Chảo lửa Trung Đông: Hamas, Houthis và Israel đang tính toán gì?

Những ngày qua, căng thẳng giữa Israel với các lực lượng Hamas và Houthis leo thang nguy hiểm với những đợt không kích dồn dập, kéo khu vực Trung Đông lún sâu thêm vào vòng xoáy xung đột khó lường.

Căng thẳng giữa Israel với các lực lượng Hamas và Houthis những ngày qua leo thang với những cuộc không kích dữ dội và các động thái quân sự quyết liệt, đẩy khu vực Trung Đông vào một tình thế nguy hiểm.

Vòng xoáy căng thẳng leo thang

Trong một động thái đáp trả cứng rắn, chiều 6-5, chiến đấu cơ Israel đã không kích dữ dội vào Yemen, khiến Sân bay Quốc tế Sanaa (nằm trong khu vực do lực lượng Houthis kiểm soát) hoàn toàn bị vô hiệu hóa, theo tờ The Times of Israel.

Đây là đợt tấn công thứ hai liên tiếp trong vòng hai ngày từ phía Israel nhắm vào các mục tiêu quân sự của Houthis, sau loạt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái từ nhóm này vào lãnh thổ Israel.

Chiến dịch được triển khai với hàng chục máy bay chiến đấu, tiếp dầu và do thám, thả tổng cộng 50 quả đạn xuống nhiều vị trí trọng yếu. Đáng chú ý, Lực lượng Phòng vệ Israel đã phát đi cảnh báo khẩn cấp chưa từng có trước khi không kích, yêu cầu người dân lập tức sơ tán khỏi khu vực sân bay.

 Ảnh chụp màn hình được cho là ghi lại hiện trường cuộc không kích của Israel vào Sân bay Quốc tế Sanaa và các mục tiêu khác tại khu vực do Houthis kiểm soát ở Yemen ngày 6-5. Ảnh: X

Ảnh chụp màn hình được cho là ghi lại hiện trường cuộc không kích của Israel vào Sân bay Quốc tế Sanaa và các mục tiêu khác tại khu vực do Houthis kiểm soát ở Yemen ngày 6-5. Ảnh: X

Không dừng lại ở đó, trước đó một ngày, các chiến đấu cơ Israel đã tấn công một nhà máy bê tông khác mà quân đội khẳng định là cơ sở quân sự của Houthis, đồng thời phá hủy cơ sở hạ tầng tại cảng Hodeida.

Như một lời thách thức, Houthis lập tức tuyên bố sẽ trả đũa mạnh mẽ, khẳng định "cuộc xâm lược này sẽ không thể qua đi mà không có phản ứng". Chủ tịch Hội đồng Chính trị Tối cao Houthis - ông Mahdi al-Mashat khẳng định lực lượng này sẽ tiếp tục tấn công và cảnh báo người dân Israel "hãy ở lại trong hầm trú ẩn vì chính phủ của họ không thể bảo vệ họ nữa".

Không chỉ có Yemen, tình hình tại Gaza cũng đang leo thang với tốc độ đáng báo động. Trong một vụ không kích mới nhất vào trường Abu Humeisa, nơi trú ẩn của những người tản cư tại trại Al-Bureij, đã có ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Trước đó, cùng địa điểm này đã từng hứng chịu một vụ tấn công khiến 22 người chết, biến nơi tạm trú thành tâm điểm của sự đau thương.

Trên khắp Gaza, quân đội Israel đã thiết lập nhiều khu vực cấm, yêu cầu người dân sơ tán khỏi tỉnh Rafah và các vùng lân cận từ cuối tháng 3. Ở phía Bắc, hầu hết thành phố Gaza đã rơi vào trạng thái phong tỏa, ngoại trừ một vài khu vực nhỏ phía Tây Bắc còn được duy trì. Các khu vực phía Đông khu phố Shujayea và dọc biên giới Israel đều đã bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Trong một tuyên bố cứng rắn ngày 5-5, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu công bố kế hoạch di dời hơn 2 triệu người dân Gaza, đồng thời triển khai một chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn với mục tiêu thiết lập "sự hiện diện lâu dài" tại vùng đất này. Nội các Israel cũng phê duyệt kế hoạch huy động thêm 60.000 quân dự bị, sẵn sàng đảm bảo an ninh và cung cấp lương thực cho người dân Gaza giữa bối cảnh thiếu thốn trầm trọng.

Các bên đang tính toán gì?

Theo Chuẩn tướng Effie Defrin - phát ngôn viên hàng đầu của quân đội Israel, “mục tiêu cao nhất” của chiến dịch mở rộng tại Gaza là đưa các con tin trở về, chứ không phải đánh bại Hamas.

“Mục tiêu hàng đầu của chiến dịch là đưa các con tin trở về. Sau đó mới đến việc lật đổ chế độ của Hamas, đánh bại và khuất phục họ, nhưng trước tiên và trên hết là đưa các con tin trở về” - ông Defrin nói.

Ngay lập tức, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel - ông Itamar Ben Gvir đã lên án gay gắt phát ngôn này, cho rằng ông Defrin đang “nhầm lẫn khi nghĩ rằng quân đội đứng trên giới chính trị”.

 Người dân cạnh đống đổ nát ở TP Gaza (Dải Gaza) ngày 6-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Người dân cạnh đống đổ nát ở TP Gaza (Dải Gaza) ngày 6-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo đài CNN, tuyên bố của ông Defrin được đưa ra chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Netanyahu khẳng định “mục tiêu tối thượng” của cuộc chiến là tiêu diệt kẻ thù của Israel, chứ không phải giải cứu con tin.

Một số nhà phân tích cho rằng những đe dọa của Israel về một cuộc tấn công mới, chiếm đóng lãnh thổ và di dời hàng loạt được thiết kế để ép buộc Hamas nhượng bộ, cũng như củng cố sự ủng hộ của cánh hữu đối với liên minh cầm quyền của Tổng thống Netanyahu.

Phần mình, Hamas tuyên bố không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào với Israel, khẳng định rằng việc này sẽ không có ý nghĩa khi chiến tranh “đói khát và diệt chủng” vẫn tiếp tục tàn phá Dải Gaza.

Ông Basem Naim, một quan chức cấp cao của Hamas, cho biết tổ chức này chỉ sẵn sàng đàm phán khi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc chính phủ của ông Netanyahu phải chấm dứt những hành động mà Hamas gọi là “tội ác đói khát và giết chóc” tại Gaza, theo hãng tin Al Jazeera.

Liên quan Houthis, nhóm này hôm 4-5 tuyên bố mục đích của các cuộc tấn công nhằm vào Tel Aviv gần đây là nhằm “phản đối tội ác diệt chủng” của Israel đối với người dân Gaza. Nhóm này cũng đưa ra lời đe dọa sẽ “áp đặt một lệnh phong tỏa đường không toàn diện” đối với Israel bằng cách “liên tục nhắm vào các sân bay”, đặc biệt sân bay Ben Gurion.

Tuy vậy, nhìn vào cục diện Biển Đỏ từ trước đến nay khi Houthis cũng tấn công các tàu của Mỹ, giới quan sát cho rằng lực lượng này có mục tiêu sâu xa là kiểm soát chiến lược các tuyến đường hàng hải, tái định nghĩa quan hệ quyền lực trong Vùng Vịnh, và gây áp lực gián tiếp lên phương Tây.

Theo ông Filippo Maria Sardella - GĐ Viện Phân tích Quan hệ Quốc tế (Ý), các cuộc tấn công của Houthis ở Biển Đỏ hay gần đây đã vượt ra khỏi vùng biển và nhắm vào Israel cho thấy nhóm này muốn khẳng định vai trò tự chủ trong cuộc chơi quyền lực khu vực, chứ không chỉ là đơn thuần là công cụ của Iran.

Ông Sardella cho rằng Houthis đang nhắm tới việc tham gia vào các cuộc đàm phán với các cường quốc khu vực, ở một vị thế mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng.

Vòng xoáy bạo lực giữa Israel với các nhóm Houthis và Hamas đang ngày càng mất kiểm soát, đẩy khu vực vào thế đối đầu nguy hiểm. Với những tuyên bố cứng rắn và các động thái quân sự quyết liệt, viễn cảnh về một cuộc chiến quy mô lớn hơn đang hiện hữu. Căng thẳng đang lan rộng, đe dọa làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo và địa chính trị chưa từng có, khiến nỗ lực hòa bình trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chao-lua-trung-dong-hamas-houthis-va-israel-dang-tinh-toan-gi-post848407.html