Chảo lửa Trung Đông 2022: 'Phép thử' sức mạnh của loạt siêu cường toàn cầu và khu vực
Năm 2022 có thể tiếp tục ghi nhận quyền lực của Mỹ giảm sút, sự gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc khác và loạt biến động của các nước khu vực, theo nhận định của các chuyên gia trên tờ Middle East Eye.
Quyền lực của Mỹ suy yếu
So với các "ông lớn" khác, sự ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông đang giảm đi sau các động thái rút quân và chuyển hướng chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn lợi ích tại đây và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể nên hoàn tất những mục tiêu chiến lược còn dang dở. Trước hết, Mỹ cần đạt được thỏa thuận với Iran bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà nước này đã áp đặt đối với Tehran liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Nếu Washington muốn cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga ở Trung Đông, đó là cách chắc chắn nhất để làm điều đó.
Iran sẽ không từ bỏ tên lửa của mình nhưng một thỏa thuận ở Vienna có thể là tiền đề cho các cuộc đàm phán an ninh vùng Vịnh trong khu vực. Các tiểu vương quốc Qatar, Oman và Kuwait đều đã sẵn sàng hỗ trợ điều này.
Nếu Washington là nhà thực thi luật pháp quốc tế, nước này cũng cần cho thế giới thấy đồng minh Israel phải trả giá cho các chính sách cứng rắn với Palestine. Đây là cách duy nhất để lấy lại quyền lực toàn cầu đã mất. Mỹ đã bước vào một kỷ nguyên mới mà nước này không còn có thể thay đổi tình thế bằng vũ lực hoặc các biện pháp trừng phạt.
Tình thế tại Saudi Arabia năm 2022
Sau hàng loạt lùm xùm chính trị thời gian vừa qua, đáng chú ý như vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại, Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS) có thể sẽ khó khăn trong việc đưa nước này trở lại vinh quang trước đây. Saudi từng là quốc gia đầu tiên mà cộng đồng quốc tế hướng tới để giải quyết các vấn đề của thế giới Ả Rập.
Hoàng thái tử Riyadh có thể tin tưởng vào cả Nga và Trung Quốc để giúp phục hồi vị thế của ông trên trường quốc tế, nhưng họ không phải là lựa chọn thay thế cho liên minh truyền thống Mỹ-Saudi.
Kho vũ khí quân sự của Saudi phần lớn đến từ phương Tây và ông MbS vẫn mong muốn khôi phục mối quan hệ với Mỹ như đã có dưới thời ông Trump. Nhà lãnh đạo cũng có thể hướng sự chú ý của mình sang Anh và châu Âu, cả hai đều là các kho vũ khí tối tân lớn và có thể mang tới sự hỗ trợ vị thế lớn cho Saudi.
Còn với Mỹ, Saudi Arabia vẫn có một vị thế quan trọng. Washington muốn đảm bảo rằng dầu của nước này tiếp tục được sản xuất với số lượng dồi dào, tránh để giá dầu tiếp tục tăng và làm suy yếu sự phục hồi kinh tế phương Tây sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19.
Palestine: Chưa thể ổn định
Trong bối cảnh Israel luôn cứng rắn cả trên thực địa và trong quá trình hướng tới đàm phán với Palestine, dù có sự trung gian hòa giải của Mỹ, vấn đề này đang trở nên bế tắc.
Không thể lường trước được sự gia tăng phản kháng của người Palestine sẽ gây ra nhiều mối đe dọa ra sao, đặc biệt là khi các chính quyền Ả Rập láng giềng đã trở nên mất tập trung hoặc xa rời cuộc xung đột này. Một số chính phủ thù địch với Israel trước đây hiện đang cho thấy sự thân thiện hơn với nước này để đối phó với Iran.
Hình ảnh ngoại giao bế tắc này được củng cố bởi lập trường của Mỹ thời hậu Trump. Một bên, Tổng thống Biden ra hiệu rằng họ sẽ không thách thức các động thái có chữ ký của Trump, như chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, xác nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan hay tán thành các hiệp định bình thường hóa của Ả Rập với Israel. Và ở phía bên kia, ông Biden muốn tỏ ra có thái độ ôn hòa hơn, thể hiện sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước và đưa ra chỉ trích đối với Israel về việc sử dụng bạo lực quá mức đối với dân thường Palestine và các động thái mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng.
Trong bối cảnh này, sự phản kháng của người Palestine sẽ tiếp tục gửi tín hiệu đến thế giới rằng cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn bất kể Israel hành động ra sao.
Thêm một năm khó khăn đối với Afghanistan
Sự sụp đổ của chính quyền Kabul và việc Taliban trở lại nắm quyền được cho là một trong những tin tức gây sốc nhất năm 2021.
Những lý do cho sự tiếp quản của Taliban tiếp tục được tranh luận gay gắt. Tại sao quân đội Afghanistan, sau 20 năm được huấn luyện quân sự đầu tiên, được trang bị vũ khí và máy bay hiện đại, lại sụp đổ trong vòng chưa đầy hai tháng? Làm thế nào mà Taliban lại phát triển sức mạnh chiến thuật như vậy? Tại sao cộng đồng quốc tế chỉ đứng nhìn và theo dõi?
Và khi năm 2021 kết thúc, một thực tế mới nghiệt ngã xuất hiện ở Afghanistan. Nạn đói lan rộng và kinh tế sụp đổ đang tiếp diễn sang năm mới. Người dân Afghanistan bị kẹt giữa sự lãnh đạo cứng rắn của Taliban và sự thiếu hụt hỗ trợ từ quốc tế. Các quỹ viện trợ quốc tế bị đóng băng. Bước vào năm 2022, chính quyền Taliban đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng nhân đạo và tài chính chưa từng có, sự lên án của quốc tế, một số biện pháp phản ứng dữ dội từ người dân và mối đe dọa lật đổ quyền lực và sự kiểm soát của họ.
Thời hậu chiến khó lường
Giữa những bối cảnh trên, sẽ khó đưa ra được một dự báo đáng tin cậy cho khu vực này. Một trọng tâm hiện là khả năng phục hồi của thế giới và khu vực sau đại dịch Covid-19, điều đang ngày càng phức tạp vì sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao.
Bên cạnh đó, có một vấn đề mang tính hệ thống và lâu dài hơn rất nhiều cần theo dõi vào năm 2022: Trước sự lên ngôi của các "ông lớn", trật tự thế giới tự do do Mỹ dẫn đầu có thực sự tan rã? Chúng ta có đang bước vào thời kỳ "hậu hậu Chiến tranh Lạnh"? Ba cuộc khủng hoảng có thể có tác động xu hướng này đó là: Ukraine, Đài Loan và vấn đề hạt nhân Iran.
Nga, Trung Quốc và Iran đã đặt ra các yêu cầu của họ một cách rõ ràng, được công bố cụ thể là "lằn ranh đỏ": Ukraine không nên gia nhập NATO; sớm hay muộn Đài Loan phải quay lại với Trung Quốc đại lục; và Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình chỉ khi Mỹ dỡ bỏ thực sự và lâu dài các lệnh trừng phạt cùng với đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào sẽ không bị Mỹ từ chối một lần nữa. Còn câu trả lời của phương Tây vẫn chưa rõ ràng.
Cùng với câu hỏi nan giải về quyền lực của các siêu cường, các thách thức của thế kỷ 21 dường như cũng đang tập trung vào các chủ đề mới như biến đổi khí hậu, kiểm soát dữ liệu, an ninh mạng, 5G, AI và cuộc cách mạng lượng tử - tất cả tạo nên một tình thế khó khăn cần theo dõi sát sao trong năm nay./.