'Chao đảo' thị trường vàng; Ngân hàng SCB đóng cửa phòng giao dịch
Thị trường vàng chao đảo vì giá liên tục biến động; 'Hiện tượng lạ' về giá chung cư Hà Nội; Ngân hàng SCB đóng cửa gần 50 phòng giao dịch ở 9 tỉnh thành; Hàng không đồng loạt tăng chuyến; Yêu cầu MSB giải quyết vụ tiền gửi 'bốc hơi'... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
Giá vàng tăng vùn vụt
Ngày 10/4, giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới khi cán mức cao chưa từng có là hơn 78 triệu đồng/lượng. Cụ thể: Tập đoàn Doji niêm yết vàng nhẫn 76,7 - 78,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 500.000 đồng/lượng so với cuối giờ sáng. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết 76,58- 78,18 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng. Đến khoảng 14h30, vàng nhẫn của doanh nghiệp này điều chỉnh tăng lên 76,78 - 78,38 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận, sau thông tin giá vàng nhẫn trong nước tăng cao, tại các cửa hàng vàng lớn ở đường Cầu Giấy và "phố vàng" Trần Nhân Tông - Hà Nội, lượng khách đến giao dịch tăng mạnh. Thậm chí, tại nhiều cửa hàng, khách xếp thành hàng dài, đa phần khách đến bán vàng để chốt lời khi giá vàng không ngừng lên đỉnh.
Ngày 12/4, giá vàng SJC liên tục được doanh nghiệp vàng điều chỉnh cập nhật mức tăng, đẩy giá vàng lên mức kỷ lục 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 13 triệu đồng/lượng.
Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
‘Hiện tượng lạ’ về giá chung cư Hà Nội
Những tháng đầu năm, giá các căn hộ chung cư vị trí trung tâm hay vùng ven của thành phố Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến. Nguyên nhân được các chuyên gia nhận định không có yếu tố bất thường bởi căn cơ nhất vẫn là cung không đáp ứng đủ cầu.
Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc - cho biết, nhu cầu về nhà chung cư ở Hà Nội rất lớn và cấp thiết. Đặc biệt, khoảng 2 năm vừa qua, nguồn cung ở hai thành phố lớn trên đều thiếu dù nhu cầu hiện hữu vẫn cao.
Theo ông Quyết, quý I năm nay, giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng 6-8% sau khi tăng mạnh trong năm 2023. Đây là hiện tượng lạ khi giá chung cư ở Hà Nội bị đẩy lên mức cao trong thị trường bất động sản đang đi xuống. Riêng trong 2 quý gần đây, thị trường chung cư ở Hà Nội đã tăng 10-12%.
Theo báo cáo của CBRE, giá bán sơ cấp chung cư tại Hà Nội trong 3 tháng đầu năm trung bình khoảng 56 triệu đồng/m2, tăng 5% theo quý và tăng 19% theo năm.
Ngân hàng SCB đóng cửa gần 50 phòng giao dịch ở 9 tỉnh thành
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo, Phòng giao dịch Bạch Mai chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (địa chỉ tầng 2 - 3 nhà số 361 Bạch Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chấm dứt hoạt động kể từ ngày 8/4.
Trong tháng 3, SCB cũng đã chấm dứt hoạt động đối với Phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh Tân Định (số 261 - 263 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Tân Bình, TPHCM).
Như vậy, kể từ tháng 10/2022 đến nay, SCB đã đóng cửa, dừng hoạt động 47 điểm giao dịch tại 9 tỉnh thành. Trong đó, đóng cửa 33 phòng giao dịch tại TPHCM, 8 phòng giao dịch tại HN, 5 phòng giao dịch tại Đà Nẵng. Các địa phương khác là Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang mỗi địa phương đóng 1 phòng giao dịch.
Như vậy, sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước, trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50. Đến nay, SCB chỉ còn 87 điểm giao dịch trên cả nước.
Hàng không đồng loạt tăng chuyến dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
Vào đợt nghỉ lễ sắp tới, Vietnam Airlines sẽ bổ sung thêm hơn 100 chuyến bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 15.000 chỗ. Hãng bay sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế và 2.900 chuyến bay trong giai đoạn giai đoạn cao điểm từ 26/4 đến 2/5. So sánh cùng kỳ năm ngoái, tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%.
Vietjet thông báo hãng sẽ tăng thêm 86.000 ghế, tương đương gần 425 chuyến bay trên các đường bay du lịch trong tuần nghỉ lễ giỗ Tổ, 30/4-1/5. Ngoài ra, hãng bay giá rẻ ở Việt Nam cũng bổ sung tần suất các đường bay đến và đi từ TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang trong giai đoạn hè, cung cấp thêm 1,3 triệu ghế để phục vụ người dân và du khách.
Đại diện hãng bay Vietravel Airlines cho biết đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm nay, nhưng hiện đội tàu bay của hãng này còn hạn chế, hãng sẽ bổ sung thêm khoảng 1-2 chuyến bay các chặng bay đi/đến các điểm như Đà Nẵng, TPHCM, Bangkok (Thái Lan). Ngoài ra, đại diện hãng bay du lịch hy vọng doanh nghiệp có thể được tăng giờ bay và tăng các chuyến bay đêm đến mức tối đa.
Ngành hàng không hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tàu bay. Nguyên nhân chính đến từ việc nhà sản xuất động cơ triệu hồi động cơ máy bay để kiểm tra, sửa chữa. Ngoài ra, khủng hoảng về chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không sau COVID-19 dẫn tới thiếu vật tư phụ tùng và công tác định kỳ, bảo dưỡng động cơ tàu bay bị kéo dài.
Cơ quan thanh tra yêu cầu MSB giải quyết vụ tiền gửi 'bốc hơi'
Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của khách hàng đến Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) để giải quyết theo quy định và thông báo kết quả giải quyết trường hợp khách hàng "bốc hơi" tiền trong tài khoản.
Trước đó, ngày 23/3, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nhận được đơn của bà Vũ Thị Kim Oanh (ở Liễu Giai, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Lân (ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đơn, bà Lân và bà Oanh yêu cầu ngân hàng MSB hoàn trả lại số tiền đã gửi tại ngân hàng.
Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ theo Thông tư 05 của Thanh tra Chính phủ về quy trình xử lý đơn khiếu nại, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chuyển đơn của bà Oanh và bà Lân đến ngân hàng MSB giải quyết theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận được thông báo bà Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân - Ngân hàng MSB, bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng.
Trên cơ sở kiểm soát hoạt động của mình, MSB đã phát hiện ra rủi ro này và đã chủ động gửi hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra vụ việc này từ tháng 10/2023.
Vì sao hơn 3 triệu hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực?
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến ngày 31/12/2022, tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực có trị giá 13,92 triệu đồng. Năm 2023, có thêm 1,91 triệu hợp đồng BHNT cấp mới. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2023, toàn thị trường chỉ có 12,44 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực. Như vậy, riêng năm 2023 đã có khoảng 3,39 triệu hợp đồng BHNT mất hiệu lực.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, số hợp đồng đang còn hiệu lực giảm từ 2 nguyên nhân: hợp đồng đến hạn đáo hạn và số hợp đồng do khách hàng hủy, không đóng tiếp. Khi xảy ra tình trạng hủy hợp đồng lớn, cả doanh nghiệp và khách hàng đều thiệt. Mô hình triển khai BHNT, chi phí khai thác năm đầu lớn để thu phí dài hạn những năm tiếp theo trở nên ít ý nghĩa
“Khi tính phí bảo hiểm, chi phí hoa hồng chiếm tỷ lệ nhất định và trải dài suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp dồn số tiền chi trả cho đại lý trong những năm đầu tiên. Chi phí hoa hồng cho đại lý được hạch toán vào chi phí trả trước”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Nghị định 46/2023 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có quy định việc chi trả thưởng, hỗ trợ cho đại lý phải căn cứ trên tỷ lệ duy trì hợp đồng. Việc này cũng phải đưa vào quy chế của doanh nghiệp bảo hiểm. Quy định này sẽ khiến ràng buộc trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, tránh tình trạng đại lý bằng mọi cách có hợp đồng mới với khách hàng.