân để đặt chân đến vùng đất huyền thoại.
Những người đi chung đã phải tập luyện, dành thời gian và tài chính cho chuyến đi để rồi sau lần gặp gỡ Himalaya tư tưởng và cuộc sống ít nhiều cũng thay đổi.
Điều vui nhất là trong mỗi chuyến đi không cjir là tạo thêm thu nhập cho người bản địa, hình ảnh ghi lại trên đường được chia sẻ, bạn còn khơi gợi cảm hứng trekking cho những người xung quanh.
"Và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn", trích Đường mây qua xứ tuyết của Govinda.
Hoàng Lê Giang