'Chào hàng' các sản phẩm đặc sản địa phương
Đầu tháng 8-2024, hơn 70 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), cơ sở sản xuất, hệ thống phân phối đã tham gia Hội nghị Kết nối giao thương giữa các DN, nhà cung cấp từ các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh với các DN, hệ thống phân phối của Đồng Nai.
Đây là dịp để những DN, hợp tác xã của các địa phương gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm, kết nối cung - cầu hàng hóa với những hệ thống phân phối trên địa bàn các tỉnh.
Kết nối các sản phẩm OCOP
Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai Văn Hữu Đồng chia sẻ, Đồng Nai hiện có 220 sản phẩm OCOP của 120 DN, hợp tác xã trên địa bàn, trong đó có 48 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao. Hội nghị này góp phần giúp các DN, hợp tác xã, chủ thể OCOP… của 3 tỉnh gặp gỡ, trao đổi những nội dung cụ thể, kết nối các kênh phân phối sản phẩm. Từ đó đưa nhiều sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của các địa phương sớm có mặt trên các kệ hàng siêu thị, trung tâm thương mại.
Tương tự, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh Huỳnh Ngọc Xuân cho hay, tại chương trình kết nối giao thương lần này ở Đồng Nai, đoàn Trà Vinh tham gia nhiều hoạt động quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương vào hệ thống phân phối. Trong đó có các loại đặc sản như: dừa sáp, xoài cát chu, cam sành, thanh long, mít ruột đỏ, gạo ST25, gạo hữu cơ…
Tại chương trình kết nối giao thương giữa 3 tỉnh: Đồng Nai, Sóc Trăng và Trà Vinh, bên cạnh những sản phẩm mới, đặc sản vùng miền đã tạo dựng được thương hiệu, nhiều DN, cơ sở sản xuất cũng giới thiệu đến thị trường các sản phẩm mới, nổi bật.
Giám đốc Công ty TNHH Thủy Vân (tỉnh Trà Vinh) Nguyễn Thị Tường Vy cho biết, sản phẩm chính của công ty hiện nay là các loại chà bông cá lóc và trà gạo lứt tím. Thị trường chính của công ty hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là hội nghị kết nối giao thương lần này tại Đồng Nai, công ty mong muốn kết nối, “chào hàng” sản phẩm của công ty đến thị trường Đồng Nai nói riêng và thị trường vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Tương tự, Giám đốc Kinh doanh của Trạm dừng chân Minh Khải (tỉnh Sóc Trăng) Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, DN mong muốn kết nối các nhà sản xuất, chủ thể OCOP để mở rộng sản phẩm các khu hàng đặc sản, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ của các địa phương tại các trạm dừng chân thuộc hệ thống của Minh Khải. Ngoài ra, công ty còn có lò sản xuất trực tiếp bánh pía đang mở rộng hệ thống phân phối trên cả nước, riêng ở Đồng Nai đã kết nối với 3 đơn vị phân phối ở thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và huyện Long Thành.
Mở rộng phân khúc khách hàng mới
Hoạt động kết nối giao thương giữa các địa phương là cơ hội để các nhà phân phối, bán lẻ tiếp cận thêm các sản phẩm đặc sản có nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, giúp người tiêu dùng biết đến những sản phẩm nổi bật, đặc trưng của các địa phương, cũng như giúp các DN, chủ thể OCOP ở các tỉnh mở rộng các “tệp” khách hàng mới, tìm thêm đối tác, nhà phân phối tiềm năng.
Đại diện Cơ sở Bánh tráng dẻo Thiên Tân (tỉnh Trà Vinh) Tiêu Hoàng Tân cho biết, cơ sở đã phát triển sản xuất các loại bánh tráng đặc sản được hơn 8 năm. Thị trường chủ yếu của cơ sở là các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, mục tiêu của cơ sở là hướng tới phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP đến các thị trường mới như: Đồng Nai, Sóc Trăng…
“Thông qua các hoạt động kết nối giao thương góp phần cho những người khởi nghiệp như chúng tôi mở rộng thị trường để vươn xa hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn” - ông Tiêu Hoàng Tân nhấn mạnh.
Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Hứa Trường Sơn chia sẻ, hoạt động kết nối giao thương vừa là dịp để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, thế mạnh của địa phương; vừa là cơ hội tốt để các DN, hợp tác xã, nhà phân phối trực tiếp gặp mặt, chia sẻ thông tin thị trường, giao lưu, quảng bá sản phẩm đến các đối tác, thị trường mới. Đồng thời, hướng tới phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các địa phương, kết nối vùng để thúc đẩy các kênh tiêu thụ sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại.
“Đồng Nai là một trong những thị trường tiềm năng của nhiều DN Sóc Trăng. Trong đó, các loại đặc sản như: gạo ST25, bánh pía, hành tím Vĩnh Châu, các loại thủy hải sản thế mạnh… có dịp được giao lưu, phát triển sản phẩm đến các hệ thống phân phối tại Đồng Nai. Đồng thời, cũng là dịp để các loại đặc sản, sản phẩm thế mạnh của Đồng Nai kết nối cung - cầu với tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung” - ông Hứa Trường Sơn nhấn mạnh.