Chào hè - 'tạm biệt' bảng đen, phấn trắng

Ve râm ran gọi hè, phượng đã rực đỏ những con đường, tuyến phố và góc sân trường, bằng lăng cũng đã kịp bung sắc tím lịm... gọi hè về - khép lại một năm học. Chào hè - 'tạm biệt' bảng đen, phấn trắng... với háo hức được nghỉ ngơi, vui chơi và cả những nỗi niềm lo lắng, tiếc nuối.

Các em nhỏ háo hức đón chào kỳ nghỉ hè kéo dài.

Các em nhỏ háo hức đón chào kỳ nghỉ hè kéo dài.

Sau khi đi bế giảng kết thúc năm học về, đứa cháu mới học hết lớp 2 hớn hở khoe: “Cháu được giấy khen này bác ơi. Cô giáo bảo cháu được nghỉ hè, mấy tháng tới không phải đến trường. Cháu sắp được ra nhà bác chơi rồi đấy, bác nhớ mua cho cháu nhiều đồ chơi nhé...”. Nói đến việc không phải đến trường đi học, thằng bé có vẻ thích lắm. “Thế sao cháu được nghỉ hè mà bác lại không nhỉ?" - Tôi hỏi thằng bé. “Ơ, cháu không biết... Cô giáo cháu dặn, nghỉ hè không phải đến trường đi học, ở nhà phải nghe lời ông bà, cha mẹ, thường xuyên đọc sách và nói bố mẹ cho đi học bơi nữa ạ... Thế nghỉ hè là gì hả bác?”.

Hè là khoảng thời gian nắng nhất trong năm. Sau 9 tháng chăm chỉ học hành, cháu và các bạn sẽ bế giảng kết thúc năm học mới. Sau 3 tháng nghỉ hè, cháu và các bạn sẽ lớn hơn thêm một chút để bước vào lớp 3. Cứ mỗi một kỳ nghỉ hè về là một năm học cũ khép lại, qua những mùa hè, cháu sẽ lớn lên và từng ngày trưởng thành...

Mẹ nó từ trong nhà chạy ra cũng “phụ họa” tiếp lời: “Thế là từ sáng mai Gấu (tên thường gọi của thằng bé ở nhà) không phải dậy sớm nữa nhé... tha hồ thích”. Nói rồi mẹ nó quay sang tôi: “Có khi em phải gửi thằng bé ra nhà bác mấy hôm, chứ để nó ở nhà cả ngày thế này không biết lấy ai mà quản lý, trông coi nữa. Để thời gian cho chị Tép yên tĩnh còn tập trung ôn thi vào lớp 10. Sắp bước vào kỳ thi áp lực, con bé lo lắm”.

Tép là chị gái của Gấu, năm nay thi vào lớp 10. Tép học lực khá ổn, lại tự giác nên ít khi để người lớn phải nhắc nhở chuyện học. Mấy hôm trước khi đăng ký nộp hồ sơ vào lớp 10, con bé cũng có vẻ “cân não” lắm. Trước đó Tép thích thi vào trường điểm trong thành phố nhưng rồi không hiểu thế nào, khi làm hồ sơ lại quyết định nộp vào trường gần nhà. Có lẽ Tép cũng lo lắng, muốn chọn phương án ít “rủi ro” hơn. Mẹ cháu cũng an ủi, cứ cố gắng hết sức thì học ở đâu cũng tốt cả. Tôi cũng phần nào hiểu được sự lựa chọn của Tép, vì thực tế “cuộc chiến” vào lớp 10 bây giờ có khi còn cam go hơn vào đại học.

Vừa nói chuyện xong thì Tép đạp xe ở trường về. Tôi hỏi thăm: Tép sắp thi vào lớp 10 rồi nhỉ. "Năm nay xem như chị Tép nghỉ hè muộn hơn em Gấu. Cố gắng thi đạt kết quả thật tốt rồi nghỉ ngơi cũng chưa muộn Tép nhé. Thế nhóm bạn thân chơi với Tép có cùng nhau thi vào một trường không? “–” Không bác ạ. Bọn cháu mỗi đứa lại chọn một trường. Chỉ có cháu và Linh là thi vào trường gần nhà thôi. Mỗi đứa lại học mỗi trường thôi. Nhưng vẫn ở cùng xóm, hy vọng học khác trường nhưng vẫn có thể chơi với nhau... Nhưng mà, vẫn có chút buồn, chẳng biết còn có thể gắn bó với nhau không nữa...".

Nghe Tép tâm sự, tôi bất chợt nhớ về những mùa hè thuở học sinh, sinh viên của mình. Tôi nhớ ngày chia tay hết THPT. Những cô cậu học trò trao nhau dòng lưu bút, gửi gắm tâm sự. Rồi trên cả chiếc áo đồng phục của lớp, viết tặng nhau đôi dòng. Sau buổi chia tay ngày hôm ấy, chiếc áo đồng phục và cuốn sổ lưu niệm được cất đi. Có người còn giữ, người đã bỏ quên. Để rồi sau rất nhiều năm, trên mạng xã hội, có người chụp ảnh đăng lên, để nhiều người lại rưng rưng xúc cảm.

Nhưng có lẽ, tôi nhớ nhất là buổi chia tay tạm biệt thời sinh viên. Những cô cậu học trò từ khắp mọi miền đất nước, vì một chữ “duyên” trong sự lựa chọn ngành học mà gặp gỡ nhau. Lớp chúng tôi khi đó khá đông, gần 100 sinh viên. Mỗi người chỉ có thể chơi thân với một nhóm bạn chung và thú thật, trong lớp đại học ngày đó, có những bạn tôi chỉ nhớ mặt mà chưa kịp nhớ tên, cũng chưa từng một lần hỏi thăm, trò chuyện cùng nhau... Cứ hững hờ như vậy cho đến buổi học cuối cùng, ngày chia tay mới thật nhiều xúc cảm rưng rưng. Vì biết rằng nhiều người trong số đó, ta sẽ rất ít có cơ hội có thể gặp lại.

Nhưng nhớ nhất có lẽ là buổi chia tay những người bạn cùng ở ký túc xá suốt 4 năm học. Mỗi người theo học ở mỗi khoa, vì một chữ “duyên” tình cờ mà chúng tôi được xếp ở cùng nhau. Người ở Cao Bằng, người Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Nam, Thanh Hóa... Thường sau mỗi năm học, bước vào kỳ nghỉ hè để về quê, chúng tôi lại phải đóng đồ gửi ở nhà kho ký túc. Và không quên hẹn nhau vào đầu năm học tới, cùng ra nhận phòng một ngày, để lại đăng ký ở cùng nhau. 10 con người gắn bó cùng nhau suốt 4 năm thanh xuân rực rỡ. Có vui, có buồn, có hiểu lầm, có khó chịu và không thiếu cả những cãi vã... Để từ đó hiểu nhau hơn. Ngày ra trường, chia tay nhau thật sự nhiều xúc cảm khó có thể nói hết. Chỉ có thể chúc nhau ra trường rồi, mỗi người tìm được công việc tốt, cuộc sống tốt hơn... Tuổi học sinh, sinh viên, đi qua những mùa hè đỏ lửa, ai rồi cũng trải qua những “mối duyên” gặp gỡ rồi chia tay mà không biết ngày sau có thể còn gặp lại. Nhưng cũng nhờ những gặp gỡ - chia tay, đi qua những mùa hè ấy mà chúng ta trưởng thành hơn.

Hè cũng là thời điểm học sinh cuối cấp bước vào những kỳ thi quan trọng.

Hè cũng là thời điểm học sinh cuối cấp bước vào những kỳ thi quan trọng.

Và nghỉ hè - “tạm biệt” bảng đen, phấn trắng đâu chỉ là câu chuyện của những cô cậu học trò, đó còn là xúc cảm của những thế hệ thầy, cô giáo - người lái đò thầm lặng.

Tôi bất chợt nhớ đến những thầy, cô giáo đang công tác ở những điểm trường nơi vùng biên viễn mà mình có duyên gặp gỡ trong những chuyến ngược ngàn. Họ, đã gắn bó tuổi trẻ, thanh xuân với núi rừng, với những đứa trẻ, chấp nhận và khắc phục mọi thiếu thốn. Không ít người trong số họ, ròng rã những năm tháng vẫn cứ ngược xuôi lên non gieo chữ. Để rồi bước vào kỳ nghỉ hè - kỳ nghỉ ý nghĩa để về xuôi, dành trọn thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, người thân. Để khi bước vào năm học mới, họ lại ngược ngàn gieo chữ - gieo yêu thương lên vùng đất khó.

Đi qua những mùa hè, cùng với sự trưởng thành của bao thế hệ học trò, tóc thầy cô đã thêm những sợi bạc - bởi những trăn trở “trồng người”. Cuộc sống muôn vẻ, dẫu rằng đã có những thầy cô không giữ được chữ “thầy” cho tròn vẹn ý nghĩa. Song không vì thế mà chúng ta phủ nhận tất cả. Tôi tin, dù ở nông thôn hay thành thị, miền xuôi hay miền ngược, vùng núi hay miền biển... vẫn có những thầy, cô giáo với tài năng, tâm sáng và sự yêu thương, đã “gieo hạt, vun trồng” cho cuộc đời này nhiều mầm xanh tươi tốt... Chào hè - “tạm biệt” bảng đen, phấn trắng. Hãy cứ đón chào những thảnh thơi, nghỉ ngơi, vui chơi. Để những mùa hè thực sự ý nghĩa.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chao-he-nbsp-tam-biet-bang-den-phan-trang-31240.htm