Chàng trai xứ miệt vườn thành công bất ngờ khi chọn quê vợ để… khởi nghiệp

Sinh ra ở Bạc Liêu, nhưng chàng trai trẻ đã chọn Quảng Ngãi là nơi khởi nghiệp và sản phẩm từ cây tre bao đời gắn bó với người Việt.

Từ ý tưởng trồng tre để chống sạt lở và phát triển thành vùng nguyên liệu thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, Lâm Tấn Tài, 32 tuổi, Giám đốc Công ty CP Tre sinh thái Ecobambu đã biến những cây tre bình dân thành sản phẩm quà tặng mỹ nghệ hút khách và biến những quả đồi cằn cỗi thành những rừng tre ngút ngàn…

Chọn quê vợ để… khởi nghiệp

Sinh ra ở miệt vườn đất Bạc Liêu, lớn lên ở TP.HCM, song Lâm Tấn Tài đã chọn đất Quảng Ngãi làm nơi khởi nghiệp.

Những rừng tre đầu tiên trong tổng số 45ha tre đã được trồng trên những khu vực gò đồi, núi bạc màu tại Quảng Ngãi.

Những rừng tre đầu tiên trong tổng số 45ha tre đã được trồng trên những khu vực gò đồi, núi bạc màu tại Quảng Ngãi.

Anh Tài kể, sau nhiều năm làm ăn ở TP.HCM, trong một lần về quê vợ ở dài ngày, anh nhận ra một điều là ở vùng đất bán sơn địa này đang bị cây keo lấn át, một số vùng sau nhiều năm trồng keo đã bạc màu và không cây gì sống được.

Đặc biệt, câu chuyện bão số 9 năm 2020 gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân khi gió bão làm đổ ngã hàng nghìn hecta keo đến tuổi thu hoạch khiến người dân khóc ròng. Trong khi đó, dọc theo các sông, suối ở Quảng Ngãi nạn sạt lở nặng nề đã ảnh hưởng lớn đến đất đai sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Sâu chuỗi lại những chuyện đã qua và chợt nhớ lại những người thầy mà anh từng “bái sư” rất tâm huyết với cây tre. Cứ thế, ý tưởng đưa cây tre hồi sinh đã được chàng trai trẻ nung nấu trong đầu.

Anh Tài tâm sự: "Cây tre có khả năng giữ đất, chắn gió. Thu hoạch tre theo cách chọn chặt chứ không thu hoạch một lần nên không làm xói mòn đất. Ngoài ra, cây tre hấp thụ lượng lớn khí CO2, tạo không gian xanh thoáng đãng, mát mẻ. Đặc biệt, giá thành tre nguyên liệu cũng không kém cạnh cây keo, trong khi cây tre trồng một lần là “ăn” cả đời.

Thêm một động lực khác là anh Tài từng làm việc, gặp gỡ những người tâm huyết thực hiện các đề tài nghiên cứu về tre nên anh được kế thừa và tích lũy nhiều kiến thức về tre, loại cây tượng trưng cho tính cách bền bỉ, dẻo dai của người Việt.

Hàng nghìn cây tre đã "chen chân" vào giữa các rừng keo để từng bước phủ xanh đất bạc màu, giúp người dân có sinh kế bền vững.

Hàng nghìn cây tre đã "chen chân" vào giữa các rừng keo để từng bước phủ xanh đất bạc màu, giúp người dân có sinh kế bền vững.

“Có nhiều lý do để chúng tôi chọn tre làm hướng đầu tư lâu dài. Tôi có 3 người thầy đã dày công nghiên cứu chuyên sâu về tre. Họ đều trên 80 tuổi, có bộ sưu tập hơn 300 giống tre. Những nghiên cứu về tre đem lại nhiều thông tin hữu ích, thú vị, để lại trong tôi ấn tượng, tình cảm và khát vọng gìn giữ, phát huy giá trị cây tre và tôi muốn mình được sống và cống hiến ý tưởng cũng như kiến thức có được ở quê vợ để… bù đắp những gì vợ đã hỗ trợ tôi trong những ngày gian khó”, Tài bộc bạch.

Biến vùng đất cằn thành… rừng tre

Từ ý tưởng cho đến thực tế là một quãng đường dài mà anh Tài cùng cộng sự đã trải qua để có thành quả như ngày hôm nay khi ngoài gây dựng được vùng trồng tre nguyên liệu có diện tích lên đến hàng chục hecta ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi và bước đầu có sản phẩm mỹ nghệ từ tre để bày bán, quảng bá đến với du khách.

Sau khi hoàn thiện về các thủ tục pháp lý cũng như sự hỗ trợ của chính quyền Quảng Ngãi, Công ty CP Tre sinh thái Ecobambu ra đời như đánh dấu một chặng đường mới của chàng trai xứ miệt vườn ở vùng đất Quảng Ngãi.

Để có được kết quả đó, anh Tài và cộng sự đã dành nhiều thời gian để giới thiệu về những đặc tính của tre. Trồng tre là một kế hoạch dài hơi nhiều năm liền, do đó để mang đến công việc, thu nhập ổn định cho người trồng có thể kết hợp xen canh các loại cây ngắn ngày khác. Tre trồng sau 3 năm thu hoạch được măng, lá tre và cả nấm tre đều có giá trị kinh tế cao. Sau 5 năm trồng, thu hoạch thân tre và than tre ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực may mặc, thực phẩm, mỹ phẩm, xây dựng... Bên cạnh tre nguyên liệu, anh Tài còn có tre trồng tạo cảnh quan.

Được biết, sau nhiều năm miệt mài đưa giống tre đến với quê vợ, đến nay anh Tài và cộng sự đã xây dựng được vườn trưng bày tại phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi). Đồng thời, trồng 15ha tre tại xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ), 30ha tre tại xã Trà Hiệp (Trà Bồng) và đang triển khai trồng 14ha tại các huyện Minh Long, Ba Tơ theo hướng liên kết với người dân nhằm tạo việc làm cho đồng bào vùng cao.

Một trong những điểm sáng của cây Tre mà anh Tài cùng cộng sự đang thực hiện đó là đã có đối tác tìm đến để ký kết hợp tác chiến lược giai đoạn 2023 - 2043 với Công ty CP Viên nén Đông Dương.

Theo đó, Công ty CP viên nén Đông Dương sẽ đứng ra thu mua cũng như giải quyết đầu ra sản phẩm từ cây tre cho người dân để tạo sinh kế phát triển ổn định.

Cụ thể, các sản phẩm từ tre có thể được ứng dụng trong các lĩnh vực như sản xuất tre ép khối, ván dăm tre, viên nén tre, than tre, măng tre, nấm tre, muối tre, đồ thủ công mỹ nghệ...

Những sản phẩm từ tre đã được anh Tài cùng cộng sự chế tạo và trưng bày để quảng bá đến du khách cũng như tăng niềm tin với người dân để cùng chung tay trồng tre.

Những sản phẩm từ tre đã được anh Tài cùng cộng sự chế tạo và trưng bày để quảng bá đến du khách cũng như tăng niềm tin với người dân để cùng chung tay trồng tre.

“Cây tre đã giúp tôi trả lời những trăn trở của bản thân là sẽ đóng góp được gì. Đó là những vùng tre phủ bóng mát giúp cải thiện môi trường, thu hoạch lâu dài, ổn định. Tre còn giúp chống chọi, ứng phó với thiên tai, ngăn ngừa sạt lở đất. Để khi mùa mưa về, người dân lại đón chờ những mùa măng mới mọc lên.

Tôi tin với lộ trình chúng tôi đang đi là đúng hướng. Mong muốn mang cây tre phủ xanh các vùng đất, thay thế cây trồng kém hiệu quả khác, tạo sinh kế phát triển bền vững cho người dân là khát khao lớn nhất của chúng tôi”, Giám đốc Công ty CP Tre sinh thái Ecobambu Lâm Tấn Tài chia sẻ.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chang-trai-xu-miet-vuon-thanh-cong-bat-ngo-khi-chon-que-vo-de-khoi-nghiep-d579829.html